21/05/2011 - 11:00

TP CẦN THƠ

Tìm hướng đi mới trong thu hút đầu tư

Theo nhận định của các ngành chức năng, thời gian qua việc thu hút đầu tư vào TP Cần Thơ còn nhiều hạn chế, các dự án đầu tư quy mô nhỏ; chưa đủ sức lan tỏa ra toàn vùng ĐBSCL. Với vai trò là thành phố trung tâm động lực vùng ĐBSCL, Cần Thơ cần một hướng đi mới trong thu hút đầu tư và làm mới hình ảnh của thành phố trong mắt nhà đầu tư.

* Thiếu dự án quy mô lớn

TP Cần Thơ là một trong bốn địa phương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL. Với vai trò là hạt nhân trong liên kết vùng TP Cần Thơ trở thành điểm đến cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Những năm gần đây, Trung ương và địa phương đã chú trọng đầu tư hạ tầng cơ sở để thu hút đầu tư. Nhiều công trình quy mô lớn như cầu Cần Thơ, quốc lộ 91B và tuyến đường Nam sông Hậu, Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ... đã tạo kết nối giữa Cần Thơ và các địa phương trong vùng ĐBSCL. Đồng thời, phá thế cách biệt về giao thông giữa TP Cần Thơ với các trung tâm kinh tế khác của cả nước.

 Siêu thị Co.op Mart Cần Thơ, một trong những dự án hợp tác đầu tư hiệu quả giữa TP Cần Thơ và TP
Hồ Chí Minh.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ, có nhiều nhà đầu tư từ các quốc gia và vùng lãnh thổ như Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, Trung Quốc,... đến tìm hiểu cơ hội đầu tư tại thành phố. Tuy nhiên, việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của thành phố vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, số lượng dự án và vốn đầu tư còn khiêm tốn. Một thực tế nữa khi các dự án FDI triển khai hoạt động tại thành phố còn gặp khó khăn do sản phẩm sản xuất chưa đáp ứng nhu cầu thị trường, bị cạnh tranh nguồn nguyên liệu và nhân lực phục vụ dự án, sản phẩm làm ra không phù hợp với đặc tính thị trường Việt Nam.

Ông Võ Thành Sang, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ, cho biết: “Trong số các dự án FDI, chỉ có Dự án Nhà máy lọc dầu Cần Thơ được xem là quy mô với công suất 2 triệu tấn dầu thô/năm, vốn đăng ký là 538 triệu USD (doanh nghiệp Việt Nam góp 30% vốn, British Virgin Islands góp 70%). Tuy nhiên, đến nay, dự án vẫn chưa triển khai, do tác động của khủng hoảng kinh tế, đối tác nước ngoài xin rút khỏi dự án. Trong khi, công ty Việt Nam không đủ năng lực để triển khai dự án và đang xin gia hạn để tìm đối tác mới”... Theo ông Sang, việc tạo quỹ “đất sạch” thu hút đầu tư còn gặp khó, tiến độ giải phóng mặt bằng còn chậm, chi phí bồi hoàn tăng. TP Cần Thơ không nằm trong Danh mục địa bàn ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp theo Nghị định 124/2007/NĐ-CP của Chính phủ. Do vậy, các nhà đầu tư luôn cân nhắc về giá thuê đất, lợi thế về vị trí đầu tư so với các địa phương lân cận thành phố.

* Cần chiến lược riêng

Trong bối cảnh lạm phát ở mức cao, nền kinh tế thế giới có nhiều biến động, việc mời gọi đầu tư trong và ngoài nước cũng bị tác động rất lớn. Theo nhận định của các ngành chức năng, thời gian qua, việc xây dựng các dự án để mời gọi đầu tư chưa tạo được điểm nhấn nổi bật riêng của thành phố. Mặc dù là thành phố trung tâm, nhưng thành phố đang thiếu những sản phẩm đặc thù, dự án mời gọi chưa đủ sức lan tỏa vùng. Ông Nguyễn Khánh Tùng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư-Thương mại-Du lịch TP Cần Thơ, cho rằng để tiếp cận và mời gọi được các nhà đầu tư cần chú trọng rà soát, chọn lọc danh mục dự án trọng điểm, tính khả thi cao theo lĩnh vực ngành nghề phù hợp với điều kiện của địa phương. Hiện nay, trung tâm đang xúc tiến tập trung vào thị trường nội địa và tăng cường quảng bá dự án các thị trường như Pháp, Nhật, Thái Lan... qua các tham tán Việt Nam tại các nước trên, đặc biệt là qua Internet.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ, trong 5 tháng đầu năm 2011, thành phố cấp 3 giấy chứng nhận đầu tư cho 3 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký 52,13 triệu USD, đạt 104% kế hoạch năm 2011. Thành phố hiện có 51 dự án FDI,  vốn đăng ký 769,95 triệu USD. Các dự án đang hoạt động trên địa bàn thành phố giải ngân vốn đầu tư khá tốt. Trong đó, 33/44 dự án đã giải ngân hết vốn đầu tư theo đăng ký, 10/44 dự án đang thực hiện giải ngân do một số dự án mới bắt đầu và một vài dự án còn gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ.

Ngoài chiến lược thu hút đầu tư có chọn lọc thì việc tạo quỹ “đất sạch” cũng là vấn đề mà thành phố rất quan tâm. Theo ông Võ Thanh Hùng, Trưởng Ban Quản lý Các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ, từ đầu năm 2011 đến nay, việc tạo quỹ “đất sạch” để thu hút nhà đầu tư khá khả quan. Hiện Khu công nghiệp (KCN) Trà Nóc 1 đã lấp đầy, KCN Trà Nóc 2 còn 10ha đất, giá thuê đất trung bình từ 40-60 USD/m2 trong suốt dòng đời dự án (37 năm); các KCN mới, giá thuê đất trên 70USD/m2. KCN Hưng Phú 1 hiện chỉ có 3ha đất sạch, KCN Hưng Phú 2A khoảng 5ha; KCN Thốt Nốt, nhà đầu tư đã đăng ký thuê 18ha, hiện nay có 6ha đang giải phóng mặt bằng và 12ha chuẩn bị giải phóng mặt bằng để có đất sạch giao cho nhà đầu tư sớm nhất.

Ông Võ Thành Sang, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ, cho biết: “Hiện tại, thành phố đang chỉ đạo các ngành nghiên cứu, tham mưu cho UBND thành phố ban hành chính sách thu hút, hỗ trợ đầu tư trên địa bàn, cam kết sẽ hỗ trợ tốt nhất cho nhà đầu tư trong khuôn khổ pháp luật cho phép và khả năng cân đối nguồn lực của thành phố”. Trong đó, tập trung cải cách thủ tục hành chính lĩnh vực đăng ký kinh doanh, đăng ký đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư... Theo ông Sang, thành phố cũng đặc biệt quan tâm hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi các nhà đầu tư thực hiện các dự án khuyến khích đầu tư, các dự án phục vụ nông nghiệp trên địa bàn huyện, các dự án tham gia xây dựng nông thôn mới.

Bài, ảnh: Minh Huyền

Chia sẻ bài viết