27/07/2025 - 13:58

Liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm và cuốn nhật ký thứ ba 

Nhân kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2025), một quyển sách đặc biệt ý nghĩa được ra mắt bạn đọc, mang tên “Ðặng Thùy Trâm và cuốn nhật ký thứ ba”.

Liệt sĩ, bác sĩ Ðặng Thùy Trâm sinh năm 1942, lớn lên trong một gia đình trí thức ở Hà Nội. Cuối năm 1966, bác sĩ trẻ Ðặng Thùy Trâm xung phong vào công tác ở chiến trường B. Sau 3 tháng hành quân từ Bắc vào Nam, tháng 3-1967, chị đến Quảng Ngãi, được phân công phụ trách một bệnh xá ở Ðức Phổ, chủ yếu điều trị các thương bệnh binh. Ngày 22-6-1970, trong một chuyến công tác từ vùng núi Ba Tơ về đồng bằng, bác sĩ Ðặng Thùy Trâm bị địch phục kích và hy sinh khi mới 28 tuổi đời, 2 tuổi Ðảng và 3 năm tuổi nghề.


Cuốn sách “Đặng Thùy Trâm và cuốn nhật ký thứ ba”.  Ảnh: NXB Phụ nữ Việt Nam                               

 

Trong những di sản của bác sĩ Ðặng Thùy Trâm để lại, có 2 quyển nhật ký được viết từ tháng 4-1968 đến ngày 20-6-1970. Hai tập nhật ký này được Frederic Whitehurst, một cựu sĩ quan quân báo Hoa Kỳ, lưu giữ suốt 35 năm và trao trả lại cho gia đình vào cuối tháng 4-2005. Sau khi được xuất bản thành sách, quyển nhật ký đã tạo được sự chú ý đặc biệt cả trong và ngoài nước. Tấm gương liệt sĩ, bác sĩ Ðặng Thùy Trâm lay động mạnh mẽ hàng triệu con tim. Chị tiêu biểu cho thế hệ tuổi trẻ Việt Nam thời chiến, sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ dân tộc, vì lý tưởng cách mạng, hiến dâng thanh xuân đời mình cho Tổ quốc.

Năm 2006, liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Quyển nhật ký của chị đã tạo cảm hứng cho nhiều tác phẩm văn hóa, nghệ thuật nổi tiếng. Tên của chị được đặt cho nhiều tên đường và công trình công cộng trên khắp cả nước như bệnh viện, trường học… Tại TP Cần Thơ, có nhiều tuyến đường mang tên Đặng Thùy Trâm thuộc địa bàn phường Bình Thủy, phường Vị Thanh... Sau hợp nhất, sáp nhập, tỉnh Quảng Ngãi có một xã mới mang tên Đặng Thùy Trâm.

Với “Ðặng Thùy Trâm và cuốn nhật ký thứ ba”, đây là di cảo chưa từng được công bố của bác sĩ Ðặng Thùy Trâm, được tác giả Ðặng Kim Trâm, em gái liệt sĩ, biên soạn, NXB Phụ nữ Việt Nam ấn hành. Quyển nhật ký thứ 3 có nhiều trang viết trước thời điểm nữ bác sĩ vào chiến trường. Sách dày 384 trang, gồm 2 phần: “Lớp người lý tưởng” và “Cây cầu bắc qua dòng sông chia cắt”, cùng phần giới thiệu một số thư từ với gia đình, bè bạn của bác sĩ Ðặng Thùy Trâm; hồi ký của bà Doãn Ngọc Trâm - mẹ bác sĩ Ðặng Thùy Trâm; bài viết của tác giả Ðặng Kim Trâm và các em của nữ bác sĩ. Qua sách, người đọc hiểu hơn về tuổi thơ, gia đình và những suy nghĩ, hoài bão của bác sĩ Ðặng Thùy Trâm khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Lý tưởng của chị, khi chỉ mới tuổi đôi mươi, thật đẹp: “Học lịch sử Ðảng, 9 năm kháng chiến trường kỳ Ðảng đã dìu ta bước qua vực thẳm. Khó khăn là thế mà ta vẫn thắng, huống gì ngày nay nhân dân ta đã lớn lên như Phù Ðổng thiên vương, bên chúng ta có cả một thế giới ủng hộ rất tận tình, nhất định chúng ta sẽ thắng. Niềm tin đó như sự sống vậy”. Khi đăng ký xung phong vào chiến trường B, chị hẹn ước: “Mẹ yêu ơi, hẹn ngày chiến thắng con sẽ về, sẽ sống mãi với gia đình - sẽ lấy lại những ngày vui và sẽ vui cho nhiều bõ những ngày xa cách”. Trong sách, tác giả Ðặng Kim Trâm chia sẻ rằng: “Tôi nghĩ cái quý nhất ở chị tôi là tình yêu thương. Dũng cảm, gian khổ thì nhiều người dũng cảm, gian khổ hơn chị tôi. Nhưng cái mà chị đến được với mọi người chính là trái tim ngập tràn yêu thương của chị dành cho mọi người”.

Mối tình của bác sĩ Ðặng Thùy Trâm với chiến sĩ M. từng thu hút sự quan tâm. Trong cuốn sách này, mối tình đó được kể lại qua nhiều góc nhìn khác nhau, rất thật và rất đời. Ðó là mối tình trong sáng, đẹp đẽ của những thanh niên thời chiến, luôn biết đặt trách nhiệm với Tổ quốc, với quê hương lên trên hết, trước hết.

ĐĂNG HUỲNH

Chia sẻ bài viết