09/11/2023 - 16:07

TIN TỨC THẾ GIỚI 9-11 

Xung đột Hamas-Israel: Hàng viện trợ hiếm hoi đến bệnh viện ở Dải Gaza

* WHO cảnh báo xu hướng dịch bệnh lây lan tại Dải Gaza

Nạn nhân bị thương trong cuộc không kích của Israel được điều trị tại bệnh viện Al-Shifa ở Gaza. Ảnh: AFP/TTXVN

Nạn nhân bị thương trong cuộc không kích của Israel được điều trị tại bệnh viện Al-Shifa ở Gaza. Ảnh: AFP/TTXVN

Liên Hiệp Quốc (LHQ) thông báo một chuyến hàng vật tư y tế và thuốc men đã đến bệnh viện Al-Shifa ở phía Bắc Dải Gaza vào ngày 8-11. Tuy nhiên, tổ chức này cũng cảnh báo rằng vẫn cần nhiều hàng viện trợ hơn nữa để có thể đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng trong khu vực.

Trong tuyên bố chung, Giám đốc Chương trình Cứu trợ LHQ dành cho người tị nạn Palestine (UNRWA) Philippe Lazzarini và Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết hàng viện trợ đã đến bệnh viện lớn nhất Gaza bất chấp những rủi ro lớn đe dọa các nhân viên và đối tác y tế của LHQ do các cuộc bắn phá không ngừng. Mô tả tình hình ở bệnh viện Al-Shifa là "thảm khốc", các quan chức trên nhấn mạnh đợt hàng viện trợ mới nhất vẫn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu to lớn ở Dải Gaza. 

Những người đứng đầu UNRWA và WHO kêu gọi khẩn trương cung cấp nhiên liệu cho các cơ quan nhân đạo ở Gaza, cảnh báo không có nhiên liệu, các bệnh viện và cơ sở thiết yếu khác sẽ không thể hoạt động và hậu quả là sẽ có thêm nhiều người tử vong.

Theo thống kê, cuộc xung đột Hamas-Israel nổ ra từ ngày 7/10 đã khiến ít nhất 1.400 người ở Israel thiệt mạng. Trong khi đó, cơ quan y tế của Hamas cho biết cuộc xung đột đã cướp đi sinh mạng của gần 10.600 người Palestine ở Gaza, trong đó có 4.324 trẻ em và 2.823 phụ nữ, và làm bị thương hơn 24.000 người khác.

* Ngày 8-11, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo trong bối cảnh số người thiệt mạng và bị thương tiếp tục gia tăng ở Gaza do xung đột chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, tình trạng quá tải ở các nơi trú ẩn cùng hệ thống y tế, cung cấp nước và vệ sinh bị gián đoạn làm gia tăng nguy cơ lây lan nhanh chóng của các bệnh truyền nhiễm. 

Theo WHO, việc thiếu nhiên liệu ở khu vực đông dân cư đã khiến các nhà máy khử muối phải đóng cửa, làm tăng nguy cơ lây lan các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn như tiêu chảy. Kể từ giữa tháng 10, hơn 33.550 trường hợp bị tiêu chảy đã được báo cáo, phần lớn là trẻ dưới 5 tuổi. Tổ chức này cho biết số trẻ bị tiêu chảy đã tăng mạnh so với mức trung bình 2.000 trường hợp hằng tháng trong suốt năm 2021 và 2022.

Tình trạng thiếu nhiên liệu cũng làm gián đoạn việc thu gom chất thải rắn, điều mà WHO cho rằng đã tạo ra môi trường thuận lợi cho sự sinh sôi nhanh chóng và lan rộng của các loài côn trùng, gặm nhấm vốn có thể mang mầm bệnh và truyền bệnh. WHO lưu ý các cơ sở y tế "gần như không thể" duy trì các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm cơ bản, làm tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh do chấn thương, phẫu thuật và sinh nở.

Ấn Độ: Thủ đô New Delhi lên kế hoạch gây mưa nhân tạo để hạn chế ô nhiễm không khí

Không khí ô nhiễm bao trùm Thủ đô New Delhi, Ấn Độ ngày 8-11. Ảnh: AFP/TTXVN

Chính quyền New Delhi lần đầu tiên lên kế hoạch tạo mưa để cố gắng cải thiện chất lượng không khí ở thủ đô ô nhiễm nhất thế giới, vốn đang bị sương mù bao phủ suốt 1 tuần qua.

Ông Gopal Rai - người đứng đầu cơ quan môi trường thủ đô New Delhi - ngày 8-11 cho biết chính quyền địa phương sẽ cố gắng gây mưa nhân tạo thông qua biện pháp gieo hạt trên đám mây trong tháng này nhằm nỗ lực chống ô nhiễm không khí ở thành phố này.

Trong cuộc họp mới đây, các nhà khoa học từ Viện Công nghệ Ấn Độ Kanpur (IIT Kanpur) đã khẳng định với ông Rai rằng việc tạo mây chỉ có thể thực hiện được nếu có mây hoặc hơi ẩm trong khí quyển. Họ dự báo điều này có thể xuất hiện vào khoảng ngày 20-21/11.

Chỉ số chất lượng không khí của New Delhi được ghi nhận ở mức hơn 320 vào thời điểm sáng sớm 8-11, mức độ mà tập đoàn IQAir của Thụy Sĩ xếp vào loại “nguy hiểm”, trước khi giảm xuống còn 294 sau đó.

Cùng ngày, chính quyền thủ đô New Delhi đã đưa ra thông báo đóng cửa tất cả các trường công và tư từ ngày 9-18/11 để nghỉ Đông sớm hơn dự kiến ban đầu là vào tháng 1.

Chất lượng không khí ở New Delhi thường xấu đi hàng năm trước mùa Đông, khi không khí lạnh giữ lại các chất ô nhiễm từ những nguồn như xe cộ, công nghiệp, bụi xây dựng và đốt rác thải nông nghiệp.

Anh tăng cường bảo vệ trẻ em trên không gian mạng

Ngày 9-11, Cơ quan quản lý truyền thông của Anh (Ofcom) nhấn mạnh các công ty công nghệ phải tập trung vào việc bảo vệ trẻ em trước các nội dung liên quan tới bạo lực, lạm dụng tình dục và tự sát trên không gian mạng.

Ofcom nêu rõ trẻ em là đối tượng ưu tiên hàng đầu trong quá trình triển khai Luật An toàn trực tuyến có hiệu lực từ tháng trước. Với vai trò cơ quan quản lý nhà nước về an ninh mạng, Ofcom sẽ buộc các công ty như Facebook và Instagram phải giải quyết các nguyên nhân gây mất an toàn trên không gian mạng. 

Giám đốc điều hành Ofcom Melanie Dawes khẳng định Ofcom sẽ tạo ra một môi trường trực tuyến an toàn hơn, nhất là đối với thanh thiếu niên, bằng các biện pháp như ngăn chặn tin nhắn từ những người lạ không có tên trong danh sách bạn bè của trẻ em và không hiển thị thông tin vị trí của trẻ em. 

Ofcom cho biết sẽ tham khảo ý kiến đóng góp của các bên liên quan về các biện pháp nói trên, trong đó có cả một số biện pháp về chống gian lận và khủng bố, trước khi hoàn thiện dự thảo quy định vào năm sau và trình Quốc hội thông qua. Khi những quy định mới có hiệu lực, các công ty không tuân thủ có thể phải đối mặt với mức phạt lên tới 18 triệu bảng Anh (22,1 triệu USD) hoặc 10% tổng doanh thu trên toàn cầu hằng năm.

PV (TTXVN)

Chia sẻ bài viết