01/08/2023 - 20:09

Trái đất đang kêu cứu 

THANH TRÚC (Tổng hợp)

Kỳ cuối: Những thành phố dẫn đầu về thích ứng khí hậu

Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) của LHQ cho biết hiện tượng El Nino sẽ phát triển trong những tháng tới và khi kết hợp với BĐKH cho con người gây ra sẽ đẩy nhiệt độ toàn cầu lên mức cao chưa từng thấy - dự báo 2024 có thể trở thành năm nóng nhất lịch sử. Trong bối cảnh nhiệt độ có xu hướng ngày càng tăng cao, những mô hình thích ứng hiệu quả với khí hậu đang thu hút sự chú ý.

Thực tế cho thấy tuy “mùa hè đổ lửa” đang bao trùm châu Âu, song không phải thành phố nào cũng trải qua cái nóng giống nhau. Với những con đường rợp bóng cây, những hồ nước, công viên và những tòa nhà xanh mát, nhiều thành phố ở châu Âu đang cung cấp nhiều không gian lý tưởng để giúp người dân hạ nhiệt.

“Đường phố mát mẻ” ở Vienna (Áo)

Theo Chỉ số đáng sống toàn cầu từ Đơn vị Tình báo Kinh tế, Vienna là “thành phố đáng sống nhất trên thế giới”. Thủ đô của Áo cũng đạt điểm cao trên mặt trận giảm thiểu tác động khí hậu, vì là nơi đầu tiên vạch ra kế hoạch khí hậu vào năm 1999, đến năm 2018 thì trở thành một trong những thành phố đầu tiên của châu Âu đưa ra chiến lược nhận diện và chống lại sức nóng đô thị.

“Đường phố mát mẻ” ở Vienna (Áo).

“Đường phố mát mẻ” ở Vienna (Áo).

Khi cảm thấy quá nóng, cư dân có thể đến với “cool straßen” (đường phố mát mẻ) - những con đường rợp bóng cây và được làm mát bởi những “cơn mưa sương mù” từ hệ thống phun sương rộng khắp. Một đánh giá cho thấy nhiệt độ ở “cool straßen” thấp hơn 5oC so với những nơi khác. Có 22 “cool straßen” như vậy ở khắp Vienna, với các tiện nghi phục vụ người dân miễn phí gồm bàn ghế, đồ chơi thủ công, dụng cụ thể thao và máy lọc nước.

“Cool straßen” chỉ là một phần trong kế hoạch cơ sở hạ tầng công cộng của chính quyền thành phố. Để khuyến khích người dân từ bỏ những chiếc ô tô sinh nhiệt (và gây ô nhiễm), Vienna cũng đã ra mắt một mạng lưới các tuyến đường mới dành cho xe đạp và cam kết trồng thêm 4.500 cây mỗi năm. Bên cạnh bổ sung các yếu tố chống nóng mới, Vienna vẫn giữ lại những yếu tố cũ nhưng hiệu quả, gồm hơn 1.000 vòi nước uống công cộng và một mạng lưới rộng lớn các hồ bơi trong thành phố có từ những năm 1920.

“Hành lang thông gió” ở Frankfurt (Đức)

Từng thắng giải Thành phố Cây xanh của châu Âu, Frankfurt có mức độ phủ xanh rất tốt. Theo một nghiên cứu gần đây, cây cối có thể làm giảm nhiệt độ bề mặt tới 12°C vào mùa hè, vì vậy, việc có khoảng 200.000 cây xanh trong không gian công cộng là một lợi thế của trung tâm tài chính châu Âu.

“Hành lang thông gió” ở Frankfurt (Đức).

“Hành lang thông gió” ở Frankfurt (Đức).

Là một trong những thành phố ấm nhất ở Đức nên Frankfurt được thiết kế với nhiều “hành lang thông gió” (Luftleitbahnen). Đó là những dải đất có nhiều hàng cây tán rộng hoặc không có nhà cao tầng, để hút không khí mát hơn từ các khu vực xung quanh. Ví dụ, Luftleitbahn trên sông Nidda giúp luân chuyển 40.000m3 không khí mát mỗi giây vào thành phố và hạ nhiệt hiệu quả.

Chính quyền Frankfurt còn yêu cầu các tòa nhà mới xây phải có phần mái “xanh” - được che phủ bởi cây cối. Theo Sở Môi trường Frankfurt, mái nhà xanh có nhiều tác động tích cực, bao gồm cách nhiệt và làm mát chính nó (giúp tiết kiệm điện), cách âm và giảm bớt tác động của mưa lớn, trong khi bụi mịn thì được cây cối lọc sạch.

“Thành phố xanh” Rzeszów (Ba Lan)

Rzeszów gần đây đã trở thành một trong những thành phố xanh nhất của Ba Lan, nhờ đẩy mạnh việc mở rộng không gian xanh, giúp thành phố chống lại cái nóng trên 350C một cách hiệu quả.

“Thành phố xanh” Rzeszów (Ba Lan).

“Thành phố xanh” Rzeszów (Ba Lan).

Để trở thành thành phố xanh, cư dân và chính quyền ở Rzeszów đã hợp sức cùng nhau cải thiện độ che phủ của cây xanh trong thành phố. Chúng hoạt động như máy điều hòa không khí tự nhiên, bằng cách tạo ra một vùng “vi khí hậu” làm giảm nhiệt độ cho thành phố. Số liệu đo đạc cho thấy dưới bóng cây, nhiệt độ có thể thấp hơn tới 200C so với nơi bị chiếu nắng trực tiếp.

