05/04/2014 - 20:33

Tìm hiểu về nhóm máu hiếm Rh (-)

Thống kê ở Việt Nam, tỷ lệ người có nhóm máu hiếm Rh (-) rất thấp, khoảng 0,04-0,07% (nghĩa là trong 10.000 người mới có 4-7 người có Rh (-) thuộc 4 nhóm A, B, AB, O). Chính vì vậy, những người có nhóm máu hiếm này nếu chẳng may gặp tai nạn gây mất máu nhiều, hoặc phẫu thuật cấp cứu cần truyền máu mà không có sẵn nhóm máu hiếm để truyền tiếp thì sẽ nguy hiểm tính mạng.

Vì sao xếp nhóm máu Rh (-) vào nhóm máu hiếm?

Theo Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, đến nay, các nhà khoa học đã phát hiện mỗi người có 30 hệ nhóm máu với khoảng 300 loại kháng nguyên khác nhau, đó là hệ ABO, hệ Rh, hệ Kell, hệ Kidd, hệ Lewis… nhưng quan trọng nhất là 2 hệ nhóm máu ABO và hệ Rh. Mỗi hệ nhóm máu có các nhóm máu khác nhau do sự có mặt hay không có mặt của kháng nguyên trên bề mặt hồng cầu và kháng thể trong huyết thanh người đó. Ví dụ: hệ ABO có 4 nhóm máu: A, B, AB và O; hệ Rh có 2 nhóm máu là Rh (+) và Rh (-). Ở Việt Nam, có tới 99,96% số người thuộc nhóm máu Rh(+) (hoặc O+, B+, A+ hoặc AB+, xếp theo tỷ lệ giảm dần) nhưng chỉ có 0,04% - 0,07% số người thuộc nhóm máu Rh(-) (hoặc O-, B-, A-, AB-). Dấu (+) và dấu (-) cho biết bề mặt hồng cầu của người đó có hay không có kháng nguyên D của Rh.

 Đơn vị máu hiếm Rh (-) tiếp nhận tại Bệnh viện Huyết học - Truyền máu Cần Thơ.

Theo quy định của Hiệp hội Truyền máu quốc tế, nhóm máu có tỷ lệ dưới 0,1% trong cộng đồng gọi là nhóm máu hiếm và dưới 0,01% gọi là nhóm máu rất hiếm. Như vậy, những người có nhóm máu Rh (-) ở nước ta được xếp vào nhóm máu hiếm.

Truyền máu hiếm gặp khó khăn

Theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Huỳnh, Giám đốc Bệnh viện Huyết học - Truyền máu Cần Thơ, nhóm máu hiếm chỉ là một đặc tính di truyền, không gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người, những người có nhóm máu hiếm Rh (-) vẫn có thể cho máu truyền cho người có Rh (+). Tuy nhiên, việc truyền máu cho người có nhóm máu Rh (-) thường khó khăn, vì trong quá trình truyền máu, nếu truyền máu Rh (+), cơ thể họ sẽ sinh ra kháng thể chống lại Rh (+), đặc biệt khi truyền máu Rh (+) lần thứ hai, kháng thể này ngày càng nhiều sẽ gây ra các tai biến truyền máu nguy hiểm cho tính mạng. Do vậy, người có nhóm máu hiếm Rh (-) nếu gặp tình trạng nguy cấp cần truyền máu thì không thể nhận máu của người nhóm Rh (+) (trừ lần đầu tiên) mà phải nhận của người Rh (-). Riêng đối với phụ nữ mang thai có nhóm máu Rh (-), bắt buộc phải tìm nhóm máu Rh (-) để truyền, nếu không cũng sẽ xuất hiện miễn dịch chống lại nhóm máu Rh (+). Trường hợp phụ nữ có nhóm máu Rh (-), lấy chồng có nhóm máu Rh (+), khi mang thai, theo quy luật di truyền, phần lớn trẻ sẽ mang tính trội, có nhóm máu Rh (+) giống cha, từ lần mang thai thứ hai trở đi, nếu không theo dõi dự phòng có thể xảy ra sự cố do bất đồng nhóm máu giữa mẹ và con, hậu quả có thể gây sẩy thai, thai chết lưu.

Hiện ngân hàng máu của Bệnh viện Huyết học - Truyền máu Cần Thơ có lưu trữ nhóm máu hiếm Rh (-) trong quá trình lấy máu của những người hiến máu tình nguyện có Rh (-) nhưng số lượng này không nhiều, việc lưu trữ bảo quản máu hiếm trong thời gian tối đa 35 - 42 ngày, khi cơ sở điều trị có nhu cầu sử dụng sẽ ưu tiên xuất liền. Trường hợp không có máu hiếm dự trữ trong kho, bệnh viện sẽ mời gọi trong danh sách người hiến máu tình nguyện có nhóm máu hiếm đã sàng lọc, phát hiện thời gian qua. Danh sách này được lập và cập nhật từ năm 2010 đến nay gồm 194 người có nhóm máu hiếm, chủ yếu ở TP Cần Thơ (87 người) và một số ở các tỉnh, thành khác trong khu vực ĐBSCL. Bác sĩ Nguyễn Ngọc Huỳnh khuyên: “Do chiếm tỷ lệ rất thấp trong cộng đồng, vì vậy, những người có nhóm máu Rh (-) nên tham gia sinh hoạt trong các Câu lạc bộ Hiến máu tình nguyện hoặc các Câu lạc bộ nhóm máu hiếm để dễ dàng liên lạc, chia sẻ thông tin, giúp đỡ hoặc hỗ trợ lẫn nhau trong những trường hợp cần truyền máu”.

Năm 2012, Ban chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện TP Cần Thơ đã thành lập “Câu lạc bộ máu hiếm”, tập hợp 43 thành viên, có sự giúp đỡ chuyên môn của Bệnh viện Huyết học - Truyền máu Cần Thơ. Câu lạc bộ gồm những người có nhóm máu hiếm Rh (-), không phân biệt giới tính, thành phần kinh tế - xã hội, dân tộc, tôn giáo, vùng miền, sẵn sàng hỗ trợ nhau khi cần máu điều trị. Đây cũng là nơi để các thành viên giao lưu, chia sẻ, trao đổi kiến thức chăm sóc sức khỏe về nhóm máu hiếm và hoạt động hiến máu.

Bệnh viện Huyết học - Truyền máu Cần Thơ thực hiện xét nghiệm miễn phí cho gia đình, người thân (cha, mẹ, anh chị, em và con ruột) của tình nguyện viên Câu lạc bộ máu hiếm về nhóm máu Rh (-) nhằm phát hiện thêm những người có nhóm máu hiếm trong cộng đồng. Trường hợp cần giúp đỡ về máu hiếm, có thể liên hệ số điện thoại 0710 3 814 981, Khoa Dược bệnh viện làm việc 24/24 giờ để tiếp nhận mọi thông tin từ các cơ sở y tế, bệnh nhân cần truyền máu cấp cứu, trong đó, có nhóm máu hiếm Rh (-).

Bài, ảnh: NGUYỆT HƯƠNG

Chia sẻ bài viết