31/07/2023 - 09:40

Trái đất đang kêu cứu 

Kỳ 1: Biến đổi khí hậu: Thảm họa cận kề!

THANH TRÚC (Tổng hợp)

Dù các nhà khoa học không ngừng đưa ra những cảnh báo, sự chuyển biến của xã hội nhằm giảm lượng khí thải nhà kính làm Trái đất nóng lên vẫn không đáng kể. Và nay, khi mưa bão, lũ lụt, nắng nóng và hỏa hoạn xảy ra thường xuyên, đột ngột và gây tổn thất nhiều hơn, thế giới bắt đầu nhìn nhận biến đổi khí hậu đang hiện hữu một cách đầy đe dọa.

Thời tiết khắc nghiệt khắp Âu - Mỹ là “bình thường mới”

Simon Lee, nhà khoa học khí quyển tại Ðại học Columbia (Mỹ), nói với tờ The Atlantic rằng nhiệt độ toàn cầu đang tăng với tốc độ gần như dự kiến - cao hơn 1,2oC so với thời kỳ tiền công nghiệp - và thiên tai là hệ quả tất yếu. Theo ông, sẽ có một số thay đổi từ năm này sang năm khác trong những sự kiện thiên tai và chúng có thể xảy ra với các mức độ nhìn chung tồi tệ hơn một chút so với xu hướng được dự đoán.

Tại Mỹ, biến đổi khí hậu (BÐKH) không chỉ làm cho thiên tai trở nên tồi tệ hơn mà còn khiến chúng xảy ra cả ở những nơi hiếm thấy: lũ lụt kinh hoàng ở Thung lũng Hudson (bang New York); “hiệu ứng” vòm nhiệt bao trùm Phoenix (bang Arizona) - nơi trải qua cái nóng trên 42oC hơn 20 ngày liên tiếp; một trận đại hồng thủy bất ngờ gây ngập lụt ở bang Vermont; một cơn lốc xoáy hiếm gặp ở Delaware và nhiệt độ đại dương tăng lên tới 32,2oC ngoài khơi bờ biển Miami (bang Florida). Một thập kỷ trước, bất kỳ sự kiện nào như vậy đều được coi là bất thường, nhưng ngày nay, chúng xuất hiện đồng loạt, bởi vì BÐKH đã thúc đẩy các kiểu thời tiết khắc nghiệt hơn, điều mà Thống đốc bang New York - Kathy Hochul - gọi nó là “điều bình thường mới của chúng ta”.

Trong khi đó tại châu Âu, nhiều quốc gia đang đối mặt nắng nóng kỷ lục. Chính phủ Ý đã ban hành báo động đỏ (tức cảnh báo nguy cơ tử vong) đối với 16 thành phố, bao gồm thủ đô Rome, những nơi ghi nhận nhiệt độ đều vượt quá 41oC nhiều ngày liền. Hy Lạp, Tây Ban Nha và nhiều quốc gia khác ở “lục địa già” cũng đang chịu đựng nhiệt độ cực cao, kể cả khi đêm xuống. Thật không may, nắng nóng và nhiệt độ cao cũng kích hoạt một loại thảm họa thiên nhiên khác: cháy rừng.

Ngày 27-7, lực lượng cứu hỏa Hy Lạp dốc toàn lực đối phó với tổng cộng 124 vụ cháy rừng hoành hành khắp cả nước. Ít nhất 5 người đã thiệt mạng. Nhà chức trách cho biết hơn 600 vụ cháy rừng đã bùng phát trên toàn quốc trong hai tuần qua. Mặc dù cháy rừng thường xảy ra ở Hy Lạp vào mùa Hè, các nhà khoa học cho biết nhiệt độ cao hơn và thời tiết khô hơn đang biến nước này thành một điểm nóng ở Ðịa Trung Hải về BÐKH.

