15/11/2021 - 21:42

Tranh cãi về thời gian bảo vệ của vaccine 

Trong khi hiệu quả của vaccine COVID-19 bảo vệ người dùng khỏi triệu chứng nặng và nguy cơ nhập viện vẫn không thay đổi, nhiều tài liệu chỉ ra tác dụng ngăn ngừa lây nhiễm đã giảm. Thế nên, vaccine giảm hiệu quả và việc tất cả người trưởng thành có nên tiêm mũi tăng cường hay không đang là đề tài tranh luận.

Một thanh niên Anh được tiêm vaccine COVID-19. Ảnh: Reuters

Ở Anh, một nghiên cứu đã phát hiện vaccine Pfizer đạt hiệu quả khoảng 90% trong phòng ngừa lây nhiễm biến thể Delta 2 tuần sau khi tiêm mũi hai, nhưng giảm xuống còn 70% sau 5 tháng. Các tác giả cũng nhận thấy tác dụng bảo vệ của vaccine Moderna giảm theo thời gian. Tương tự, các nhà khoa học Mỹ và Canada kết luận hiệu quả ngăn ngừa lây nhiễm của các loại vaccine giảm dần với những mức độ khác nhau. Thế nhưng nghiên cứu của họ chỉ ra sau nhiều tháng, các vaccine của Pfizer và Moderna vẫn có hiệu quả cao ngăn ngừa nhập viện.

“Mục tiêu của vaccine COVID-19 là ngăn ngừa triệu chứng nặng và nguy cơ tử vong. Chúng vẫn đang làm tốt nhiệm vụ đó”, Tiến sĩ Melissa Higdon tại Trường Y tế Công cộng Johns Hopkins Bloomberg (Mỹ) nhận định. Dù vậy, bà Higdon đánh giá khả năng phòng ngừa lây nhiễm của vaccine giảm có tác động nhất định đến cuộc chiến chống đại dịch. Nhiều khả năng số ca nhiễm sẽ tăng cao hơn. Trong khi đó, các chuyên gia y tế công cộng cho rằng sự giảm này không có nghĩa vaccine không hiệu quả.

Đối tượng nào cần được tiêm bổ sung?

Dữ liệu từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ cho thấy hiệu quả của vaccine công nghệ mRNA như Pfizer hoặc Moderna đã giảm. Vaccine của Johnson & Johnson thậm chí có tác dụng chống lây nhiễm và triệu chứng nặng kém hơn 2 vaccine trên. Qua đó, CDC khuyến nghị tiêm liều tăng cường cho những nhóm công dân cụ thể.

Ðối với những người nhận các loại vaccine của Moderna và Pfizer, đối tượng đủ điều kiện tiêm mũi tăng cường là người từ 65 tuổi trở lên, người trưởng thành có nguy cơ cao. Liều thứ ba tiêm sau liều hai 6 tháng. Còn đối với vaccine Johnson & Johnson (liệu trình một liều), tất cả người từ 18 trở lên đều có thể tiêm mũi tăng cường 2 tháng sau mũi đầu tiên.

Tuần rồi, Pfizer đã đề nghị Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) mở rộng cấp phép liều tăng cường của hãng cho tất cả người trưởng thành. Song giới chuyên gia còn tranh luận liệu điều này có thực sự cần thiết đối với cả những người không có bệnh nền, không dễ nhiễm virus. Các chuyên gia chỉ nhất trí tiêm bổ sung cho người trên 65 tuổi. Vaccine giảm hiệu quả tác động xấu hơn đến nhóm này, bởi người già có nguy cơ nhập viện cao sau khi mắc COVID-19. Hơn nữa, khả năng miễn dịch ở người già đến nay đã giảm vì là nhóm đầu tiên được tiêm chủng. Khoảng 71% người Mỹ từ 65 tuổi trở lên tiêm đủ liều cách nay ít nhất 6 tháng.

Những nước khác như Israel và Canada thì cho phép tất cả người lớn tiêm liều tăng cường. Dữ liệu ban đầu của Israel cho thấy chương trình giúp giảm số ca nhập viện và tử vong, ít nhất là trong tương lai gần.

Thử nghiệm lâm sàng vaccine thế hệ hai

Báo Guardian cho biết Công ty Emergex (Anh) sẽ sớm bắt đầu thử nghiệm lâm sàng loại vaccine COVID-19 mới dạng miếng dán. Vaccine mới sẽ tạo ra tế bào T để nhanh chóng loại bỏ các tế bào nhiễm bệnh khỏi cơ thể, từ đó ngăn chặn sự nhân lên của virus và có thể cung cấp khả năng miễn dịch lâu hơn (có thể trong nhiều thập kỷ) so với các loại vaccine hiện hành. Ðược biết, các kháng thể được tạo ra bởi vaccine hiện nay chỉ bám vào virus và ngăn chúng lây nhiễm sang các tế bào. Vaccine của Pfizer và AstraZeneca cũng tạo ra phản ứng tế bào T nhưng ở mức độ thấp hơn.

Vaccine thế hệ mới sẽ được phát triển dưới dạng miếng dán vào da, có kích thước chỉ bằng móng tay cái, chứa những đầu kim siêu nhỏ. Chế phẩm này có thể được bảo quản đến 3 tháng ở nhiệt độ phòng, không cần phải trữ trong tủ đông hay tủ lạnh. Tuy nhiên, sớm nhất là đến năm 2025 vaccine của Emergex mới có mặt trên thị trường.

Kể từ giữa tháng 12 tới, hộ chiếu vaccine dành cho người trên 65 tuổi ở Pháp sẽ vẫn còn hiệu lực nếu họ được tiêm mũi tăng cường 6 tháng sau khi chủng ngừa. Hy Lạp cũng đang xem xét đặt ra “thời hạn sử dụng” cho giấy chứng nhận vaccine.

HẠNH NGUYÊN (Theo NY Times)

Chia sẻ bài viết