22/09/2021 - 22:13

Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc chỉ trích thú vui mới của giới siêu giàu 

Theo Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc (TTK LHQ) Antonio Guterres, việc các tỉ phú tranh nhau bay vào không gian như một cuộc thử nghiệm cho ngành du lịch vũ trụ đã phơi bày bất bình đẳng giàu nghèo trên toàn cầu, làm xói mòn niềm tin và nguy cơ đẩy nhân loại đến bờ vực thẳm.

Branson (trái) và Bezos - 2 tỉ phú thích khám phá không gian. Ảnh: Getty Images

Trong bài phát biểu khai mạc kỳ họp Đại Hội đồng LHQ ngày 21-9, ông Guterres nêu sự tương phản giữa việc các tỉ phú “vui vẻ du hành vũ trụ” trong khi thế giới đang đối mặt các cuộc khủng hoảng ngày càng tồi tệ, từ đại dịch COVID-19 đến bất ổn chính trị ở Trung Đông, tình hình biến đổi khí hậu, bất cập trong chăm sóc sức khỏe cũng như sự chênh lệch trong phân phối vaccine COVID-19. Theo ông Guterres, thú tiêu khiển mới của giới siêu giàu còn phát tán “căn bệnh mất niềm tin” trong xã hội. Bởi khi chúng ta thấy các tỉ phú thích thú trên vũ trụ, ở Trái đất vẫn còn hàng triệu người sống trong đói khát. Điều này khiến mọi người đánh giá lại thực tế, trong đó những hứa hẹn về sự tiến bộ đang bị phủ nhận bởi cuộc sống khắc nghiệt hàng ngày cùng tương lai ảm đạm khi các quyền và tự do cơ bản của họ ngày càng bị thu hẹp. Trước sự “ích kỷ, thiếu tin tưởng và ý chí chính trị”, bất kỳ thắng lợi nào của nhân loại cũng có thể nhanh chóng bị xóa sổ - ông Guterres cảnh báo.

Đối mặt chỉ trích từ người đứng đầu LHQ, công ty vũ trụ của các tỉ phú như Jeff Bezos (Blue Origin) hay Richard Branson (Virgin Galactic) đều chưa lên tiếng bình luận. Trước đó, các vụ phóng thành công tàu vũ trụ chở người của những công ty trên từng dấy lên ý kiến trái chiều về ngành du lịch vũ trụ thương mại.

Cụ thể vào ngày 20-7, tàu vũ trụ New Shepard được phóng lên độ cao 107km từ cơ sở của Blue Origin ở phía Tây Texas. Trên tàu có 4 người: người sáng lập công ty Bezos, em trai ông, một khách hàng 18 tuổi và bà Wally Funk 82 tuổi. Vụ phóng của Blue Origin diễn ra 9 ngày sau khi Virgin Galactic phóng tàu vũ trụ VSS Unity lên độ cao 87km từ sa mạc ở New Mexico. Tham gia chuyến du hành có 2 phi công và 4 hành khách, bao gồm tỉ phú Branson là người sáng lập Virgin Group.

Trong cả hai vụ phóng, hai tỉ phú mặc dù chỉ ở trong không gian chốc lát nhưng đã thu hút sự quan tâm của nhiều người trên thế giới, đa phần là chỉ trích khi những sự kiện này được tiết lộ tiêu tốn hàng tỉ USD. Theo tờ Business Insider, một chỗ ngồi trên các tàu không gian có giá khoảng 28 triệu USD. Bên cạnh đó, hai người còn đối mặt lời kêu gọi phải trả thuế cao hơn sau thông tin ông Bezos vốn là người giàu nhất thế giới nhưng không đóng bất kỳ khoản thuế thu nhập nào trong các năm 2007 và 2011.

Ngoài những vấn đề nói trên, nhiều người cho rằng tại sao phải quan tâm tới việc người giàu khoa trương xem ai dùng tàu vũ trụ tư nhân lên không gian sớm hơn trong khi chúng ta đang đối mặt hàng loạt khủng hoảng trên Trái đất. Số khác thì đặt câu hỏi rốt cuộc vũ trụ dành cho ai cũng như hướng đi nào là đúng đắn cho tương lai của thám hiểm không gian.

Nói với tờ Washington Post, nhà vật lý thiên văn Chanda Prescod-Weinstein cho rằng việc thúc đẩy xã hội công bằng trên Trái đất là cách tốt nhất để xây dựng một tương lai công bằng trên vũ trụ, một tương lai không chỉ được định hình bởi “sự hào phóng thoáng qua của các tỉ phú”. Đồng quan điểm, nhà thiên văn học Lucianne Walkowicz cho rằng cuộc đua mà trong đó các tỉ phú và tổ chức của họ đưa người lên vũ trụ không thực sự rộng mở cho mọi người theo bất kỳ nghĩa nào.

Hôm 19-9, tàu vũ trụ Crew Dragon của tập đoàn SpaceX chở theo phi hành đoàn gồm 4 người là dân thường đã hạ cánh xuống vùng biển trên Đại Tây Dương, hoàn thành 3 ngày bay trên quỹ đạo. Trong số phi hành đoàn có tỉ phú Jared Isaacman, cũng là người tài trợ cho chuyến bay. 

MAI QUYÊN

Chia sẻ bài viết