04/12/2020 - 21:29

Tình báo Mỹ coi Trung Quốc là “mối đe dọa” lớn nhất 

Trung Quốc là “mối đe dọa” lớn nhất về an ninh, không chỉ cho Mỹ mà còn với nền dân chủ và tự do toàn cầu kể từ sau Thế chiến thứ 2 - Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ (DNI) John Ratcliffe cảnh báo.

Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ Ratcliffe. Ảnh: Business Insider

Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ Ratcliffe. Ảnh: Business Insider

Quan điểm này được ông Ratcliffe phản ánh trong bài bình luận do Nhật báo Phố Wall đăng tải, vạch rõ tham vọng của Trung Quốc muốn vượt qua Mỹ và “thống trị” phần còn lại của thế giới về kinh tế, quân sự lẫn công nghệ. Bài viết đặc biệt lên án phương thức tiếp cận của Bắc Kinh dựa trên hoạt động gián điệp với chiến lược “3R - Rob, Replicate, Replace” (tạm dịch: Cướp, Sao chép và Thay thế).

Cụ thể, về kinh tế, ông Ratcliffe cho biết các thực thể Trung Quốc trước tiên đánh cắp tài sản trí tuệ của các công ty Mỹ, tiếp đến là sao chép và cuối cùng thay thế họ trên thị trường toàn cầu. Còn về quân sự, vị giám đốc này cáo buộc Bắc Kinh trộm cắp công nghệ quốc phòng Mỹ để làm “nguồn cung” cho kế hoạch hiện đại hóa quân đội. Theo ông Ratcliffe, Trung Quốc thậm chí đã “tiến hành thử nghiệm trên người” đối với thành viên quân đội nhằm tạo ra những chiến binh được tăng cường về mặt sinh học.

Dựa trên tin tình báo, ông Ratcliffe cảnh báo Bắc Kinh đang chuẩn bị cho giai đoạn đối đầu “không giới hạn” với Washington. Xác định Mỹ phải căng mình chống lại hành vi từ Trung Quốc, người đứng đầu DNI cho biết nỗ lực này là “thách thức của cả một thế hệ”. Trong lời kêu gọi đoàn kết lưỡng đảng, ông Ratcliffe nói rằng các nhà lãnh đạo cần vượt qua mâu thuẫn đảng phái để hiểu rõ mối đe dọa, từ đó có cách tiếp cận mở và đề ra phương hướng giải quyết. Quan chức do Tổng thống Donald Trump bổ nhiệm còn kêu gọi những quốc gia khác thừa nhận thực tế thế giới đang đứng trước sự lựa chọn giữa hai hệ tư tưởng hoàn toàn khác biệt.

Bonnie Glaser, chuyên gia về châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (Mỹ), cho rằng các bình luận của ông Ratcliffe dường như muốn “trói tay” chính quyền Tổng thống đắc cử Joe Biden, bởi nó phù hợp quan điểm với nhiều quan chức cấp cao khác vốn đang tìm cách củng cố di sản cứng rắn của Tổng thống Trump đối với Trung Quốc. Trong phát biểu trước đây, Ngoại trưởng Mike Pompeo từng xác định Trung Quốc đứng đầu danh sách các mối đe dọa mà Mỹ phải đối mặt; rằng nguy cơ từ Bắc Kinh với toàn cầu còn lớn hơn so với ảnh hưởng mà Nga tạo ra trong Chiến tranh Lạnh. Tại một diễn đàn quốc phòng tổ chức hôm 3-12, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mark Milley trong đánh giá về các mối đe dọa toàn cầu lần nữa nhấn mạnh Trung Quốc chính là “thách thức hiện hữu”.

Theo vị tướng hàng đầu của Lầu Năm Góc, quân đội Mỹ phải nắm bắt toàn diện lĩnh vực robot và trí tuệ nhân tạo nếu muốn duy trì ưu thế trước Trung Quốc. Ông cũng xác định Mỹ nên tái bố trí lực lượng, tập trung vào các quốc gia đồng minh ở Tây Thái Bình Dương nhằm ngăn chặn Trung Quốc giành quyền kiểm soát khu vực này nếu xảy ra xung đột. Để làm được điều đó, Lầu Năm Góc cần mở rộng hạm đội hải quân lên hơn 500 tàu vào năm 2045 từ khoảng 300 chiếc ở hiện tại. Trong đó, ít nhất ¼ lực lượng phải là tàu tự hành hoặc robot và có tối đa 90 tàu ngầm.

Ngày 4-12, Hãng tin Reuters cho biết Bộ Quốc phòng Mỹ chính thức đưa nhà sản xuất chip hàng đầu của Trung Quốc SMIC và Tổng Công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) vào danh sách đen những công ty bị cáo buộc dính líu quân đội. Được biết, CNOOC là chủ sở hữu giàn khoan Hải Dương 981 mà Trung Quốc từng đưa vào hoạt động trái phép trong vùng biển Việt Nam hồi năm 2014.

Ngoài hai “ông lớn” kể trên, danh sách này còn có thêm Công ty Công nghệ Xây dựng Trung Quốc và Công ty Tư vấn Công trình Quốc tế Trung Quốc, nâng tổng số doanh nghiệp bị "cấm cửa" lên con số 35.

 

MAI QUYÊN

Chia sẻ bài viết