14/11/2020 - 14:32

Tiểu đường - “bom hẹn giờ” của vùng châu Phi cận Sahara 

Ước tính cho thấy trong năm 2019 có khoảng 436 triệu người mắc bệnh tiểu đường trên toàn thế giới với 4,2 triệu ca tử vong. Khoảng 19 triệu người trong số đó sống ở khu vực châu Phi cận Sahara.

Người dân châu Phi lấy mẫu máu xét nghiệm tiểu đường. Ảnh: Afric

Con số trên dự kiến sẽ tăng theo cấp số nhân trong vòng 25 năm tới. Trong đó, số người mắc tiểu đường ở vùng châu Phi cận Sahara được dự báo sẽ tăng hơn gấp đôi, lên tới 45 triệu người vào năm 2045.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do số người bị tiền tiểu đường cao. Năm 2019, khoảng 45 triệu người châu Phi trong độ tuổi từ 20-79 bị rối loạn dung nạp glucose, một dạng tiền tiểu đường. Nghiên cứu về Gánh nặng Bệnh tật Toàn cầu mới đây ước tính, số ca tử vong do tiểu đường xếp thứ 5 trong số các ca tử vong do các bệnh không lây nhiễm trong khu vực, gồm đột quỵ, thiếu máu cục bộ cơ tim, dị tật bẩm sinh và bệnh gan mãn tính.

Chính sự gia tăng nhanh chóng của bệnh tiểu đường đã gây ra hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe và kinh tế cho vùng châu Phi cận Sahara. Ước tính, 33% trong số những người có sức khỏe kém tại khu vực năm 2019 là do các bệnh không lây nhiễm, chẳng hạn như tiểu đường, tăng mạnh so với mức 18% vào năm 1990, trong khi tỷ lệ chết sớm vì tiểu đường và các bệnh không lây nhiễm khác tăng hơn 68% trong giai đoạn 1990-2019.

Ngoài ra, tiểu đường có thể dẫn đến tử vong và các biến chứng đe dọa đến tính mạng, như gây tổn thương tim, mạch máu, mắt, thận và thần kinh, từ đó có thể dẫn đến bệnh tim, đột quỵ, mù lòa, suy thận và đoạn chi. Nghiên cứu cho thấy những người mắc tiểu đường có nguy cơ bị bệnh tim và đột quỵ cao gấp 3 lần so với người không mắc tiểu đường.

Tiểu đường cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm như viêm phổi, lao. Ðặc biệt, nghiên cứu phát hiện những người mắc tiểu đường không may nhiễm COVID-19 thì bệnh tình sẽ rất nghiêm trọng, thời gian nằm viện kéo dài và có nguy cơ tử vong cao hơn so với người bình thường. Theo Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới tại châu Phi, hơn 18% trường hợp tử vong do COVID-19 ở lục địa đen từng mắc bệnh tiểu đường.

Hiện các nước vùng châu Phi cận Sahara đang phải đối mặt với nhiều thử thách trong việc ngăn chặn bệnh tiểu đường, trong bối cảnh hầu hết hệ thống y tế các quốc gia trong khu vực đang phải gồng mình chống chọi với các bệnh truyền nhiễm. Các nước trong khu vực nghèo khó này đều thiếu kinh phí điều trị các bệnh không lây nhiễm, thiếu nghiên cứu và hướng dẫn cụ thể cho người dân, thiếu thuốc; tồn tại sự khác biệt giữa bệnh nhân thành thị và nông thôn cũng như sự bất bình đẳng giữa chăm sóc sức khỏe khu vực công và tư. Do đó, bệnh tiểu đường có tác động đáng kể đến sự suy giảm sức khỏe ở vùng châu Phi cận Sahara hơn bất kỳ khu vực nào khác trên thế giới.

Theo thống kê của Liên đoàn Ðái tháo đường Quốc tế, tổng chi phí điều trị bệnh tiểu đường ở vùng châu Phi cận Sahara năm 2019 là 9,5 tỉ USD và con số này sẽ tăng lên 17,4 tỉ USD vào năm 2045. Sự gia tăng của bệnh tiểu đường trong khu vực một phần là do béo phì, thói quen ăn uống kém cũng như thiếu hoạt động thể chất. Vì vậy, để ngăn ngừa tiểu đường, người dân được khuyến khích ăn uống lành mạnh, tăng cường hoạt động thể chất và tránh tăng cân quá mức.

Trước ngày Đái tháo đường Thế giới (14-11), một nhóm gồm 44 chuyên gia hàng đầu thế giới trong báo cáo đăng tải trên tạp chí Lancet cho biết, việc thiếu các biện pháp can thiệp bệnh tiểu đường đang khiến “hàng ngàn người bỏ mạng có thể tránh khỏi trên toàn cầu mỗi ngày”. Giáo sư Juliana Chan, tác giả chính của báo cáo, nhấn mạnh “thách thức toàn cầu của bệnh tiểu đường hiện vượt qua thách thức trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội và công nghệ”.

TRÍ VĂN (Theo The Conversation, Express & Star)

Chia sẻ bài viết