Sự lên ngôi của nền tảng trực tuyến khiến doanh thu phim chiếu rạp ngày càng sụt giảm tại Hàn Quốc. Theo đó, hiện tượng dịch chuyển đầu tư và khán giả từ màn ảnh rộng sang màn ảnh nhỏ đang diễn ra ngày càng rõ rệt, gây ra lo ngại về sự phát triển của điện ảnh Hàn trong tương lai.

Tại Liên hoan phim quốc tế (LHP) Cannes 2025, điện ảnh Hàn Quốc không có phim trong danh sách tranh các giải thưởng chính thức. Đây là lần đầu tiên sau 12 năm, điện ảnh Hàn vắng bóng ở các đề cử tranh giải, dù trước đó Hàn Quốc liên tục gây tiếng vang với những giải thưởng quốc tế. Đồng thời đây cũng là lần đầu tiên sau 26 năm, điện ảnh Hàn vắng bóng gần như hoàn toàn ở LHP này. Trong khi trước đây, tại các kỳ LHP dù không tranh giải nhưng điện ảnh quốc gia này vẫn góp mặt ở các hoạt động bên lề.
Giáo sư Shim Eun Jin nhìn nhận: "Số lượng phim điện ảnh Hàn Quốc đang giảm. Một lượng lớn phim hiện đang chuyển hướng sang các nền tảng phát trực tuyến. Những thay đổi trong nhận thức của khán giả và môi trường sản xuất đã dẫn đến kết quả này".
Đồng quan điểm, nhà phê bình văn hóa Kim Hun Sik nói: "Đây là một phần hệ lụy của dịch COVID-19. Khi dịch bệnh bùng phát, nhiều phim bị hoãn chiếu tới 2-3 năm và đến nay khi ra rạp đã mất tính thời sự và trở nên lạc điệu giữa làn sóng nội dung trực tuyến đang lên".
Khán giả không còn nhiều quan tâm đến phim rạp và chuyển dịch mạnh mẽ từ màn ảnh rộng sang màn ảnh nhỏ. Theo đó, nhiều đạo diễn, biên kịch và diễn viên tên tuổi đều có xu hướng lựa chọn hợp tác với các nền tảng trực tuyến. Bởi nền tảng này phù hợp thị hiếu của khán giả, vừa có sức lan tỏa lớn, chi phí linh hoạt và thời gian sản xuất ít bị bó buộc. Các nhà đầu tư cũng ngày càng e dè rót vốn cho các dự án phim chiếu rạp.
Dễ nhận thấy ở mùa phim hè 2025, số lượng phim trực tuyến lên sóng liên tục, trong khi phim chiếu rạp chỉ vài tựa: "Omniscient Reader: The Prophecy", "My Daughter is A Zombie" và "Pretty Crazy"... Phim chiếu rạp gần như bị nhấn chìm trước những cơn lốc phim trực tuyến, từ "Low Life" (ảnh), "Twelve" của Disney Plus đến "Wall to Wall", "Squid Game" mùa 3, "Trigger" của Netflix đều được thảo luận sôi nổi trên các diễn đàn phim ảnh.
Nhà phê bình phim Kim Heon Shik cho rằng chất lượng phim của phim chiếu rạp hiện nay thấp hơn so với các phim được sản xuất bởi các nền tảng phát trực tuyến. Bởi lẽ, các nền tảng trực tuyến có kinh phí đầu tư lớn, kỹ thuật quay phim cũng được đầu tư tốt hơn, nội dung phim đa dạng và đáp ứng nhu cầu khán giả tốt hơn.
Tuy nhiên, nhà phê bình phim Kim Heon Shik cũng chỉ ra rằng phim độc lập, quy mô nhỏ nhưng đầu tư chỉn chu vẫn đang tạo dấu ấn. Ví dụ như "Noise" vừa ra rạp tháng 6 vừa qua, có kinh phí thấp nhưng nội dung tốt, đã nhanh chóng hòa vốn và thậm chí còn đang bám đuổi sát nút các bom tấn Hollywood.
Ông Kim Heon Shik nhấn mạnh: "Những tác phẩm sáng tạo, có bản sắc riêng vẫn đủ sức giữ chân khán giả".
BẢO LAM
(Tổng hợp từ Chosun, Korea Times)