22/06/2024 - 14:38

Tiếp thêm động lực cho hoạt động đổi mới sáng tạo 

Việt Nam được đánh giá là 1 trong 7 quốc gia có thu nhập trung bình đạt nhiều tiến bộ nhất về đổi mới sáng tạo trong thập kỷ qua. Trong Báo cáo chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu 2023, Việt Nam tăng 2 bậc lên vị trí thứ 46/132 quốc gia và nền kinh tế. Các tổ chức quốc tế nhận định, Việt Nam có tiềm năng như một trung tâm công nghệ đang lên, thu hút sự chú ý và đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài. Ðây còn là động lực quan trọng để thúc đẩy tiến trình đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số và thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia.

Thị trường chứng khoán Việt Nam ngày càng hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài với các thương vụ M&A. Ảnh: AI

Chuyển biến tích cực

Việt Nam đạt mức tăng trưởng kinh tế số cao nhất Ðông Nam Á trong 2 năm liên tiếp 2022-2023, với mức tăng lần lượt là 19% và 20% (giá trị kinh tế số đạt 25 tỉ USD và 30 tỉ USD; cao hơn Malaysia, Philippines và Singapore). Theo báo cáo của Google, nền kinh tế số Việt Nam dự kiến tăng trưởng 20%/năm trong giai đoạn 2023-2025 và đang trên đà đạt 43 tỉ USD vào năm 2025. Báo cáo Ðầu tư công nghệ và Ðổi mới sáng tạo năm 2024 do Trung tâm Ðổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) phối hợp Quỹ đầu tư Do Ventures công bố ghi nhận, nền kinh tế số của Việt Nam có sự tăng trưởng nhanh là nhờ vào các yếu tố như: tỷ lệ sử dụng Internet cao (hơn 78,4 triệu người dùng Internet), các chính sách ưu đãi của Chính phủ và hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển mạnh mẽ.

Còn theo Báo cáo chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu 2023, Việt Nam xếp hạng 46 Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu 2023, tăng 2 bậc so với năm 2022; là 1 trong 3 quốc gia có thành tích vượt trội so với mức độ phát triển trong 13 năm liên tiếp; trong tốp 10 quốc gia dẫn đầu về lượt tải mới ứng dụng di động trong 2 năm liên tiếp… Việt Nam có tốc độ tăng trưởng thanh toán kỹ thuật số cao nhất Ðông Nam Á năm 2023, với mức tăng 19% so với năm 2022, giá trị thanh toán đạt được là 126 tỉ USD. Năm 2023, có 42% dân số sử dụng thanh toán điện tử và 40,4% dân số mua hàng online...

Theo Báo cáo Ðầu tư công nghệ và Ðổi mới sáng tạo năm 2024, tổng vốn đầu tư vào các công ty khởi nghiệp Việt Nam đạt 529 triệu USD, giảm 17% so với năm 2022 (đạt 634 triệu USD), với 122 thương vụ, thấp hơn mức kỷ lục của năm 2021 (165 thương vụ, giá trị trên 1,44 tỉ USD). Tuy nhiên, hoạt động đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam vẫn sôi nổi trong năm 2023, số lượng thương vụ đầu tư vào các công ty công nghệ là 63 thương vụ (trong tổng số 112 thương vụ đầu tư vào hệ sinh thái khởi nghiệp), giá trị 219 triệu USD. Dù đầu tư mạo hiểm giảm 17% so với năm 2022, nhưng các nhà đầu tư vẫn giữ góc nhìn lạc quan đối với các thương vụ giai đoạn đầu và tin tưởng vào năng lực vượt trội của các nhà khởi nghiệp ở giai đoạn thử thách.

Trong các lĩnh vực được rót vốn đầu tư khởi nghiệp năm 2023, y tế đạt cao kỷ lục với 184 triệu USD, tăng 391% so năm 2022 trở thành lĩnh vực được đầu tư nhiều nhất. Giáo dục cũng ghi nhận mức tăng 107% so năm trước, với 67 triệu USD. Kế đến là lĩnh vực nhân sự (10 triệu USD), du lịch/khách sạn cũng chứng kiến mức đầu tư tăng mạnh so với năm trước, với mức 3 triệu USD (năm 2022 chỉ 0,2 triệu USD)… Cả năm 2023 có 100 nhà đầu tư rót vốn vào thị trường công nghệ của Việt Nam, Singapore là quốc gia dẫn đầu tích cực nhất. Những khoản đầu tư này đóng vai trò quan trọng hỗ trợ các công ty khởi nghiệp, thúc đẩy sự phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp tại Việt Nam. Ðồng thời là tiền đề quan trọng để thúc đẩy kinh tế số, chuyển đổi số quốc gia.

