15/09/2011 - 13:24

Đọc “Người cha hiện đại”

Trẻ em, nạn nhân của gia đình tan vỡ

Những đứa trẻ sinh ra trong một gia đình đổ vỡ dễ bị tổn thương. Cô bé Chuồn Kim đã từng hụt hẫng khi cha bỏ ra đi, nhưng tình yêu thương và sự hy sinh của người mẹ 15 năm gồng gánh gia đình, đã giúp Chuồn Kim tìm lại nghị lực sống. Tiểu thuyết “Người cha hiện đại”của tác giả Trầm Hương, NXB Văn hóa- Văn nghệ phát hành tháng 7 năm 2011.

Chuồn Kim và em trai Khoai Lang sống với mẹ - một nhà văn nghèo. Ba là một đạo diễn nổi tiếng, bỏ rơi mẹ con Chuồn Kim để chạy theo cuộc sống xa hoa với những người phụ nữ giàu có. Vài lần ba ghé thăm nhà, cùng những quà, bánh đắt tiền, những lời hứa hão huyền, khiến cho Chuồn Kim nghĩ rằng gia đình không thể sum họp chỉ vì mẹ quá khắt khe trước lỗi lầm của ba. Để ngăn cản mẹ tái hôn, Chuồn Kim uống thuốc ngủ tự vẫn, buộc mẹ phải tìm ba trở về. Khi Chuồn Kim chứng kiến sự tuyệt vọng của mẹ trong nỗ lực giữ chân ba ở lại, em hiểu được nỗi đau và sự hy sinh của mẹ, em đã mạnh dạn đối diện với sự thật: “Khi một người đàn ông bứt khỏi đời sống gia đình, khi sự ích kỷ của bản thân được thượng tôn, sẽ không còn gì là thiêng liêng trong cuộc đời ông ta nữa. Lúc ấy, những đứa con cũng chẳng còn ý nghĩa gì” (trang 383).

Đọc “Người cha hiện đại” để cảm nhận được nỗi lòng của những đứa trẻ lớn lên trong một gia đình không trọn vẹn. Sự ích kỷ, thực dụng của người lớn làm cho các em bị tổn thương. Những đứa trẻ như Chuồn Kim, Khoai Lang chưa đủ trưởng thành để đối diện với những cú sốc mà người lớn gây ra, chúng dễ bị sa ngã và trầm cảm.

Nhà văn Trầm Hương đã khai thác thế giới nội tâm của bọn trẻ để thấu hiểu những điều chúng cần. Chị đã mô tả sâu sắc những mâu thuẫn tâm lý của một cô bé 15 tuổi. Bản lĩnh của Chuồn Kim được hình thành từ những biến cố trong gia đình. Chuồn Kim mạnh mẽ hơn, em vượt qua cảm giác chông chênh giữa cuộc đời khi nghĩ về ba. Em lặng lẽ tự chữa lành vết thương tinh thần, bằng cách sống tốt để đáp lại tình thương và sự nhọc nhằn của mẹ: “Nước mắt tôi trào ra, lặng lẽ. Tôi thương mẹ quá đỗi. Cùng với những giọt nước mắt cứ vỡ ra, vỡ ra; một nhận thức mới manh nha, lớn dần trong tâm hồn tôi” (trang 79).

Khép trang sách cuối cùng, chúng ta có thể yên tâm khi biết Chuồn Kim sẽ không nông nỗi và sống buông xuôi. Em đã trưởng thành khi biết lấp đầy khoảng trống tình thân bằng sự hài lòng về một mái ấm bình dị: “Trong ngôi nhà của mình, dẫu không có ba, chúng tôi vẫn thấy mình là những đứa trẻ ngập tràn hạnh phúc. Ngôi nhà chúng tôi không có nhiều tiền. Ngôi nhà chúng tôi tràn ngập tình yêu thương... Qua bàn tay của mẹ...” ( trang 417).

“Người cha hiện đại” là một câu chuyện giàu tính nhân văn, gây xúc động lòng người, gởi gắm một thông điệp ý nghĩa: “Những người lớn nếu biết bỏ qua những toan tính, ích kỷ và hiểu được nỗi lòng của trẻ con thì những đứa trẻ sẽ có một tuổi thơ trọn vẹn và không bị tổn thương”.

Thảo Yên

Chia sẻ bài viết