Theo người phát ngôn của hội đồng thành phố, Artur Gernand, chính quyền địa phương đã hỏi người dân về nơi họ muốn trồng cây. “Điều này rất quan trọng vì cư dân biết rõ nhất nơi họ cần bóng râm và không gian xanh. Đầu tư vào cây xanh là cách đơn giản để làm cho cuộc sống thân thiện hơn, để cư dân cảm thấy thoải mái và hài lòng” - ông nói và cho biết thêm rằng khoảng 1.000 cây xanh đã được trồng trong năm nay.

Việt Nam tích cực thích ứng phó với BĐKH

Năng lượng tái tạo là “chìa khóa” giúp Việt Nam chuyển đổi xanh. Trong ảnh: Trang trại điện gió - điện Mặt trời lớn nhất Việt Nam tại huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: TTXVN

Năng lượng tái tạo là “chìa khóa” giúp Việt Nam chuyển đổi xanh. Trong ảnh: Trang trại điện gió - điện Mặt trời lớn nhất Việt Nam tại huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: TTXVN

Là một quốc gia có đường bờ biển dài trên 3.260km và hai vùng đồng bằng thấp, Việt Nam là một trong những quốc gia dễ tổn thương nhất trước BĐKH. Theo Báo cáo gần nhất về Chỉ số rủi ro khí hậu toàn cầu (KRI) từ tổ chức phi chính phủ về môi trường Germanwatch (Đức), Việt Nam đứng thứ 13 trong số các nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi BĐKH.

Trong khi đó, báo cáo “Biến đổi khí hậu ở Việt Nam: tác động và thích ứng” dự báo khi nhiệt độ toàn cầu tăng lên 1,5ºC và 2ºC thì thiệt hại trực tiếp đối với GDP của Việt Nam tương ứng sẽ là 4,5% và 6,7%, bên cạnh các thiệt hại gián tiếp khác, có thể lên tới 30% vào 2050. Ngoài ra, với kịch bản nhiệt độ tăng lên và nước biển dâng thêm 1 mét, Việt Nam có thể sẽ bị mất 5% diện tích đất liền tại khu vực ĐBSCL, đe dọa an ninh lương thực và kinh tế của đất nước. Là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất nước, ĐBSCL đóng góp 50% sản lượng lúa cả nước, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản, 70% sản lượng trái cây và 95% lượng gạo xuất khẩu. Tuy nhiên, khu vực này đang chịu tác động lớn về thiên tai và BĐKH, được cảnh báo là một trong 3 vùng đồng bằng bị ngập lụt, mất đất lớn nhất trên thế giới.

Thực tế cho thấy tình trạng Trái đất ấm lên và BĐKH đã làm gia tăng tần suất mưa bão, lũ lụt, hạn hán và các hiện tượng xói lở ven sông, ven biển ngày càng phức tạp. Do vậy, Chính phủ Việt Nam xem thích ứng với BĐKH là trọng tâm trong các chiến lược quốc gia và các cam kết cắt giảm khí thải nhằm đối phó khủng hoảng khí hậu.

Tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước LHQ về Biến đổi khí hậu (COP 26), lần đầu tiên Việt Nam cam kết sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của chính mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ. Nhằm cụ thể hóa những cam kết tại COP26, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 896/QĐ-TTg ngày 26-7-2022 phê duyệt Chiến lược quốc gia về BĐKH giai đoạn đến năm 2050 nhằm chủ động thích ứng và giảm thiểu tác động của BĐKH. Mục tiêu của Chiến lược là nhằm chủ động thích ứng hiệu quả, giảm mức độ dễ bị tổn thương và thiệt hại do BĐKH; giảm phát thải khí nhà kính bằng “0” vào năm 2050, đóng góp tích cực và trách nhiệm với cộng đồng quốc tế trong bảo vệ hệ thống khí hậu Trái đất; tận dụng cơ hội từ ứng phó BĐKH để chuyển dịch mô hình tăng trưởng, nâng cao sức chống chịu và cạnh tranh của nền kinh tế.

Trong bước tiến mới nhất, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 845/QĐ-TTg ngày 14-7-2023 thành lập Ban Thư ký thực hiện Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (Tuyên bố JETP). Thỏa thuận này được các nhà lãnh đạo Việt Nam và Nhóm đối tác quốc tế (IPG) - bao gồm Liên minh châu Âu, Vương quốc Anh, Pháp, Đức, Hoa Kỳ, Ý, Canada, Nhật Bản, Na Uy và Đan Mạch - ký kết ngày 14-11-2022. Theo đó, các đối tác sẽ giúp Việt Nam hiện thực mục tiêu Cân bằng phát thải vào năm 2050, đẩy nhanh quá trình đạt đỉnh phát thải khí nhà kính và chuyển dịch từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng sạch.

Một nghiên cứu gần đây của Liên minh châu Âu (EU) cho thấy việc tăng độ che phủ của cây xanh lên 30% ở các đô thị có thể làm giảm số ca tử vong liên quan đến hiệu ứng “đảo nhiệt đô thị”, nơi nhiệt độ bị giữ lại giữa các tòa nhà cao tầng và hấp thụ vào nhựa đường và bê tông. Tại các thành phố được nghiên cứu, các chuyên gia thấy rằng độ che phủ của cây cối có thể làm giảm nhiệt độ trung bình 0,4°C và tối đa là 5,9°C ở một số khu vực. Một nghiên cứu khác của các nhà khoa học Tây Ban Nha và Mỹ còn phát hiện những người sống gần không gian xanh trung bình trẻ hơn 2,5 tuổi so với những người không sống gần cây xanh.

 

Kỳ 1: Biến đổi khí hậu: Thảm họa cận kề! 

Kỳ 2: Chung tay hành động bảo vệ con người và môi sinh

Chia sẻ bài viết