THANH TRÚC (Tổng hợp)
Kỳ 2: Chung tay hành động bảo vệ con người và môi sinh
Nhiệt độ toàn cầu tăng lên không chỉ làm thay đổi mô hình khí hậu và gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan, mà còn có thể gây ra những tác động tiêu cực đối với sức khỏe và cuộc sống con người. Liên Hiệp Quốc (LHQ) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kêu gọi thế giới phải “hành động ngay” để giảm thiểu rủi ro cho nhân loại và môi sinh.
Theo UNICEF, phụ nữ và trẻ em là đối tượng dễ tổn thương nhất vì thiên tai. Trong ảnh: Một phụ nữ bồng con gái trong trận lụt ở Jakarta (Indonesia). Ảnh: United Nations
Khủng hoảng khí hậu = khủng hoảng sức khỏe
Trong những năm gần đây, nhiều nghiên cứu đã thu thập dữ liệu có giá trị, giúp các nhà nghiên cứu và hoạch định chính sách dễ dàng thiết lập mối tương quan giữa biến đổi khí hậu (BÐKH) với tổn hại sức khỏe thể chất và tâm thần.
Một nghiên cứu công bố gần đây cho thấy hơn 61.000 người đã thiệt mạng do nhiệt độ cực cao ở châu Âu vào hè năm ngoái - dù khu vực này đã có các kế hoạch hành động và cảnh báo sớm nhằm bảo vệ sức khỏe người dân. Cơ quan y tế công cộng Pháp cho biết cùng thời điểm đó, những đợt nắng nóng liên tiếp cũng khiến hơn 2.800 người ở nước này thiệt mạng. Ðược biết, mùa hè nóng nhất được ghi nhận ở châu Âu là vào năm 2003, khiến hơn 70.000 người thiệt mạng.
WHO cho biết năm nay, người dân ở “lục địa già” tiếp tục trải qua mùa hè thiêu đốt, dẫn đến nhiều mối nguy sức khỏe như mất nước, sốc nhiệt, kiệt sức, rối loạn giấc ngủ. Trong một cảnh báo, Cố vấn cao cấp của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) John Nairn nhấn mạnh: “Nhiệt độ cao lặp đi lặp lại vào ban đêm đặc biệt nguy hiểm đối với sức khỏe vì cơ thể không thể phục hồi. Ðiều này dẫn đến gia tăng các trường hợp đau tim và tử vong”. Không riêng ở châu Âu, nguy cơ tử vong gia tăng do nhiệt độ cao cũng đang đe dọa cả châu Á, Bắc Phi và Mỹ - theo WMO.
Không chỉ gây tổn hại thể chất, các điều kiện thời tiết bất lợi do BÐKH còn để lại tổn thương sâu sắc về mặt tinh thần. Chẳng hạn, nghiên cứu phát hiện khi tiếp xúc với nhiệt độ cực cao, con người dễ căng thẳng và cáu kỉnh hơn, trong khi số vụ tử vong liên quan đến súng đạn, tự sát và đuối nước cũng có chiều hướng tăng cao trong mùa cao điểm nắng nóng. Các chuyên gia cho biết trong thời tiết quá nóng hoặc lạnh, mưa bão hoặc lũ lụt kéo dài, con người dễ bị sa sút tinh thần và thậm chí phát triển các vấn đề tâm thần nghiêm trọng như rối loạn căng thẳng sau chấn thương, trầm cảm hoặc rối loạn lạm dụng chất kích thích, do phải đối mặt nhiều khó khăn như mất người thân, mất nơi ở, mất sinh kế...
Và có lẽ, mối nguy bất ngờ nhất từ BÐKH chính là thúc đẩy các bệnh truyền nhiễm tiềm ẩn chết người: những bệnh do muỗi và ve cắn, vi khuẩn nguy hiểm trôi nổi trong các vùng nước ngọt, tảo độc ẩn nấp trong nước mặn, các bào tử nấm chết người sinh sôi trong không khí xung quanh chúng ta... - theo một phân tích quy mô lớn của các nhà khoa học Mỹ.
