22/04/2020 - 06:24

Trẻ bú mẹ có ít virus gây bệnh trong đường ruột hơn 

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Pennsylvania (Mỹ) cho biết việc cho trẻ bú sữa mẹ - dù với một lượng nhỏ - cũng ảnh hưởng lớn đến khả năng phòng vệ của bé trước virus gây bệnh.

Trong nghiên cứu, nhóm chuyên gia do Tiến sĩ Frederic Bushman dẫn đầu đã lấy mẫu phân của 20 trẻ ở thời điểm vài ngày sau sinh, khi được 1 tháng và 4 tháng tuổi. Sau khi phân tích, họ nhận thấy chỉ 3/20 bé có phân tử mang cấu trúc giống virus trong phân su (trẻ đi ngoài lần đầu tiên). Nhưng khi trẻ được 1 tháng tuổi, quần thể virus lẫn vi khuẩn trong phân đã phát triển mạnh, với số lượng lên tới 1 tỉ virus/gr phân. Và khi trẻ được 4 tháng tuổi, các virus có thể nhân bản trong tế bào người và có khả năng gây bệnh đã hiện diện rõ rệt hơn. Điều này chứng tỏ em bé không có sẵn virus, mà nhiễm tác nhân gây bệnh trong hoặc sau khi chào đời.

Đáng chú ý, nhóm nghiên cứu nhận thấy trẻ được nuôi bằng sữa mẹ có ít virus tiềm ẩn khả năng gây bệnh hơn. Theo trưởng nhóm Bushman, các loại prôtêin và đường trong sữa mẹ có thể đã kiềm hãm sự phát triển của những virus gây bệnh và giảm nguy cơ nhiễm bệnh. So với chỉ dùng sữa công thức, tác động phòng bệnh của việc bú sữa mẹ và thỉnh thoảng dùng thêm sữa công thức cũng tốt hơn. Kết quả tương tự cũng được ghi nhận ở 125 trẻ từ 3-4 tháng tuổi ở Mỹ và 100 trẻ 4 tháng tuổi ở Botswana.

Theo nhóm nghiên cứu, những phát hiện trên có thể ảnh hưởng đến biện pháp phòng ngừa rối loạn tiêu hóa sớm ở trẻ sơ sinh, cũng như khuyến khích các bà mẹ cho con bú, hoặc kết hợp đồng thời với sữa công thức.

AN NHIÊN (Theo NewScientist, Sciencedaily)

Chia sẻ bài viết