12/06/2024 - 17:00

Tin tức thế giới ngày 12-6 

Hàn Quốc: Động đất độ lớn 4,8 lớn nhất kể từ đầu năm

Hãng tin Yonhap cho biết Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck-soo đã chỉ đạo các cơ quan bộ ngành của nước này có hành động và thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho người dân sau trận động đất có độ lớn 4,8 làm rung chuyển khu vực phía Tây Nam nước này sáng 12-6. 

Theo Cơ quan Khí tượng Hàn Quốc (KMA), trận động đất xảy ra lúc 8h26 giờ địa phương tại vị trí cách huyện Bắc Jeolla 4km với độ sâu chấn tiêu 8km. Đây là trận động đất có cường độ lớn nhất trên Bán đảo Triều Tiên và ngoài khơi nước này từ đầu năm tới nay. Có 15 dư chấn được KMA ghi nhận sau trận động đất này.

Học sinh Trường Cơ khí và Công nghệ Gunsan sơ tán khi động đất (trái) và một công trình bị hư hại được ghi nhận. Ảnh: Yonhap

Bên cạnh chỉ đạo Bộ Nội vụ nhanh chóng công bố các hướng dẫn cụ thể nhằm đảm bảo an toàn cho người dân, Thủ tướng Han Duck-soo cũng yêu cầu bộ trưởng các Bộ Công nghiệp, Khoa học và Đất đai đảm bảo dịch vụ cung cấp điện và thông tin liên lạc được thông suốt, đồng thời chuẩn bị biện pháp ứng phó trong tình huống khẩn cấp. Trong khi đó, Bộ trưởng Văn hóa và KMA được giao nhiệm vụ kịp thời cung cấp thông tin chính xác liên quan đến trận động đất đến cộng đồng để người dân không hoang mang.

Sau động đất, đơn vị xử lý tình huống khẩn cấp của Hàn Quốc đã nhận được nhiều cuộc gọi thông báo về hiện tượng rung lắc. Chính quyền tỉnh Bắc Jeolla cho biết chưa nhận được bất cứ báo cáo thiệt hại nào về người và vật chất.


Trung Quốc và nhiều nước châu Á ghi nhận nóng kỷ lục

Nhiều địa phương ở Trung Quốc đang chịu cái nóng "như đổ lửa". Ảnh: Reuters

Các nhà khoa học dự báo Trung Quốc và nhiều quốc gia khác ở châu Á cần chuẩn bị các biện pháp sẵn sàng ứng phó thời tiết nắng nóng cực kỳ khắc nghiệt trong mùa Hè 2024.

Trong tuần này, nhiều vùng ở Trung Quốc ghi nhận nền nhiệt cao kỷ lục. Theo Trung tâm Khí tượng quốc gia Trung quốc (NMC), nước này đang phải đối mặt với nắng nóng gay gắt trong nhiều ngày qua, nhiệt độ có thể lên tới 42oC tại tỉnh Hà Bắc ở miền Bắc trong ngày 12-6. Hơn 20 trạm thời tiết ở tỉnh Hà Bắc và tỉnh Sơn Đông ở phía Đông đã ghi nhận mức nhiệt cao kỷ lục theo mùa trong 10 ngày đầu tiên của tháng 6. Ngày 11-6, NMC đã ra cảnh báo về tác động của nhiệt độ tăng cao đối với hoạt động cung cấp năng lượng, trồng trọt và sức khoẻ của người dân. Dự báo nắng nóng sẽ tiếp tục bao trùm miền Bắc và miền Trung Trung Quốc đến ngày 20-6.

Không chỉ Trung Quốc, các nước châu Á khác cũng đã trải qua nắng nóng kéo dài từ vài tháng qua. Miền Bắc Ấn Độ đang vật lộn với điều kiện thời tiết nắng nóng cực đoan kéo dài, với mức nhiệt vượt quá 50oC vào cuối tháng 5. Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh của Ấn Độ cho biết đã ghi nhận gần 25.000 trường hợp sốc nhiệt và 56 trường hợp tử vong kể từ tháng 3. Các nước khác như Pakistan hay Thái Lan cũng chịu ảnh hưởng các đợt nắng nóng khắc nghiệt.

Các nhà khoa học cảnh báo, biến đổi khí hậu mà biểu hiện là sự nóng lên toàn cầu làm gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan, bao gồm nắng nóng cực đoan xảy ra với tần suất nhiều hơn và khắc nghiệt hơn, hạn hán, lũ lụt, mực nước biển sẽ dâng cao hơn và các sông băng có xu hướng tan nhanh hơn.


WB nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu

Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 11-6 đã nâng dự báo tăng trưởng toàn cầu, song cảnh báo đà tăng trưởng vẫn yếu do nhiều yếu tố. 

Trong các dự báo mới cập nhật, WB cho rằng kinh tế thế giới năm 2024 sẽ tăng trưởng 2,6%, tăng 0,2 điểm phần trăm so với dự báo công bố hồi tháng 1-2024. WB giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2025 ở mức 2,7%, tức vẫn dưới mức 3,1% duy trì trong suốt một thập kỷ trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát năm 2019.

WB dự báo các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi sẽ tăng trưởng 4% trong năm nay, tăng nhẹ so với mức dự báo hồi tháng 1 song vẫn thấp hơn mức tăng trưởng trước thời kỳ đại dịch COVID-19.

Nền kinh tế số 1 thế giới là Mỹ được dự báo sẽ tăng trưởng 2,5% trong năm nay, tăng 0,9 điểm phần trăm so với dự báo hồi đầu năm, nhờ chi tiêu tiêu dùng và ngân sách chi của chính phủ tăng, trong khi nhập khẩu giảm. 

Với Trung Quố, WB dự báo nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới sẽ tăng trưởng 4,8%, tăng 0,3 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 1, song thể chế tài chính này cho rằng kinh tế Trung Quốc vẫn sẽ chậm lại trong năm nay do hoạt động trong lĩnh vực bất động sản suy giảm.

PV (TTXVN)

Chia sẻ bài viết