Châu Âu vừa trải qua “3 tuần nóng nhất lịch sử”. Trong ảnh: Du khách giải nhiệt tại Đài phun nước Trevi của Rome khi nắng nóng tràn qua nước Ý. Ảnh: Daily Mail

Trước đó tại Canada, dữ liệu thống kê của chính phủ cho thấy các vụ cháy rừng đã thiêu rụi hơn 10 triệu hécta rừng, vượt xa kỷ lục cháy rừng của cả năm 1989 (7,3 triệu hécta). Theo báo cáo, có 906 đám cháy xảy ra trên khắp Canada, trong đó, 570 đám cháy “ngoài tầm kiểm soát” và không có tỉnh nào thoát nạn cháy rừng, hơn 150.000 người phải di tản. “Chúng tôi nhận thấy những con số trong năm nay còn tồi tệ hơn so với những kịch bản bi quan nhất. Ðiều hết sức điên rồ là các vụ cháy diễn ra không ngừng nghỉ kể từ đầu tháng 5” - Yan Boulanger, nhà nghiên cứu tại Bộ Tài nguyên thiên nhiên Canada, nói với hãng tin Pháp AFP. Các nhà khoa học cho biết, quốc gia Bắc Mỹ này đang nóng lên nhanh hơn so với phần còn lại của Trái đất do vị trí địa lý của nó, và tác động của BÐKH khiến nước này hứng chịu thời tiết cực đoan nhiều hơn.

Châu Á “dễ tổn thương” đang quay cuồng trong khủng hoảng khí hậu

Lục địa lớn nhất và đông dân nhất thế giới, với tổng dân số ước tính khoảng 4,4 tỉ người, được xác định là rất dễ bị tổn thương trước tác động của BÐKH, khi các sự kiện thời tiết khắc nghiệt thường gây ra tổn thất lớn về con người và tài sản.

“Mọi người không còn nói về biến đổi khí hậu ở thì tương lai nữa. Họ đang nói về biến đổi khí hậu ở thì hiện tại” - nhà khoa học khí hậu của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), Alex Ruane, nói về nội dung các cuộc thảo luận của người dân mỗi khi xảy ra thiên tai. 

Theo CNN, ở các thành phố lớn gồm thủ đô Manila (Philippines) và Phnom Penh (Campuchia), ngập lụt khiến cuộc sống người dân đảo lộn và giao thông tê liệt, trong khi ở miền Bắc Ấn Ðộ, mưa lớn kỷ lục đã cướp đi sinh mạng của hàng chục người, nhiều trường học phải đóng cửa và đẩy hàng ngàn người vào cảnh “màn trời chiếu đất”.

Tại Hàn Quốc, khoảng 50 người đã chết hoặc mất tích sau trận mưa lớn kéo dài vừa qua gây ngập lụt khắp khu vực miền Trung và miền Nam nước này. Thảm họa trên cũng làm hư hại hơn 628 công trình công cộng và 317 tài sản tư nhân, hàng chục hộ gia đình mất điện và hơn 10.500 người phải đi sơ tán. Trước sự tàn phá của thiên tai, Tổng thống Yoon Suk Yeol cảnh báo rằng cuộc khủng hoảng khí hậu đã khiến thời tiết khắc nghiệt trở thành một thực tế cuộc sống. “Loại hiện tượng thời tiết cực đoan này sẽ trở nên phổ biến… chúng ta phải chấp nhận biến đổi khí hậu đang diễn ra và đương đầu với nó” - ông Yoon nói, đồng thời kêu gọi phải nâng cấp các biện pháp chuẩn bị và ứng phó của đất nước bằng một “quyết tâm phi thường”.

Ở nước láng giềng Nhật Bản, lượng mưa kỷ lục ở phía Tây Nam nước này đã dẫn đến lũ lụt tàn khốc, khiến ít nhất nhiều người thiệt mạng và nhiều người khác mất tích. Tại Trung Quốc, nhiều tỉnh thành đang chật vật khắc phục hậu quả sau những trận mưa lớn kinh hoàng, kéo theo lũ quét và sạt lở đất, khiến hàng chục ngàn người bị ảnh hưởng, hàng chục người chết.

