22/02/2020 - 23:34

Tìm ra thành phần trong sữa mẹ giúp trẻ lớn, khỏe 

Các nhà nghiên cứu phát hiện sữa mẹ ảnh hưởng lớn đến sự phát triển chiều cao và cân nặng của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, cũng như giúp phòng ngừa béo phì, cả trong thời thơ ấu và khi lớn lên, nhưng thành phần nào trong sữa mẹ mang lại tác dụng này vẫn còn là điều bí ẩn. Nghiên cứu mới của các nhà khoa học Mỹ đã tìm ra lời giải đáp.

Sữa mẹ là một sự pha trộn phức tạp của các prôtêin, chất béo, khoáng chất và vitamin, cộng với các phân tử đường phức tạp gọi là Oligosacarit Sữa Mẹ, hay còn gọi là HMO. Trẻ sơ sinh không tiêu hóa trực tiếp các HMO, thay vào đó, các loại đường này đóng vai trò như prebiotic – thức ăn cho các vi sinh vật có lợi trong đường ruột (probiotic). Có khoảng 150 loại HMO đã được biết đến, song sữa của mỗi bà mẹ có thành phần và nồng độ HMO độc nhất, do yếu tố di truyền và các loại enzyme xử lý HMO ở mỗi người khác biệt nhau.

Ảnh: Health & Parenting

Trong nghiên cứu mới, các chuyên gia tại Đại học California-San Diego đã phân tích sức khỏe của 802 bà mẹ và con của họ, từng tham gia nghiên cứu dài hạn về Các bước phát triển khỏe mạnh của trẻ em (STEPS) dẫn đầu bởi trường Đại học Turku ở Phần Lan. Những trẻ này được theo dõi sức khỏe từ lúc sơ sinh đến khi được 5 tuổi.

Công bố trên Tạp chí Dinh dưỡng lâm sàng Mỹ, nhóm nghiên cứu phát hiện rằng nồng độ cao của một HMO có tên 2’-Fucosyllactose (2’FL) và nồng độ thấp của một loại HMO khác gọi là Lacto-N-neotetraose (LNnT) có liên quan đến sự phát triển của trẻ ở thời thơ ấu và giai đoạn mầm non.

Theo đó, chiều cao và cân nặng của đứa trẻ có thể thay đổi rất khác nhau, tùy thuộc vào nồng độ của các HMO trong sữa mẹ, bất kể chỉ số khối cơ thể (BMI) của người mẹ trước khi mang thai là bao nhiêu hoặc thời gian họ cho con bú kéo dài trong bao lâu. Ví dụ, sữa của các bà mẹ có con cao hơn và nặng hơn thường có thành phần HMO ít đa dạng hơn, với nồng độ 2’FL cao hơn và nồng độ LNnT thấp hơn.

Các chuyên gia giải thích rằng các HMO là prebiotic tự nhiên góp phần hình thành hệ vi sinh đường ruột, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và nguy cơ mắc bệnh của trẻ sơ sinh. Chúng hoạt động độc lập với hệ vi sinh đường ruột (microbiome), bảo vệ trẻ khỏi các bệnh như tiêu chảy do nhiễm trùng hoặc viêm ruột hoại tử, một bệnh nghiêm trọng ảnh hưởng đến đường ruột của trẻ sinh non. Các nghiên cứu trước đây phát hiện các HMO cũng có thể bảo vệ trẻ sơ sinh khỏi các vi khuẩn gây bệnh và giảm nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm, chẳng hạn như hen suyễn, dị ứng và béo phì, khi lớn lên.

Giáo sư nhi khoa Lars Bode, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết một số HMO có thể làm trẻ sơ sinh chậm phát triển, số khác có thể giúp trẻ phát triển tốt và giảm nguy cơ béo phì ở trẻ em. “Chúng ta thậm chí có thể áp dụng HMO như một liệu pháp mới cho người lớn cần tăng cân hoặc bị thừa cân và béo phì, bằng cách điều chỉnh thành phần HMO trong các sản phẩm bổ sung dinh dưỡng. Giống như y học cá nhân hóa”, ông nói thêm.

Các chuyên gia nhấn mạnh nghiên cứu của họ đã chỉ ra mối liên hệ giữa thành phần HMO với sự phát triển của trẻ thời thơ ấu, song vẫn cần nghiên cứu thêm. Họ hy vọng một ngày nào đó, một số HMO cụ thể có thể cung cấp liệu pháp điều trị các vấn đề chậm phát triển hoặc bị béo phì ở trẻ em.l

HOÀNG ĐIỂU (Theo News-Medical.net, Science Daily)

 

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
sữa mẹ