22/06/2013 - 22:14

Tình báo Anh đang nghe lén toàn cầu

* Mỹ truy tố Edward Snowden về tội gián điệp

Đó là tiết lộ mới nhất từ "Người Thổi còi" Edward Snowden vừa được báo Guardian của Anh công bố. Theo đó, các điệp viên thuộc Cơ quan tình báo thông tin của Anh (GCHQ) đã và đang thu thập, lưu trữ một lượng lớn thông tin trên toàn cầu bao gồm email, bài viết trên Facebook, lịch sử lướt web và các cuộc gọi, sau đó chia sẻ với Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA).

Theo Guardian, điệp viên GCHQ đã bí mật truy cập vào mạng lưới cáp quang quốc tế. Qui mô của hoạt động này được phản ánh trên hai dự án cốt lõi mang tên Làm chủ Internet (MTI) và Khai thác Viễn thông Toàn cầu (GTE) để nắm lưu lượng thông tin trực tuyến và điện thoại nhiều nhất có thể.

Trụ sở của GCHQ tại Cheltenham, Gloucestershire. Ảnh: Wikipedia 

Sự tồn tại của chương trình này đã được Guardian tiết lộ trong tài liệu mà cựu nhân viên Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Snowden ví như một phần của nỗ lực "phơi bày các chương trình giám sát đáng ngờ lớn nhất trong lịch sử nhân loại". Điểm mấu chốt ở đây là khả năng lưu trữ một lượng lớn dữ liệu khai thác từ mạng lưới cáp quang của GCHQ có thể lên đến 30 ngày dựa trên chương trình có tên Tempora được vận hành gần 18 tháng nay. Những thông tin này - bao gồm bản ghi âm các cuộc gọi điện thoại, nội dung của thư điện tử, các cập nhật trên Facebook và lịch sử truy cập mạng của bất kỳ người sử dụng Internet, đều được sàng lọc, phân tích và chia sẻ với đối tác Mỹ.

Theo những gì được đề cập trong các tài liệu, khả năng truy cập vào hệ thống dây cáp truyền tải thông tin liên lạc của thế giới cho phép GCHQ trở thành đội ngũ tình báo "siêu cường". Thậm chí, theo lời của một số quan chức nước này thì GCHQ "tạo ra một lượng dữ liệu lớn hơn cả NSA".

Các tài liệu cho biết, GCHQ hồi năm ngoái đã xử lý 600 triệu cuộc gọi mỗi ngày, khai thác hơn 200 đường truyền cáp quang với khả năng xử lý dữ liệu ít nhất 46 đường truyền cùng một lúc. Không chỉ vậy, quy mô của chương trình này không ngừng gia tăng với việc tiếp cận nhiều đường truyền hơn cũng như nâng cấp phương tiện lưu trữ dữ liệu của GCHQ ở Anh và nước ngoài để có thể xử lý hàng ngàn gigabit dữ liệu cùng lúc.

Theo nguyên tắc pháp lý của GCHQ, cơ quan này có thể tiến hành theo dõi một số đối tượng nhất định trên cơ sở được Bộ trưởng Nội vụ hoặc Ngoại trưởng ký theo Quy chế của Đạo luật Quyền hạn điều tra (Ripa), nhưng Guardian cho rằng tính hợp pháp của hoạt động này không được đảm bảo. Mặc dù vậy, nguồn tin nắm rõ về tình báo cho rằng các dữ liệu được thu thập một cách hợp pháp và cung cấp tài liệu cần thiết để phát hiện và ngăn ngừa tội phạm nghiêm trọng.

 

* Trong một diễn biến liên quan, truyền thông quốc tế hôm 22-6 đồng loạt đưa tin Chính phủ Mỹ đã chính thức truy tố hình sự Edward Snowden về tội gián điệp, ăn cắp tài sản chính phủ, "lưu truyền trái phép thông tin quốc phòng" và "cố ý chuyển giao bất hợp pháp thông tin tình báo" theo Đạo luật Gián điệp Mỹ.

Các công tố viên có 60 ngày để nộp bản cáo trạng và chuẩn bị các bước cần thiết để có thể dẫn độ Snowden về Mỹ xét xử. Theo tờ Bưu điện Washington, Mỹ đã yêu cầu nhà chức trách Hồng Kông ra lệnh bắt giữ tạm thời đối với Snowden. Tuy nhiên, hãng tin Anh Reuters cho biết Chính quyền Hồng Kông hiện vẫn chưa lên tiếng về số phận của cựu nhân viên CIA trước yêu cầu dẫn độ của Mỹ.

Theo các nguồn tin Hồng Kông, Snowden đã tiếp xúc với các luật sư nhân quyền để chuẩn bị cho "trận chiến dẫn độ" kéo dài. Theo chuyên gia pháp lý, nếu chính quyền Hồng Kông không định tội thì không ai có thể bắt giữ hoặc xét xử "Người Thổi còi".

VI VI (Theo Guardian, Reuters, WP)

Chia sẻ bài viết