Mất an ninh lương thực cũng là mối nguy trực tiếp ảnh hưởng con người. Theo Tổ chức Nông Lương LHQ (FAO), nông nghiệp là ngành trực tiếp nuôi sống thế giới và bảo đảm sinh kế cho khoảng 2,5 tỉ người trên toàn cầu, thế nhưng, ngành này đang chịu tổn thất về kinh tế tới 26% do thiên tai nói chung. Các hiện tượng thời tiết cực đoan do BÐKH như lũ lụt, hạn hán và nắng nóng đang gây thiệt hại mùa màng khắp thế giới và đe dọa an ninh lương thực toàn cầu.
Theo thống kê mới nhất, khoảng 700 triệu người trên thế giới đang thiếu ăn. BÐKH có thể đẩy hơn 120 triệu người - chủ yếu là nông dân - vào tình trạng đói nghèo vào năm 2030 và khiến giá các nông sản chủ lực (như lúa mì, bắp và gạo) tăng thêm khoảng 30% từ nay đến năm 2050. Ở một số nơi, thiếu lương thực cũng đang dẫn đến những hậu quả xã hội nghiêm trọng, như xung đột và nạn đói.
Kiểm soát khí thải, cần sự hợp sức toàn cầu
“Những gì bạn đang nhìn thấy là băng tan toàn cầu, cháy rừng, lở đất, nắng nóng, ô nhiễm không khí... Hàng triệu người đang thiệt mạng khắp thế giới mỗi năm đều từ một nguyên nhân không hề phức tạp, đó là việc đốt nhiên liệu hóa thạch mà không xử lý khí thải” - ông John Kerry, Ðặc phái viên của Tổng thống Mỹ về BÐKH, cho biết. Ông còn cảnh báo cuộc khủng hoảng khí hậu đã chạm đến ngưỡng khủng khiếp mà thế giới chưa từng biết đến.
Trong đánh giá khoa học mới nhất, Hội đồng liên chính phủ về BÐKH (IPCC) của LHQ nhấn mạnh giải pháp duy nhất nhằm kiềm chế sự nóng lên toàn cầu là “giảm phát thải khí nhà kính nhanh chóng, sâu rộng và trong tất cả các lĩnh vực”. Hơn thế nữa, BÐKH là một thách thức toàn cầu, do đó, bên cạnh nỗ lực của từng quốc gia, thì sự hợp tác ứng phó giữa các quốc gia và cộng đồng quốc tế có ý nghĩa “sống còn” đối với mục tiêu cân bằng khí thải.
Với tư cách là “hai nước phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới và cũng là các nhà đầu tư lớn nhất về năng lượng tái tạo”, Mỹ và Trung Quốc đều có trách nhiệm chung và có khả năng tiên phong trong cuộc chiến chống BÐKH - Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã nhấn mạnh như vậy tại một hội nghị ở Trung Quốc đầu tháng 7. Trong chuyến thăm Trung Quốc giữa tháng 7, Ðặc phái viên của Tổng thống Mỹ về BÐKH John Kerry và giới chức sở tại thông báo hai nước đã nhất trí hợp tác ứng phó với BÐKH. Ông Kerry kêu gọi Bắc Kinh và Washington cần “hành động khẩn cấp” để giải quyết mối đe dọa BÐKH, bao gồm khôi phục các cuộc đàm phán về giảm phát thải vốn bị đình trệ từ năm ngoái do một số vấn đề trong quan hệ song phương.
Ðược biết, các cuộc đàm phán trước đó giữa hai nước tập trung vào những nội dung như giảm thải khí metan, giảm sử dụng than đá, giảm phá rừng và hỗ trợ các nước nghèo ứng phó với BÐKH. Giới chuyên gia nhận định, trong bối cảnh Trung Quốc và Mỹ có tổng lượng phát thải CO2 tương đương 40% của toàn thế giới, động thái nối lại “ngoại giao khí hậu” được kỳ vọng không chỉ giúp giảm mạnh khí nhà kính, mà còn truyền đi tín hiệu tích cực về giảm căng thẳng giữa hai bên.
