17/09/2011 - 09:35

Tình hình Syrie ngày càng căng thẳng

Tổng thống al-Assad vừa đi thị sát một dự án cơ sở hạ tầng tại Syrie. Ảnh: Sana

Tân Hoa Xã của Trung Quốc hôm qua đưa tin Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 15-9 đã ra thông báo kêu gọi công dân của họ phải rời khỏi Syrie ngay lập tức do “tình trạng bạo lực và bất ổn tiếp diễn” ở quốc gia A-rập. Thông báo này của Bộ Ngoại giao Mỹ được đưa ra ngay sau khi phe đối lập ở Syrie tuyên bố thành lập Hội đồng Dân tộc, theo “kịch bản” của lực lượng nổi dậy ở Libye, nhắm tới mục tiêu lật đổ chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad.

Theo khuyến cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ, các cuộc biểu tình tại Syrie đang diễn biến leo thang bạo lực, vì vậy các công dân Mỹ cần tránh các điểm biểu tình và hết sức thận trọng nếu ở trong khu vực biểu tình. Bộ Ngoại giao Mỹ hối thúc các công dân Mỹ đang ở Syrie lập tức rời khỏi nước này hoặc hạn chế đi lại tại quốc gia A-rập này.

Các cuộc biểu tình chống chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad diễn ra gần như hàng ngày tại Syrie trong suốt 6 tháng qua mà chính quyền Damas tố cáo là có bàn tay can thiệp và kích động của các thế lực nước ngoài. Theo Liên Hiệp Quốc, đụng độ trong các cuộc biểu tình đến nay đã làm ít nhất 2.600 người thiệt mạng. Tổng thống Mỹ Barack Obama và lãnh đạo một số nước đồng minh châu Âu đã công khai đòi Tổng thống al-Assad từ chức, thậm chí dùng các biện pháp cấm vận để gây áp lực với chính quyền của ông và hậu thuẫn phe đối lập thành lập Hội đồng Dân tộc theo đúng kịch bản mà Mỹ và phương Tây đã và đang áp dụng với Libye.

Như đã đề cập, ngày 15-9, tại thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ, phe đối lập Syrie đã tổ chức họp báo công bố danh sách 140 thành viên “Hội đồng Dân tộc Syrie (SNC)” mà lực lượng này thành lập với nhiệm vụ điều phối các chính sách của phe đối lập nhằm chống lại nhà cầm quyền Syrie. Trong buổi họp báo, thành viên SNC Abdulbaset Sida cho biết 60% thành viên SNC sống ở Syrie, số còn lại đang sống lưu vong. Những người sáng lập hội đồng chỉ tiết lộ danh tính của 72 thành viên SNC và giữ bí mật danh tính những người còn lại vì lý do an ninh. Ông Yasser Tabbara, một thành viên của SNC, cho biết họ vẫn chưa bầu chủ tịch và các vị trí trong hội đồng sẽ được quyết định sau quá trình bầu chọn dự kiến hoàn tất trong vài tuần tới. Nguyên do, là theo giới quan sát, hội đồng này là tập hợp của nhiều thành phần, kể cả trong lẫn ngoài nước, còn chia rẽ sâu sắc về quan điểm, khó sớm chọn lựa được người đứng đầu.

Theo tờ Christian Science Monitor của Mỹ, dù phe đối lập đẩy mạnh kế hoạch lật đổ chính quyền đương nhiệm, nhưng vị thế của Tổng thống al-Assad ở trong nước vẫn còn rất vững chắc. Ông vẫn được coi là một trong những nhà cải cách mạnh mẽ nhất không chỉ tại Syrie mà cả khu vực Trung Đông nên ông nhận được sự hậu thuẫn của đa số, từ giới doanh nhân trung lập, tầng lớp giàu có đến những nhà tài phiệt công nghiệp, cộng đồng thiểu số Thiên Chúa giáo. Họ quan ngại nếu ông al-Assad ra đi thì các thế lực Hồi giáo cực đoan sẽ cai trị đất nước. Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đã từng cảnh báo nếu chế độ al-Assad sụp đổ thì các tổ chức khủng bố và cực đoan sẽ thống trị Syrie.

KIẾN HÒA (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết