09/11/2021 - 12:04

Tranh giành quyền lực tại Iraq 

Giới chức Iraq nhìn nhận vụ ám sát hụt Thủ tướng Mustafa al-Kadhimi (ảnh) là nỗ lực của các nhóm dân quân thân Iran nhằm lật ngược kết quả sơ bộ cuộc bầu cử quốc hội hồi tháng rồi.

Ảnh: DPA

Hôm 7-11, 3 máy bay không người lái đã tấn công tư dinh của Thủ tướng Kadhimi bên trong Vùng Xanh được bảo vệ nghiêm ngặt ở thủ đô Baghdad, trong đó 2 chiếc bị bắn hạ. Ông Kadhimi vẫn an toàn nhưng 7 lính gác bên ngoài dinh Thủ tướng bị thương. “Chúng tôi sẽ truy lùng những kẻ tội phạm, chúng tôi biết rõ chúng và sẽ vạch trần chúng”, Thủ tướng Kadhimi nói tại một cuộc họp an ninh sau vụ tấn công mà ông cho là “hèn nhát”. Ðây là vụ ám sát nhằm vào một vị thủ tướng đầu tiên ở Iraq kể từ khi chế độ Saddam Hussein bị Mỹ lật đổ cách đây 18 năm. Hiện chưa có tổ chức nào nhận trách nhiệm về sự việc.

Trong khi đó, các quan chức cấp cao tại Iraq tin rằng vụ ám sát đánh dấu bước leo thang chưa từng có giữa giới lãnh đạo nước này và các nhóm dân quân người Shiite do Iran hậu thuẫn đang muốn thay đổi kết quả cuộc bầu cử hôm 10-10. Cộng đồng tình báo trong khu vực cũng nghi ngờ những nhóm thân Tehran đứng sau vụ tấn công. Bởi theo kết quả sơ bộ, các nhóm này đã mất 2/3 số ghế tại quốc hội, còn khối chính trị của giáo sĩ Muqtadr al-Sadr giành nhiều ghế nhất (73 ghế). Nhân vật có sức ảnh hưởng này được cho là sẽ đóng vai trò chủ chốt trong cuộc thảo luận kéo dài nhiều tháng để quyết định chiếc ghế thủ tướng. Ủy ban bầu cử Iraq chưa công bố kết quả cuối cùng. Sau khi có kết quả, quốc hội có thể triệu tập cuộc họp để hướng tới việc thành lập chính phủ.

Vụ mưu sát trên xảy ra 2 ngày sau khi các nhóm dân quân tìm cách tràn vào Vùng Xanh nhưng bị lực lượng an ninh đẩy lùi. Cuộc đấu súng đã khiến một người biểu tình thiệt mạng và nhiều nhân viên an ninh bị thương. Trong phản ứng, Qais al-Khazali, thủ lĩnh nhóm Asaib Ahl al-Haq, cảnh báo: “Người biểu tình chỉ muốn phản đối tình trạng gian lận bầu cử. Ðáp trả bằng đạn thật nghĩa là các người trước tiên phải chịu trách nhiệm cho sự gian lận này”.

Cuộc biểu tình ngày 5-11 đánh dấu lần thứ hai trong năm nay các nhóm dân quân cố gắng tác động đến chiếc ghế thủ tướng. Hồi tháng 6, lãnh đạo các nhóm này đã ra lệnh cho các thành viên chiếm giữ một trong những chốt kiểm soát chính. Ðiều đó dẫn đến cuộc đàm phán kéo dài với lãnh đạo các nhóm dân quân và làm suy yếu quyền hạn của Thủ tướng Kadhimi đến nỗi ông đã nghiêm túc cân nhắc không tranh cử nhiệm kỳ 2.

Rủi ro cho Thủ tướng Kadhimi

Thực tế, Thủ tướng Kadhimi không tham gia vào cuộc bầu cử vừa rồi. Nhưng các nhà phân tích cho biết ông có thể vẫn duy trì vị trí qua thỏa thuận hậu bầu cử giữa các lực lượng chính trị đối địch. Dù vậy, Kadhimi đối mặt với nhiều phản đối từ những nhóm cáo buộc ông liên quan đến cuộc không kích do Mỹ thực hiện, tiêu diệt tư lệnh lực lượng đặc nhiệm Quds thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) Qassem Soleimani và lãnh đạo lực lượng Huy động nhân dân Iraq (PMF) Abu Mahdi al-Muhandis tại sân bay Baghdad năm ngoái.

Ông Kadhimi, từng làm giám đốc cơ quan tình báo Iraq trước khi trở thành thủ tướng hồi tháng 5-2020. Nhân vật 54 tuổi này được các nhóm dân quân xem là đồng minh thân thiết với Mỹ và ông đang cố gắng duy trì sự cân bằng giữa các liên minh của Iraq với cả Mỹ lẫn Iran. Ðối với Kadhimi, nhà nghiên cứu Marsin Alshamary nhận định rủi ro sẽ cao hơn nếu ông vẫn là thủ tướng.

Bất chấp tỷ lệ cử tri đi bầu thấp, kết quả bỏ phiếu vừa rồi đã cho thấy làn sóng bất mãn các nhóm dân quân ngày càng lớn. Trong nhiều năm qua, những lực lượng này được ca ngợi như anh hùng vì cầm súng chống tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS). Tuy nhiên, các nhóm dân quân đã mất đi sự ủng hộ kể từ năm 2018. Nhiều người cho rằng các nhóm này chịu trách nhiệm cho làn sóng biểu tình chống chính phủ năm 2019 và làm xói mòn quyền lực nhà nước Iraq.

HẠNH NGUYÊN (Theo Guardian, AP)

Chia sẻ bài viết