06/09/2010 - 21:38

Trang phục thời công nghệ cao

Trang phục gọi điện thoại di động.

Người đẹp Katy Perry diện chiếc váy rực sáng do CuteCircuit thiết kế.

Tiếp tục xu hướng kết đôi thời trang với công nghệ cao, năm tới, các nhà thiết kế thời trang Luân Đôn (Anh) sẽ trình làng thêm một loạt sản phẩm mới, chẳng hạn như bộ quần áo có thể dùng làm điện thoại di động (ĐTDĐ).

Trang phục M-dress, sản phẩm thời trang “lai” công nghệ cao mới nhất của công ty CuteCircuit, cho phép người mặc nhận cuộc gọi bằng cách nhấc bàn tay lên lỗ tai. Thẻ SIM được lắp vào nhãn sản phẩm trong khi ăng-ten được may vào đường viền áo. Theo Francesca Rosella, đồng sáng lập CuteCircuit, ý tưởng thiết kế M-dress xuất phát từ trải nghiệm của chính bản thân cô: nhiều lần để ĐTDĐ trong túi xách và không kịp lấy ra khi có cuộc gọi đến. “Lúc đó, tôi nghĩ tại sao chúng tôi không thiết kế trang phục có thể kiêm luôn chức năng chiếc a-lô”.

Khi trang phục đổ chuông, bạn chỉ việc nhấc bàn tay lên hướng lỗ tai. Bộ phận cảm biến sẽ dò cử động này để người mặc nhận cuộc gọi. Khi kết thúc cuộc đàm thoại, bạn chỉ cần hạ cánh tay xuống thì kết nối sẽ tắt. Hiện tại, các công ty viễn thông ở Anh đang thử nghiệm M-dress, dự kiến sẽ được tung ra thị trường vào năm 2011. Tuy không tiết lộ giá nhưng Rosella cho biết sản phẩm của công ty cô sẽ có giá tương đương một chiếc ĐTDĐ và một bộ quần áo cộng lại.

Trước M-dress, CuteCircuit từng cho ra đời nhiều trang phục công nghệ cao. Tháng 5 vừa qua, tại buổi biểu diễn gây quỹ từ thiện thường niên ở Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan ở New York, siêu sao nhạc pop người Mỹ Katy Perry đã thu hút mọi ánh nhìn khi diện bộ váy phát sáng. Trang phục sang trọng này được CuteCircuit thiết kế riêng cho cô, được may bằng vải chiffon lụa mềm và tích hợp hơn 3.000 bóng đèn LED.

Tuy trông sáng chói nhưng chiếc đầm của Perry vẫn lu mờ nếu so với bộ váy Galaxy Dress được đính 24.000 bóng đèn LED đủ màu sắc và mỏng như giấy. Những mạch điện mỏng và dẻo được thêu tay lên trên lớp lụa để vải mềm mượt như bình thường. CuteCircuit cho biết phần nặng nhất của bộ váy không phải là các mạch điện hay bóng đèn mà là 40 lớp lụa được gấp thành nếp để tạo nên chiếc váy phồng. Là trang phục công nghệ cao có thể mặc lớn nhất từ trước đến nay, Galaxy Dress hiện được trưng bày tại Bảo tàng Khoa học và Công nghiệp ở thành phố Chicago (Mỹ).

Năm 2006, mẫu thiết kế áo sơ mi “ôm” của CuteCircuit được tạp chí Time (Mỹ) bầu chọn là một trong những phát minh xuất sắc nhất trong năm. Tích hợp ứng dụng Bluetooth không dây dành cho ĐTDĐ, chiếc áo này cho phép người mặc cảm nhận vòng tay của người khác thông qua công nghệ di động. Hệ thống cảm biến gắn trong áo có thể tái tạo và cảm giác được ôm đến người mặc khi có người “gửi” cái ôm đó qua điện thoại di động dưới dạng tin nhắn. Khi có người gửi cử chỉ “ôm ảo”, áo sẽ báo hiệu và chuyển tải cảm xúc cùng với cảm nhận về sự va chạm, hơi ấm của làn da và nhịp tim của người gửi nhờ bộ phận cảm biến.

Tháng 8 vừa qua, CuteCircuit vừa khai trương cửa hàng trưng bày sản phẩm trực tuyến. Với khoảng 140 USD (hơn 2,7 triệu đồng), bạn có thể sắm trang phục đính đèn LED cho mình, chẳng hạn áo thun Twirkle được thiết kế với công nghệ của váy đầm Galaxy. Ban ngày, những viên pha lê sáng chói dưới nắng Mặt trời, còn về đêm thì những bóng đèn LED trắng hoặc màu nhỏ xíu sẽ lấp lánh tùy thuộc vào cử động của người mặc. Áo sử dụng điện từ pin đồng hồ và có thể giặt được.

THUẬN HẢI (Theo ABC)

Chia sẻ bài viết