Truyện ngắn: Nhật Hồng
Khi nghe tin tôi đủ điểm vào đại học, ba má tôi vừa mừng vừa lo, bởi gia cảnh khó khăn. Nhưng ba má nói: Nhất định con phải đi học. Mọi chuyện đã có ba má.
Tôi quảy gói ra thành phố đến nhà người quen của ba, gọi là cậu Năm. Cậu Năm vui vẻ dẫn tôi trèo lên cái thang bằng gỗ tạp 12 nấc, bên trên là căn gác xép, có một tủ nhỏ bằng ván ép, cái bàn thấp, khi dùng phải ngồi xếp bằng như người Nhật, một tấm cao su dày thay cho bộ ván ngủ. Cậu nói vui: "Mùa nắng, ban ngày hơi nóng, nửa đêm thì lạnh, dễ ngủ. Cậu thường lên đây ngủ, ban đêm mở toang cửa sổ thấy đèn phố và trăng sao".
Nhà của cậu Năm không đầy trăm mét vuông, bên dưới cậu ngăn phòng cho sinh viên trọ kiếm tiền thêm, vì nghề xe lôi bị cấm, cậu chuyển qua xe ôm. Cậu chạy chở mối quen buổi sáng sớm và chiều tối, còn trưa đi làm cho nhà hàng. Có 4 sinh viên trọ nhà cậu Năm, 3 nữ- 1 nam đều đến trước tôi. Việc đầu tiên của tôi là cố làm quen với tiếng kèn kẹt theo mỗi khi trèo lên thang gác.
Cậu Năm thương tôi như người thân. Thấy tôi ăn uống khắc khổ, cậu cho thêm đồ ăn mỗi bữa cơm. Tôi dè sẻn tiền chợ, mỗi tuần chỉ đến chợ mua thức ăn một- hai lần, mà vẫn thấy những đồng tiền má gởi lên sao cứ cạn nhanh. Bữa ăn chiều tôi chỉ qua loa, chú trọng cho bữa trưa, nên đêm bụng đói cồn cào chập chờn theo giấc ngủ.
Vậy mà cứ nửa đêm tiếng gõ rao hủ tiếu lại đi ngang qua nhà, thanh âm như xoáy vào bao tử rỗng của tôi. Nhắm mắt nhưng tôi vẫn hình dung được tô hủ tiếu bốc khói thơm lừng và ông lão còm lưng đạp xe mà miệng vẫn vui những bài bolero tình tứ. Xe hủ tiếu thường dừng lại bên kia đường, nơi mấy nữ sinh ở trọ túm tụm quanh băng đá ăn khuya. Tiếng gõ hủ tiếu cũng đọng lại nơi đó, khiến tôi thèm thuồng không ngủ.
Những bữa thức học bài khuya, cậu Năm kéo tay tôi nói: "Con xuống ăn với cậu đi. Mình cậu ăn không vui". Ba lần bảy lượt tôi mới dám ăn với cậu một lần, vừa nghe cậu Năm và ông lão bán hủ tiếu kể chuyện mối tình đầu thời trai trẻ. Biết cậu Năm tốt bụng, muốn tôi được no lòng những ngày học thi, nhưng tôi đâu thể lợi dụng lòng tốt của cậu mãi. Nên những lần sau cậu rủ ăn hủ tiếu đêm, tôi tìm cách từ chối. Tôi sợ mình ăn riết đâm ghiền.
Cậu Năm chừng cũng hiểu được ý tôi, nên không rủ nữa. Chỉ là một hôm cậu nhờ tôi chạy dùm mấy cuốc xe sáng và chiều tối, tiền công cứ lấy chi xài, bởi giờ cậu nhận thêm việc chạy hàng ở chợ đầu mối nông sản. Tôi nhận việc xe ôm nhưng tiền công thì đưa về, cậu không lấy tôi nhét đại vào túi áo cậu. Cậu biết được rầy tôi, nói đó là tiền từ lao động của tôi, phải biết trân trọng công sức của mình. Tôi biết cậu tạo điều kiện cho tôi làm thêm, đành thuyết phục cậu rằng tôi lấy một phần tiền công, gởi lại tiền xăng và tiền hao hụt chiếc xe. Cậu Năm đồng ý.
Qua năm thứ hai, tôi có nhiều mối xe sáng và tối. Tiền kiếm được tôi dành hết trang trải học phí và sách vở. Vẫn quyết không tập thói quen ăn đêm, bởi tôi sợ một ngày công việc tạm thời không còn nữa. Tiếng hủ tiếu gõ đêm đêm cứ vang, tôi quen thuộc từng âm thanh. Lúc ông lão bán hủ tiếu có chuyện vui, tiếng gõ hơi dồn đập, khi buồn, ông gõ lơi, kéo dài.
