18/02/2020 - 09:59

Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm 

Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm do Quốc hội ban hành ngày 21-11-2007, có hiệu lực từ ngày 1-7-2008. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa hiểu rõ nội dung cụ thể của Luật này, chẳng hạn: như thế nào là truyền nhiễm, tác nhân gây truyền nhiễm, nguyên tắc phòng, chống bệnh truyền nhiễm... Trong bối cảnh dịch COVID-19 lây lan, Báo Cần Thơ giới thiệu lại một số nội dung quan trọng của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

Bệnh truyền nhiễm là bệnh lây truyền trực tiếp hoặc gián tiếp từ người hoặc từ động vật sang người do tác nhân gây bệnh truyền nhiễm. Tác nhân gây bệnh truyền nhiễm là virus, vi khuẩn, ký sinh trùng và nấm có khả năng gây bệnh truyền nhiễm. Bệnh truyền nhiễm gồm các nhóm sau đây: Nhóm A gồm các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh (bệnh cúm A-H5N1; bệnh dịch hạch; bệnh đậu mùa; bệnh sốt xuất huyết do virus Ê - bô - la (Ebola); bệnh viêm đường hô hấp cấp nặng do virus và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới phát sinh chưa rõ tác nhân gây bệnh…); Nhóm B gồm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong; Nhóm C gồm các bệnh truyền nhiễm ít nguy hiểm, khả năng lây truyền không nhanh. 

Phun thuốc diệt khuẩn phòng, chống dịch COVID-19 tại Trung tâm đào tạo và sát hạch lái xe cơ giới đường bộ Tây Đô. Ảnh: Kim Xuân

Việc phòng, chống bệnh truyền nhiễm phải tuân theo những nguyên tắc sau: lấy phòng bệnh là chính; trong đó, thông tin, giáo dục, truyền thông, giám sát bệnh truyền nhiễm là biện pháp chủ yếu. Kết hợp các biện pháp chuyên môn kỹ thuật y tế với các biện pháp xã hội, hành chính trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Thực hiện việc phối hợp liên ngành và huy động xã hội trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm; lồng ghép các hoạt động phòng, chống bệnh truyền nhiễm vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội. Công khai, chính xác, kịp thời thông tin về dịch. Chủ động, tích cực, kịp thời, triệt để trong hoạt động phòng, chống dịch. Bên cạnh đó, Luật quy định những chính sách của Nhà nước về phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Cụ thể: ưu tiên, hỗ trợ đào tạo chuyên ngành y tế dự phòng; ưu tiên đầu tư nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, hệ thống giám sát phát hiện bệnh truyền nhiễm, nghiên cứu sản xuất vắc-xin, sinh phẩm y tế; Hỗ trợ, khuyến khích nghiên cứu khoa học, trao đổi và đào tạo chuyên gia, chuyển giao kỹ thuật trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm; hỗ trợ điều trị, chăm sóc người mắc bệnh truyền nhiễm do rủi ro nghề nghiệp và trong các trường hợp cần thiết khác; hỗ trợ thiệt hại đối với việc tiêu hủy gia súc, gia cầm mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật; huy động sự đóng góp về tài chính, kỹ thuật và nhân lực của toàn xã hội trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm; mở rộng hợp tác với các tổ chức quốc tế, các nước trong khu vực và trên thế giới trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

Ngoài ra, Luật cũng quy định cụ thể những hành vi bị nghiêm cấm trong công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm: cố ý làm lây lan tác nhân gây bệnh truyền nhiễm; người mắc bệnh truyền nhiễm, người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm và người mang mầm bệnh truyền nhiễm làm các công việc dễ lây truyền tác nhân gây bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật; che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật; cố ý khai báo, thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm; phân biệt đối xử và đưa hình ảnh, thông tin tiêu cực về người mắc bệnh truyền nhiễm; không triển khai hoặc triển khai không kịp thời các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo quy định của Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm; không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Để xử lý những hành vi vi phạm Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, sẽ căn cứ vào Nghị định số 176/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.

Về công tác vệ sinh phòng bệnh truyền nhiễm, cơ sở giáo dục phải xây dựng ở nơi cao ráo, sạch sẽ, xa nơi ô nhiễm, đủ nước sinh hoạt, công trình vệ sinh; phòng học phải thông thoáng, đủ ánh sáng; thực phẩm sử dụng trong cơ sở giáo dục phải bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn. Cơ sở giáo dục có trách nhiệm giáo dục cho người học về vệ sinh phòng bệnh truyền nhiễm, bao gồm: vệ sinh cá nhân, vệ sinh trong sinh hoạt, lao động và vệ sinh môi trường. Đơn vị y tế của cơ sở giáo dục chịu trách nhiệm tuyên truyền về vệ sinh phòng bệnh; kiểm tra, giám sát vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm và triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Luật còn quy định công tác vệ sinh trong cung cấp nước sạch, vệ sinh nguồn nước sinh hoạt; vệ sinh trong chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ, tiêu hủy gia súc, gia cầm và động vật khác; vệ sinh an toàn thực phẩm; vệ sinh trong xây dựng; vệ sinh trong việc quàn, ướp, mai táng, di chuyển thi thể, hài cốt…

Trách nhiệm của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong phòng lây nhiễm bệnh truyền nhiễm: phải thực hiện các biện pháp cách ly phù hợp theo từng nhóm bệnh; chăm sóc toàn diện người mắc bệnh truyền nhiễm. Trường hợp người bệnh không thực hiện yêu cầu cách ly của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì bị áp dụng biện pháp cưỡng chế cách ly theo quy định của Chính phủ. Tổ chức thực hiện các biện pháp diệt khuẩn, khử trùng môi trường và xử lý chất thải tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Bảo đảm trang phục phòng hộ, điều kiện vệ sinh cá nhân cho thầy thuốc, nhân viên y tế, người bệnh và người nhà người bệnh. Theo dõi sức khỏe của thầy thuốc, nhân viên y tế trực tiếp tham gia chăm sóc, điều trị người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A. Song song đó, về trách nhiệm của người bệnh, người nhà người bệnh trong phòng lây nhiễm bệnh truyền nhiễm tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh: phải khai báo trung thực diễn biến bệnh; tuân thủ chỉ định, hướng dẫn của thầy thuốc, nhân viên y tế và nội quy, quy chế của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A ngay sau khi xuất viện phải đăng ký theo dõi sức khỏe với y tế xã, phường, thị trấn nơi cư trú. Luật còn quy định cụ thể về nguyên tắc, thẩm quyền, thời hạn và điều kiện công bố dịch; nguyên tắc và thẩm quyền ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch…

Hoàng Yến (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết