Sau lệnh thiết quân luật khẩn cấp được ban bố tối 3-12, giới quan sát cảnh báo nỗ lực giải quyết khủng hoảng chính trị của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol có thể phản tác dụng khi đẩy ông vào con đường "từ Nhà Xanh đến nhà tù" tương tự một số người tiền nhiệm.

Người biểu tình yêu cầu luận tội chính quyền Tổng thống Yoon.
Lần gần đây nhất lệnh thiết quân luật được ban bố ở Hàn Quốc là vào năm 1979, khi nhà lãnh đạo độc tài Park Chung-hee bị ám sát trong một cuộc đảo chính. Thiết quân luật đã trở thành vấn đề cực kỳ nhạy cảm đối với người dân Hàn Quốc bởi nó gợi nhắc tới quá khứ chính trị đen tối của đất nước này.
Trong đêm 3-12, nhà lãnh đạo Hàn Quốc bất ngờ ban hành thiết quân luật, cấm các hoạt động chính trị và đặt truyền thông dưới sự kiểm soát của tổng thống. Mục tiêu là bảo vệ nền dân chủ quốc gia khỏi các thế lực "chống phá nhà nước" đang âm mưu "làm tê liệt" chính phủ; loại bỏ các lượng ủng hộ CHDCND Triều Tiên và duy trì trật tự hiến pháp. Gần 6 tiếng có hiệu lực, ông Yoon buộc phải đảo ngược hành động trên theo yêu cầu của Quốc hội. Tuy nhiên, ông tiếp tục kêu gọi cơ quan lập pháp hiện do đảng Dân chủ (DP) đối lập kiểm soát chấm dứt các hoạt động "vô lý" phá hoại chức năng thiết yếu của quốc gia, bao gồm liên tục luận tội, thao túng lập pháp và thao túng ngân sách.
Trong khi quân đội trở về căn cứ, các nhóm dân sự đổ ra đường phố và tuyên bố biểu tình đến khi Quốc hội tiến hành luận tội chính quyền Tổng thống Yoon vì hành động "vi hiến, bất hợp pháp và vô hiệu" vừa rồi. Phe đối lập cũng yêu cầu Tổng thống Yoon từ chức nếu không sẽ đối mặt "cáo buộc phản quốc" dẫn tới phiên tòa luận tội trong tương lai. Hãng thông tấn Yonhap cho biết có 191 nhà lập pháp đối lập đã ký bản kiến nghị luận tội tổng thống.
Để luận tội tổng thống đòi hỏi có 2/3 số phiếu trong Quốc hội gồm 300 ghế. Hiện phe đối lập nắm 192 ghế, không đủ ngưỡng cần thiết nhưng tình hình có thể thay đổi khi nhiều chính trị gia đảng cầm quyền quay lưng lại với hành động của tổng thống. Nếu có ít nhất 8 nghị sĩ của đảng cầm quyền ủng hộ, việc luận tội tổng thống mới có thể tiến hành. Nếu bị luận tội, ông Yoon sẽ là tổng thống Hàn Quốc thứ 2 bị cách chức kể từ sau trường hợp của cựu Tổng thống Park Geun-hye vào năm 2017.
Theo các chuyên gia, "tính toán sai lầm" của Tổng thống Yoon phản ánh mức độ khủng hoảng sâu sắc trong đảng cầm quyền. Năm 2022, Tổng thống Yoon nhậm chức với kỳ vọng mang lại cách tiếp cận mới giúp cải thiện kinh tế và giảm mâu thuẫn xã hội. Nhưng sau gần nửa chặng đường trong nhiệm kỳ tổng thống kéo dài 5 năm, vị cựu tổng công tố Hàn Quốc ngày càng thiếu quyết đoán về mặt chính trị, đặc biệt khi phe đối lập sử dụng thế đa số tại Quốc hội để kìm hãm chương trình nghị sự của Nhà Xanh. Trong vài tuần trở lại đây, quyền lực của Tổng thống Yoon càng mong manh trước bê bối làm rung chuyển chính quyền, trong đó ông và Đệ nhất Phu nhân Kim Kun-hee bị cáo buộc gây ảnh hưởng không đúng mực đến quá trình lựa chọn ứng cử viên của đảng cầm quyền. Bà Kim còn bị tố đạo văn, làm giả sơ yếu lý lịch, thao túng giá cổ phiếu và nhận quà tặng xa xỉ bất hợp pháp. Tuy cả hai đều lên tiếng phủ nhận, nhưng cáo buộc tham nhũng đã làm tổn hại vị thế của ông Yoon với tỷ lệ ủng hộ chỉ còn chưa đến 20%. Trong một cuộc khảo sát vào tháng 11, 58% người dân Hàn Quốc nói họ muốn Tổng thống Yoon từ chức hoặc bị luận tội.
MAI QUYÊN (Tổng hợp)