Hình như trong các sinh viên ở trọ nhà cậu Năm có người tốt nghiệp chuyển đi, có người mới đến. Tôi không rõ cho đến một hôm tôi vừa leo lên gác có giọng con gái hỏi: "Anh ơi, cầu dao điện phòng em nẹt lửa, mà ông chủ không có nhà, nhờ anh coi giùm em được không?". Tôi nhìn cô gái còn nguyên bộ quần áo chân quê, giọng nói dịu dàng và đôi mắt rất đẹp, rồi bước xuống sửa ổ điện trong phòng em. Tôi còn dặn dò: "Em không nên cắm nhiều thiết bị cùng lúc vào ổ điện, nên phân tán để tránh quá tải". Em dạ rất khẽ kèm theo lời cám ơn. Đêm ấy, khi tôi hoàn thành cuốc xe cuối cùng, trở về chỗ trọ thì em chờ sẵn mời tôi đi ăn hủ tiếu. Tôi nhìn đôi mắt chân thành của em, đành nhận lời, khi tiếng gõ hủ tiếu vừa lúc ngang qua.
Trong lúc tôi bối rối vì chưa quen thân, thì em tự giới thiệu tên Hà, tíu tít kể chuyện quê nhà. Tôi lén trả tiền cho ông lão bán hủ tiếu. Hà không ngăn kịp, đôi chân mày em nhíu lại nói: Em mời anh mà, anh làm vậy em giận đó! Tôi cười: Em mới lên thành phố học, còn nhiều dịp cho em trả.
Sau đó, tôi và em lại bận rộn với việc học hành, làm thêm. Đến mấy tháng sau, tình cờ gặp mặt, Hà hỏi tôi khi nào em có thể mời anh, ông lão hủ tiếu ngày nào cũng gõ ngang nhà. Tôi cười, tránh ánh mắt em. Vậy mà nửa đêm hôm đó, khi tiếng gõ hủ tiếu lại vang lên, tôi bật dậy, trèo xuống thang gác cọt kẹt, gõ cửa phòng Hà. Hà cười vui vì em có dịp trả tiền. Xe hủ tiếu dừng lại bên đường, mùi ngò quế thơm lừng, xen lẫn tiếng Hà kể chuyện trường lớp, chuyện nhờ cậu Năm giúp đỡ mà có được việc làm thêm sáng sớm ở chợ rau. Mấy tháng ở thành phố, Hà vẫn giản dị, chân thành, hiểu chuyện lại hay làm. Lòng tôi chợt xao xuyến.
Tôi trở về căn gác mà cứ trằn trọc mãi. Chập chờn ánh mắt và lời của Hà bên tai.
Hai năm sau đó, tôi và Hà vẫn giữ tình bạn. Thỉnh thoảng cùng nhau ăn tô hủ tiếu gõ giữa đêm se lạnh, đôi khi giúp nhau những việc vặt. Hoặc những ngày trời mưa gió, Hà âm thầm mua cái áo mưa mới đặt trên xe tôi, còn tôi tặng em cái áo khoác có nón trùm. Đôi khi bất chợt nhìn vào mắt em, tôi cũng cảm nhận những xốn xang giống tôi. Nhưng tôi không có can đảm tiến thêm bước nữa, phá vỡ sự bình lặng và trạng thái chia sẻ âm thầm này. Tôi biết mình còn nhiều lo lắng cho ba má và tương lai.
Tôi tốt nghiệp ra trường, Hà còn mấy năm, bữa chia tay, đôi mắt Hà ươn ướt làm lòng tôi thắt lại. Hà nói: "Nếu được chờ anh, em sẽ chờ. Mong chúng ta mình sẽ sớm gặp lại!".
Tôi ra trường, trải qua nhiều công ty để gầy dựng vị trí trưởng nhóm bán hàng cấp vùng. Tôi bôn ba khắp nơi, không có dịp gặp Hà. Một lần về lại nhà cậu Năm hỏi thăm em. Em còn trọ nhà cậu Năm dù đã ra trường và tìm được việc làm ổn định. Cậu Năm nói, Hà vẫn đi về một mình. Rồi kêu tôi chờ đến tối muộn sẽ gặp được Hà, vì em tan làm còn nhận thêm công việc quản lý quán ăn buổi tối. Tôi chợt thấy mình tệ bạc.
Tôi thẩn thơ trên căn gác cũ chờ Hà về. Tôi đoán em sẽ trách cứ, thậm chí nặng lời bởi sự cố tình vô tâm của tôi. Nhưng khi gặp, em vẫn nhìn tôi với đôi mắt ngày nào, em khẽ nói: "Anh ác lắm. Nhưng mà em đã chờ được anh".
Vừa lúc tiếng gõ hủ tiếu ngang qua nhà. Tôi nhớ cậu Năm kể ông lão bán hủ tiếu đã qua đời, con trai nối nghiệp ông. Tiếng gõ vẫn trầm đục nhưng thanh âm không còn mang theo vui buồn như xưa. Tôi chợt thấy mình may mắn quá đỗi vì Hà vẫn còn đây, chưa xảy ra cảnh vật đổi sao dời. Tôi nắm tay Hà: Anh sẽ không để em phải chờ đợi thêm.