01/11/2023 - 15:00

Tin tức thế giới 1-11 

Xung đột Hamas-Israel: Cộng đồng quốc tế kêu gọi bảo vệ dân thường ở Dải Gaza

+ Các nước Nam Mỹ triệu hồi đại sứ và cắt đứt quan hệ với Israel

Ngày 31-10, sau một loạt cuộc điện đàm với giới chức cấp cao các nước Arab, Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), ông Josep Borrell, một lần nữa kêu gọi ngừng xung đột Hamas-Israel và lên án các cuộc tấn công của những người định cư Israel nhằm vào người Palestine ở khu vực Bờ Tây bị chiếm đóng.

Cùng ngày, Thủ tướng Ai Cập Mostafa Madbouly kêu gọi hành động quốc tế nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Dải Gaza, tái khẳng định lập trường của Cairo về việc bác bỏ chính sách trừng phạt tập thể đối với người dân Palestine. Thủ tướng Madbouly kêu gọi các bên liên quan chấm dứt xung đột, đặc biệt là khi mức độ tàn phá và số lượng thương vong ngày càng gia tăng ở Dải Gaza.

Cơ quan Y tế thuộc chính quyền Palestine thông báo hơn 8.525 người đã thiệt mạng, phần lớn là phụ nữ và trẻ em. Phía Israel không công bố số liệu thương vong những ngày qua sau khi thông báo hơn 1.400 người thiệt mạng từ tuần trước đó.

Cũng trong ngày 31-10, Quốc vương Jordan Abdullah II đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden, nêu bật tầm quan trọng của lệnh ngừng bắn nhân đạo ngay lập tức tại Dải Gaza. Quốc vương Abdullah II nhấn mạnh sự cần thiết phải đảm bảo đưa hàng viện trợ nhân đạo vào vùng lãnh thổ của Palestine mà không bị cản trở. Ông cũng kêu gọi đẩy mạnh những nỗ lực chấm dứt xung đột và khẳng định "hai nhà nước" là giải pháp duy nhất cho xung đột. 

Trong khi đó, Thủ tướng Anh Rishi Sunak cũng đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Israel Benjamin Netanyahu, kêu gọi thực hiện mọi biện pháp có thể để giảm thiểu thương vong và bảo vệ dân thường. Ông Sunak cũng thảo luận với người đồng cấp Netanyahu về tình hình ở Bờ Tây và "mục tiêu lâu dài về giải pháp hai nhà nước". 

Cùng ngày, Thủ tướng Sunak điện đàm với Tổng thống Chính quyền Palestine Mahmoud Abbas và thảo luận về cuộc khủng hoảng nhân đạo đang diễn ra ở Gaza, cam kết Anh sẽ tiếp tục hỗ trợ hành động ngoại giao để bảo vệ thường dân Palestine, đồng thời đảm bảo giải pháp hòa bình và lâu dài cho cuộc khủng hoảng này".

Trong diễn biến liên quan, Bộ Ngoại giao Bolivia tuyên bố chính phủ nước này sẽ cắt đứt quan hệ ngoại giao với Israel để phản đối các cuộc tấn công vào Dải Gaza. Chính phủ Chile và Colombia cũng đã triệu hồi đại sứ tại Israel, trong khi Tổng thống Brazil - Luiz Inácio Lula da Silva, người đang giữ chức Chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an LHQ - kịch liệt phản đối hành động sát hại thường dân vô tội ở Dải Gaza. 

Phần lớn nạn nhân trong các cuộc không kích của Israel nhằm vào Dải Gaza là phụ nữ và trẻ em. Ảnh: Reuters

Ukraine có thể khởi động đàm phán gia nhập EU trong năm nay

Ngày 31-10, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba thông báo nước này có thể sẽ khởi động các cuộc đàm phán gia nhập Liên minh châu Âu (EU) vào cuối năm nay nếu điều kiện thuận lợi.

Phát biểu trên truyền hình quốc gia, ông Kuleba cho biết Chính phủ Ukraine đã thực hiện đầy đủ tất cả yêu cầu của EU và Tổng thống Volodymyr Zelensky đã “tạo động lực” cho tiến trình gia nhập khối này.

EU đã chính thức công nhận tư cách ứng cử viên gia nhập khối của Ukraine và Moldova ngay sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Dự kiến, tại hội nghị thượng đỉnh vào tháng 12 tới, các nhà lãnh đạo EU sẽ quyết định về việc có cho phép Ukraine và Moldova bắt đầu quá trình đàm phán gia nhập khối hay không. Vấn đề này đòi hỏi sự nhất trí của toàn bộ 27 quốc gia thành viên.

Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba (trái) và Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại EU Josep Borrell. Ảnh: Reuters

Hàn Quốc sẽ đào tạo nghề chuyên sâu cho lao động nước ngoài

Bộ Lao động và Việc làm Hàn Quốc ngày 31-10 cho biết chính phủ nước này có kế hoạch nhanh chóng mở rộng việc đào tạo nghề chuyên ngành cho lao động nước ngoài vào Hàn Quốc bằng thị thực lao động phổ thông không có chuyên môn (E-9). Đây là một trong các giải pháp nhằm giải quyết tình trạng thiếu lao động trầm trọng trong nhiều ngành công nghiệp quan trọng. Chẳng hạn, ngành đóng tàu Hàn Quốc ước tính sẽ thiếu hụt tới 14.000 lao động trong thời gian tới do lĩnh vực đóng tàu phục hồi mạnh và nước này trúng thầu nhiều đơn hàng lớn.

Đầu năm nay, Bộ Lao động Hàn Quốc đã triển khai chương trình đào tạo nghề thí điểm cho những người có thị thực E-9 đang làm việc trong ngành đóng tàu nhằm giúp những lao động này cải thiện kỹ năng làm việc, cũng như sớm thích ứng với ngôn ngữ và văn hóa Hàn Quốc. Đến cuối năm nay, khoảng 500-600 lao động nước ngoài sẽ hoàn thành khóa đào tạo nghề chuyên ngành tại 6 tập đoàn đóng tàu lớn của Hàn Quốc, gồm Hyundai Samho Heavy Industries, HD Hyundai Heavy Industries, Samsung Heavy Industries, Hyundai Mipo Dockyard, Hanwha Ocean và Daehan Shipbuilding. 

Bộ Lao động Hàn Quốc cho biết sẽ tiếp tục mở rộng chương trình đào tạo nghề sang các ngành công nghiệp cốt lõi khác và số người được đào tạo sẽ tăng lên 4.000 trong năm 2024.

Công nhân nước ngoài làm việc lại một xưởng đóng tàu ở Hàn Quốc. Ảnh: Maritime Fairtrade

PV (TTXVN, Guardian)

Chia sẻ bài viết