04/07/2025 - 08:41

Chuyển đổi số: Cầu nối sống còn giữa tỉnh và xã trong mô hình mới 

Tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2025 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số (BCÐ), Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh chuyển đổi số (CÐS) chính là hệ thần kinh trung ương, là cầu nối sống còn giữa tỉnh và xã trong mô hình mới. Người đứng đầu các bộ, ban, ngành và địa phương phải tiếp tục nâng cao tinh thần trách nhiệm, quyết tâm chính trị cao, kiên quyết, kiên trì, kiên định làm bằng được để củng cố niềm tin của toàn xã hội.

Ðội hình “Bình dân học vụ số” do Thành đoàn Cần Thơ thành lập, huy động lực lượng thanh niên tình nguyện tuyên truyền và hướng dẫn người dân CÐS trong Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè năm 2025.

Nhiều kết quả nổi bật

Theo đồng chí Phạm Gia Túc, Phó chánh Văn phòng Trung ương Ðảng, Ủy viên Thường trực BCÐ, đất nước đang tập trung triển khai việc sắp xếp tổ chức bộ máy, giảm từ 63 tỉnh, thành còn 34 tỉnh, thành, đồng thời bỏ cấp huyện, tổ chức lại hệ thống chính trị. Trong bối cảnh đó, CÐS không chỉ là công cụ để hiện đại hóa quản lý nhà nước, mà còn có vai trò quan trọng trong kết nối trực tiếp giữa cấp tỉnh với cấp xã. Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22-12-2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và CÐS quốc gia (NQ57) đã xác định rõ vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ về CÐS.

BCÐ đánh giá, qua 6 tháng triển khai thực hiện NQ57, đạt được nhiều kết quả nổi bật trên các phương diện: thể chế, chính sách, xây dựng hạ tầng số và phát triển dữ liệu. Theo đó, Quốc hội đã thông qua Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; Luật Công nghiệp công nghệ số. Chính phủ cũng đã ban hành 16 nghị định và 1 nghị quyết nhằm tập trung tháo gỡ những rào cản về thể chế liên quan đến lĩnh vực công nghệ chiến lược như trí tuệ nhân tạo, bán dẫn, dữ liệu lớn.

Ðồng chí Phạm Gia Túc cho biết: “Hệ sinh thái khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Hiện cả nước có 858 doanh nghiệp khoa học công nghệ, 45 doanh nghiệp công nghệ cao và trên 73.000 doanh nghiệp công nghệ số đang hoạt động. Chính phủ đã ban hành danh mục 11 nhóm công nghệ chiến lược, tập trung vào các lĩnh vực mũi nhọn, có tác động lan tỏa lớn như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (A.I), Internet vạn vật (IoT), vật liệu mới. Bộ Khoa học và Công nghệ thu hút, tập hợp 277 chuyên gia tham gia các chương trình trọng điểm về trí tuệ nhân tạo”.

BCÐ đã đưa vào vận hành Hệ thống giám sát, đánh giá việc thực hiện NQ57, giúp theo dõi tiến độ, kết quả thực hiện trực tuyến. Ðến nay, cả nước đã có 12.016 trạm 5G được triển khai, phủ sóng hơn 26% dân số, hướng tới mục tiêu 90% dân số được tiếp cận 5G vào cuối năm 2025. Nhiều mô hình mới, cách làm sáng tạo đang được hình thành, từng bước thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Trước khi hợp nhất, TP Cần Thơ và 2 tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng đã xây dựng nhiều nền tảng số phục vụ nội bộ cơ quan nhà nước, như: nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu (LGSP); kho dữ liệu dùng chung; nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung; hệ thống quản lý văn bản và điều hành; nền tảng số hóa dữ liệu các ngành, lĩnh vực: đất đai, tài chính, tư pháp, hộ tịch, y tế, giáo dục, nông nghiệp… Ðây là những nền tảng số quan trọng góp phần kết nối giữa chính quyền cấp tỉnh và cấp xã sau hợp nhất, đảm bảo việc vận hành chính quyền 2 cấp thông suốt và hiệu quả.

Ưu tiên các nhiệm vụ có tính đột phá, lan tỏa

Bên cạnh kết quả nổi bật, việc triển khai NQ57 vẫn còn những tồn tại, hạn chế: thể chế, chính sách trên nhiều lĩnh vực chưa đồng bộ; hạ tầng số và dữ liệu quốc gia còn phân tán; việc kết nối, chia sẻ dữ liệu còn hạn chế; nguồn nhân lực chất lượng cao còn thiếu hụt, nhất là trong các ngành công nghệ mũi nhọn…

Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý các bộ, ngành, địa phương ưu tiên tập trung hoàn thiện hạ tầng viễn thông, điện bởi vẫn còn tình trạng “điểm lõm sóng, thiếu điện” ở một số địa bàn vùng sâu, vùng xa, ảnh hưởng trực tiếp đến việc triển khai CÐS. Ðẩy mạnh phong trào “Bình dân học vụ số”, huy động lực lượng học sinh, sinh viên ngay trong dịp hè này tổ chức hướng dẫn người dân tiếp cận nền tảng số. Bên cạnh quan tâm đào tạo nguồn nhân lực số, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan nghiên cứu chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực khoa học công nghệ.

Phát biểu tại hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu các bộ, ban, ngành và các địa phương đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin; tái cấu trúc quy trình thủ tục hành chính, tái sử dụng thông tin, dữ liệu để cung cấp dịch vụ công trực tuyến thuận tiện cho người dân, doanh nghiệp, phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng, an ninh. Tiếp tục triển khai hạ tầng số, phủ sóng 5G toàn quốc gắn với việc thúc đẩy triển khai Internet vệ tinh; khẩn trương khắc phục tình trạng thôn, bản lõm sóng, thiếu điện; bảo đảm nguồn năng lượng điện ổn định, đáp ứng yêu cầu cho CÐS quốc gia.

Tổng Bí thư chỉ rõ, khẩn trương xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách thu hút nguồn nhân lực, nhân tài khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, CÐS trong và ngoài nước, nhất là nhân lực chất lượng cao trong các ngành công nghệ mũi nhọn. CÐS chính là hệ thần kinh trung ương, là cầu nối sống còn giữa tỉnh và xã trong mô hình mới, phải trở thành bộ não dữ liệu để tổng hợp, phân tích cảnh báo sớm tình hình, không để xảy ra vùng trũng thông tin. Không có CÐS thì mô hình hành chính 2 cấp sẽ không thể hoàn thành một cách có hiệu quả. Vì vậy, các bộ, ngành, địa phương cần nghiêm túc thực hiện các nhiệm vụ CÐS từ ngày 1-7 đến tháng 12-2025 đảm bảo tiến độ đề ra.

Bài, ảnh: QUỐC THÁI

Chia sẻ bài viết