Cần lực đẩy mạnh hơn

Bên cạnh rót vốn vào thị trường công nghệ của Việt Nam, các nhà đầu tư nước ngoài cũng tích cực với các thương vụ M&A (mua bán và sáp nhập) ở các lĩnh vực then chốt của Việt Nam. Các nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc và Thái Lan có sự quan tâm nhiều nhất với M&A và nhận định đây là thị trường bàn đạp để tiến vào thị trường 680 triệu dân Ðông Nam Á. Các nhà đầu tư Nhật Bản quan tâm đến dịch vụ ngân hàng với tham vọng tăng số lượng người dân tiếp cận dịch vụ ngân hàng và đưa Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn, lâu dài với các tổ chức tài chính Nhật Bản. Với nhà đầu tư Hàn Quốc, các thương vụ M&A lớn tập trung vào chứng khoán, hiện có khoảng 8 công ty chứng khoán được Hàn Quốc hậu thuẫn, sau khi sáp nhập đã nhanh chóng tăng vốn, mở rộng chi nhánh và cho ra mắt các sản phẩm có tính công nghệ, góp phần đổi mới ngành chứng khoán Việt Nam. Các nhà đầu tư Thái Lan đặc biệt quan tâm đến các thương vụ M&A bán lẻ và tiêu dùng, với các thương vụ hàng tỉ USD…

Ngoài các nhà đầu tư nước ngoài, các tập đoàn trong nước cũng tham gia vào các M&A trong lĩnh vực công nghệ, với nhiều thương vụ chiến lược giúp nâng cao năng lực công nghệ và mở rộng thị trường. Theo nhận định của các chuyên gia, triển vọng của nền kinh tế Việt Nam đang có nhiều hấp lực cho các nhà đầu tư nước ngoài, với sự phát triển nhanh chóng về cơ sở hạ tầng, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng lũy tiến qua từng năm, Việt Nam hiện có 15 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đang có hiệu lực… là nền tảng để thúc đẩy phát triển.

Thị trường chứng khoán Việt Nam ngày càng hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài với các thương vụ M&A. Ảnh: AI

Mục tiêu phát triển của Việt Nam đến năm 2030, tỷ trọng kinh tế số chiếm 30% GDP và tổng giá trị nền kinh tế số đạt 200 tỉ USD. Mặt khác, Việt Nam và Hoa Kỳ nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2023 cũng đánh dấu cột mốc quan trọng để thúc đẩy dòng vốn đầu tư từ quốc gia này và có thể tác động thu hút vốn đầu tư từ các quốc gia khác đến Việt Nam. Trong quan hệ đối tác chiến lược toàn diện này, Việt Nam và Hoa Kỳ xác định hợp tác trong lĩnh vực kỹ thuật số, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là bước đột phá. Theo đó, triển vọng M&A trong lĩnh vực công nghệ có thể gia tăng từ cam kết này và cũng mở ra triển vọng phát triển lực lượng lao động công nghệ cao…

Các chuyên gia cho rằng, đổi mới sáng tạo là nền tảng để thúc đẩy phát triển công nghệ và sau đó là thúc đẩy kinh tế số, chuyển đổi số. Muốn hiện thực các mục tiêu này, Việt Nam cần hoàn thiện thể chế để thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Thời gian qua, Trung ương đã có nhiều quyết sách quan trọng để thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia cũng được mở rộng không gian cho các nhà đầu tư công nghệ. Các nghị quyết về thí điểm cơ chế đặc thù của Quốc hội cho các địa phương như TP Hồ Chí Minh, Ðà Nẵng, Hà Nội… đều đề cập đến hoạt động đổi mới sáng tạo; hay Quyết định số 29/2021/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về ưu đãi đầu tư đặc biệt liên quan đến đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp… là nền tảng thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Song, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần cú huých mạnh hơn.

Theo chuyên gia cao cấp khu vực tư nhân (Ngân hàng Thế giới) Ðặng Quang Vinh, hỗ trợ tài chính Nhà nước cho đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp không phải lúc nào cũng được đối tượng thụ hưởng biết đến. Trong số các doanh nghiệp tham gia khảo sát khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năm 2023 của Ngân hàng Thế giới, chỉ có 2% cho biết được Nhà nước hỗ trợ về tài chính, tài trợ hoặc cho vay những giai đoạn đầu; trong khi đến 69% doanh nghiệp cho biết khó tiếp cận tài chính trong quá trình phát triển, 37% gặp khó trong tiếp cận thị trường… Vốn đầu tư mạo hiểm dù tăng trong 5 năm qua, là minh chứng cho thấy tiềm năng phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, nhưng quy mô chung thị trường vẫn thấp hơn Singapore, Indonesia. Bên cạnh đó, chi phí tuân thủ pháp luật, các quy định còn cao, làm tăng chi phí đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp của doanh nghiệp. Vậy nên, các chương trình, chính sách khuyến khích đổi mới sáng tạo cần thực chất, giảm bớt các rào cản cho doanh nghiệp; hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước có tiềm lực cao, nhất là các doanh nghiệp công nghệ để thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

GIA BẢO

 

Chia sẻ bài viết