Trong khi đó, nhiều khu vực khác của châu Á đã đối mặt với cái nóng như thiêu đốt vào trung tuần tháng 7. Theo hãng tin AP, ít nhất 96 người tại 2 bang đông dân nhất Ấn Ðộ đã thiệt mạng kể từ tháng 6 vì tình trạng nắng nóng cực độ. Tương tự, sóng nhiệt cũng tấn công nhiều vùng ở Nhật Bản, có nơi nhiệt độ tăng cao tới 38-39,7oC. Tình trạng nắng nóng gay gắt và kéo dài trên khắp cả nước đã khiến hàng ngàn người bị sốc nhiệt, như tại Tokyo - nơi ghi nhận nhiệt độ lên hơn 35oC, trong vòng một tuần đã có trên 3.900 trường hợp nhập viện. Tại Trung Quốc, có hơn 5 trạm khí tượng đã ghi nhận nhiệt độ cao hơn 50oC - mức nóng nhất trong lịch sử. Trước đó, nhiều khu vực, bao gồm thủ đô Bắc Kinh, được xác nhận đang trải qua một mùa hè nóng kỷ lục, với nhiệt độ trên 40oC, khiến giới chức phải đưa ra báo động đỏ trong 2 tuần.

Qua theo dõi thực tế, các chuyên gia cho biết BÐKH có liên quan nhất định đến tất cả các thảm họa thiên nhiên nói trên. Nó làm cho những ngày nóng trở nên nóng hơn. Nó làm cho mưa bão dữ dội hơn. Nó làm cây cối khô cằn và dễ bắt lửa hơn. “Chúng ta không cần phải thực hiện một nghiên cứu thẩm định cụ thể nữa (để xác nhận tác động của BÐKH). Chúng ta đã làm việc này 20 năm rồi…” - Gavin Schmidt, một chuyên gia khí hậu và là giám đốc của Viện Nghiên cứu Không gian Goddard của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), nhấn mạnh.

Chính xác thì tại sao điều này lại xảy ra - và liệu nó sẽ kết thúc hay trở thành trạng thái vĩnh viễn - vẫn là một câu hỏi còn bỏ ngỏ. Tương tự, các nhà khoa học vẫn chưa hiểu đầy đủ làm thế nào BÐKH ảnh hưởng đến cách mà các hệ thống thời tiết di chuyển trên toàn cầu. Tuy nhiên, họ khẳng định cách duy nhất để hạn chế tác hại của BÐKH là thế giới phải đồng lòng tiến hành các biện pháp cắt giảm khí thải nhà kính, bằng mọi giá và ngay lập tức.

Tháng 7 có thể là tháng nóng nhất lịch sử thế giới

Ðó là nhận định từ Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) của Liên Hiệp Quốc và Cơ quan theo dõi khí hậu Copernicus (C3S) của Liên minh châu Âu (EU), trong bối cảnh nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng cao liên tục suốt hơn 3 tuần qua.

Trước đó, nhiệt độ trung bình toàn cầu đã chạm ngưỡng 17,23oC vào ngày 6-7, cao nhất trong dữ liệu của Trung tâm Dự báo Môi trường Quốc gia Mỹ (NCEP), kể từ năm 1979. Kỷ lục ghi nhận trước đó là 16,92oC vào tháng 8-2016.

WMO cho biết nguyên nhân khiến nhiệt độ bề mặt Trái đất liên tiếp lập đỉnh kỷ lục mới là do hiện tượng thời tiết cực đoan El Nino đang xuất hiện tại vùng nhiệt đới Thái Bình Dương, gây nắng nóng và khô hạn trên diện rộng. Cơ quan này cũng không quên nhấn mạnh tác động của con người trong việc góp phần làm Trái đất nóng dần lên, trong đó, sử dụng nhiên liệu hóa thạch đang tiếp tục thải ra khoảng 40 tỉ tấn khí nhà kính CO2 mỗi năm.

Theo tính toán, nhiệt độ toàn cầu đã tăng 1,2oC so với thời kỳ tiền công nghiệp. “Ðây mới chỉ là khởi đầu. Các chính sách hiện tại trên toàn cầu khiến chúng ta có thể đạt mức nóng lên 2,7oC vào năm 2100. Ðiều đó thực sự đáng sợ” - Simon Lewis, Giáo sư về khoa học thay đổi toàn cầu tại Ðại học Luân Ðôn (Anh), cảnh báo.

 

Kỳ 2: Chung tay hành động bảo vệ con người và môi sinh

Kỳ cuối: Những thành phố dẫn đầu về thích ứng khí hậu

Chia sẻ bài viết