27/12/2009 - 09:13

Tranh cãi xung quanh các “Nhân vật của năm”

Ông Lloyd Blankfein – “Nhân vật của năm” do FT bình chọn.
Ảnh: AFP

Đến hẹn lại lên, năm hết Tết đến là lúc các tờ báo hàng đầu thế giới công bố những “Nhân vật của năm” do mình bình chọn. Và cũng như mọi năm, tranh cãi là điều không tránh khỏi xung quanh một số gương mặt vừa được đề cử.

Tờ Financial Times (FT) của Anh hôm 26-12 cho biết “Nhân vật của năm” là Lloyd Blankfein, chủ tịch kiêm tổng giám đốc ngân hàng đầu tư Goldman Sachs. Theo báo này, Goldman Sachs không những đã vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu tốt hơn các ngân hàng khác ở Wall Street mà còn thu được mức lợi nhuận kỷ lục, chia thưởng cho 31.700 nhân viên số tiền lên tới 23 tỉ USD. Tuy nhiên, nhiều người không đồng tình với nhận định trên. Bản thân ông Blankfein hồi tháng rồi đã phải lên tiếng xin lỗi về vai trò của Goldman Sachs trong cuộc khủng hoảng tài chính, và Chính phủ Mỹ hiện đang điều tra cách thức kinh doanh của ngân hàng này. Sau khi FT tôn vinh ông Blankfein, nhà phân tích ngân hàng lừng danh Christopher Whalen đã phản ứng bằng cách ngừng đặt mua báo này. “Theo tôi, ông Blankfein và các đồng nghiệp tại Goldman Sachs đã gây nhiều tổn hại cho danh tiếng của ngành tài chính toàn cầu hơn bất cứ tổ chức (tài chính) nào khác trong năm 2009, nhưng các ông lại ca ngợi họ”, Whalen viết trong thư gởi FT.

Rơi vào tình cảnh tương tự như FT là tạp chí Time của Mỹ khi hồi tuần trước chọn chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (FED) Ben Bernanke làm “Nhân vật của năm”. “Nếu không có Bernanke, cuộc suy thoái sẽ tồi tệ hơn rất nhiều. Ông ấy không chỉ tái cơ cấu chính sách tiền tệ của Mỹ mà còn dẫn đầu các nỗ lực cứu kinh tế thế giới”, Time nhận định. Nhưng trong lúc Time không tiếc lời ca ngợi chủ tịch FED thì sự ủng hộ của dân chúng Mỹ dành cho ông này sụt xuống mức 21%, còn tỷ lệ phản đối lên tới hơn 40%. Thượng nghị sĩ Jim Bunning, thành viên Ủy ban Tài chính Thượng viện Mỹ, thậm chí gọi lựa chọn của Time là “phần thưởng cho sự thất bại”.

Cũng trong ngày 26-12, tờ The Times của Anh đã chọn người phụ nữ bị bắn chết khi biểu tình phản đối kết quả cuộc bầu cử tổng thống gây tranh cãi ở Iran hồi tháng 6 là “Nhân vật của năm”. Theo The Times, cô Neda Agha-Soltan đã trở thành “biểu tượng toàn cầu chống bạo ngược”. Bình chọn của The Times chắc chắn sẽ khiến Tehran giận dữ. Chính quyền Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad khẳng định cái chết của người phụ nữ 26 tuổi này được “dàn dựng” với sự hỗ trợ của truyền thông nước ngoài nhằm bôi nhọ chế độ. Hồi tháng rồi, Tehran cũng đã kịch liệt phản đối việc đại học Oxford của Anh thành lập một học bổng nhằm tưởng nhớ Neda, cho rằng nó mang động cơ chính trị.

Trong số các “Nhân vật của năm”, có lẽ Tổng thống Brazil Lula da Silva, được tờ Le Monde của Pháp đề cử hôm 25-12, là ít gây tranh cãi nhất. Nhận xét về người được bình chọn đầu tiên trong lịch sử 65 năm của mình, Le Monde cho rằng ông Lula là “biểu tượng của một quốc gia đang trỗi dậy, biểu tượng của thế cân bằng giữa các nước phát triển và các nước nghèo”, và là người đã giúp Brazil xác lập vị thế trên trường quốc tế.

LÊ DÂN

Chia sẻ bài viết