30/11/2023 - 10:20

Tin tức thế giới ngày 30-11 

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger qua đời ở tuổi 100

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger đã qua đời tại nhà riêng ở bang Connecticut (Mỹ), thọ 100 tuổi. 

Công ty tư vấn quốc tế Kissinger Associates, nơi cựu Ngoại trưởng Kissinger giữ chức Chủ tịch, đã đưa ra thông báo trên vào tối 29-11 (sáng 30-11 giờ Việt Nam).

Ông Henry Kissinger sinh ở Đức ngày 27-5-1923. Ông giữ vai trò chủ chốt trong chính sách đối ngoại của Mỹ những thập niên 60 và 70 của thế kỷ trước, làm việc dưới quyền 2 đời tổng thống Mỹ là Richard M. Nixon và Gerald Ford. 

Trong những năm gần đây, ông vẫn tiếp tục tham dự các cuộc họp tại Nhà Trắng, có ảnh hưởng đối với các nhà lãnh đạo quyền lực của Washington với tư cách là một chính khách cao tuổi.

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger. Ảnh: Bloomberg

Zurich vượt New York trở thành thành phố đắt đỏ nhất thế giới

Theo xếp hạng công bố ngày 30-11 của tạp chí The Economist, Zurich và Singapore là hai thành phố đắt đỏ nhất thế giới trong bối cảnh chi phí sinh hoạt cao chưa từng thấy. 

Theo các chuyên gia của Cơ quan tình báo kinh tế (EIU) thuộc The Economist, ước tính trong năm qua, giá cả tiêu dùng đã tăng trung bình 7,4% tại 173 thành phố lớn, thấp hơn chút ít so với mức tăng lạm phát kỷ lục 8,1% của năm 2022. Tính toán này được dựa trên giá cả của 200 mặt hàng và dịch vụ. 

So với bảng xếp hạng năm ngoái, thành phố Zurich (Thụy Sĩ) đã vượt New York (Mỹ) để sánh ngang với Singapore - thành phố đã "trụ vững" trong nhiều năm về mức chi phí sinh hoạt đắt đỏ nhất thế giới. 

Danh sách những thành phố đắt đỏ 3 thành phố kể trên còn có Genève (Thụy Sĩ), Hong Kong (Trung Quốc), Los Angeles (Mỹ), Paris (Pháp), Copenhagen (Thụy Điển) và Tel Aviv (Israel). Mỹ còn có 1 thành phố trong tốp 10 thành phố đắt đỏ là San Francisco.  

Cũng theo bảng xếp hạng của The Economist, Thủ đô Damascus của Syria là thành phố có chi phí sinh hoạt rẻ nhất thế giới, tiếp sau là Tehran (Iran).

Một góc thành phố Zurich đắt đỏ nhất thế giới. Ảnh: EIU

EU muốn nối lại quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ

Liên minh châu Âu (EU) muốn khởi động lại quan hệ chính trị và kinh tế với Thổ Nhĩ Kỳ nhằm tăng cường ổn định khu vực, bất chấp những khác biệt giữa Brussels và Ankara về chính sách đối ngoại và những khó khăn, trở ngại trong tiến trình đàm phán gia nhập EU.

Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của EU Josep Borrell và Ủy viên phụ trách Mở rộng Châu Âu Oliver Varhelyi ngày 29-11 đã công bố kế hoạch mới nhằm khôi phục quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ và liên quan đến sự hợp tác lớn hơn trong lĩnh vực thương mại, năng lượng, giao thông và quản lý các dòng người di cư.

Phát biểu với báo giới ở Thủ đô Brussels, Ủy viên Oliver Varhelyi cho rằng hai bên có thể không đồng quan điểm về nhiều vấn đề, nhưng có nhiều điểm thống nhất hơn là điểm chia rẽ. Các cam kết mới bao gồm đầu tư xanh và kỹ thuật số, những nỗ lực mới nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc xin thị thực, đối thoại cấp cao về kinh tế, năng lượng, giao thông, khí hậu và y tế, và đối thoại mới ở cấp cao về thương mại nhằm giải quyết "các yếu tố kích thích thương mại".

EU cho biết họ cũng sẵn sàng nối lại các cuộc đàm phán về một liên minh hải quan hiện đại giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ, với điều kiện Ankara ủng hộ các nỗ lực chống lại việc lách các lệnh trừng phạt của châu Âu đối với Nga.

Ngoài ra, hợp tác về quản lý di cư, một khía cạnh quan trọng trong quan hệ EU-Thổ Nhĩ Kỳ kể từ khi được ký kết vào năm 2016, cũng sẽ được củng cố để ngăn chặn tình trạng di cư bất thường, tăng cường kiểm soát biên giới và chống buôn người.

PV (TTXVN)

Chia sẻ bài viết