Thế giới cần hành động ngay để hạn chế thảm họa thiên tai. Ảnh: AFP
Ở cấp độ hợp tác quốc tế, Hội nghị thượng đỉnh về Hiệp ước Tài chính Toàn cầu mới tại Paris (Pháp) hồi cuối tháng 6 đã đánh dấu những bước tiến đáng kể nhằm giảm gánh nặng nợ nần cho các nước dễ tổn thương vì khủng hoảng khí hậu. Cụ thể, các nước phát triển đã đưa ra một số cam kết về hỗ trợ tài chính cho các nước đang phát triển như: phân bổ 100 tỉ USD Quyền rút vốn đặc biệt cho các nước dễ bị tổn thương; phấn đấu và khả năng cao đạt mục tiêu huy động 100 tỉ USD tài chính cho khí hậu và thúc đẩy nâng cao năng lực cho vay của các ngân hàng đa phương thêm 200 tỉ USD trong 10 năm tới... Kết quả này cho thấy sự quan tâm sâu sắc của cộng đồng quốc tế đối với các thách thức toàn cầu hướng tới mục tiêu giảm đói nghèo, chống BÐKH và phát triển bền vững trong tương lai.
Và để chuẩn bị cho Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về Biến đổi Khí hậu (COP28), được tổ chức tại Dubai vào cuối năm nay, nước chủ nhà Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đã công bố Kế hoạch hành động nhằm giữ nhiệt độ toàn cầu không tăng quá 1,5oC. Tại Hội nghị Bộ trưởng về Hành động Khí hậu diễn ra ở Bỉ (ngày 13 và 14-7), ông Sultan al-Jaber - Bộ trưởng Công nghiệp và Công nghệ cao UAE kiêm Chủ tịch COP28, cho biết bản kế hoạch đã được xây dựng dựa trên kết quả của rất nhiều cuộc thảo luận của chính phủ các nước và các bên liên quan.
Kế hoạch hành động, dự kiến sẽ được thông qua tại COP28, tập trung vào 4 trụ cột: thúc đẩy quá trình chuyển đổi thành một thế giới ít phát thải CO2; xử lý vấn đề tài chính khí hậu; tập trung bảo vệ con người, cuộc sống và sinh kế; tăng cường các mục tiêu tổng quát. Các quốc gia cần nỗ lực để tăng gấp đôi hiệu quả sử dụng năng lượng, tăng gấp 3 công suất năng lượng tái tạo lên 11.000 GW trên toàn cầu và tăng gấp đôi sản lượng hydro lên 180 triệu tấn/năm vào năm 2030.
Các nhà khoa học khí hậu cho rằng mặc dù cánh cửa giảm đà tăng nhiệt độ của Trái đất đang dần khép lại, song từ nay đến cuối thập kỷ, thế giới vẫn còn thời gian để giảm sự nóng lên toàn cầu bằng cách dừng việc đốt dầu, than, khí đốt và chuyển sang năng lượng sạch.
❝Theo số liệu của LHQ, sản xuất điện từ nhiên liệu hóa thạch là nguồn chính tạo ra CO2 và là yếu tố đóng góp lớn nhất vào BĐKH, chiếm gần 75% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu. Trong đó, than đá tạo ra lượng khí nhà kính nhiều nhất, gấp đôi so với khí tự nhiên. Vì vậy, một trong những “chìa khóa” quan trọng để cuộc chiến chống BĐKH thành công là giảm dùng than đá sản xuất điện. Tuy nhiên, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho biết năm 2022, thế giới tiêu thụ hơn 8 tỉ tấn than, vượt kỷ lục năm 2013. Cơ quan này dự báo nếu các nước không tăng tốc chuyển đổi năng lượng “xanh”, đà tiêu thụ này sẽ tiếp tục duy trì cho đến năm 2025 và có thể khiến mục tiêu kiềm chế tốc độ tăng nhiệt của Trái đất khó thành hiện thực.❞
------------------------------
Kỳ 1: Biến đổi khí hậu: Thảm họa cận kề!
Kỳ cuối: Những thành phố dẫn đầu về thích ứng khí hậu