08/05/2018 - 07:23

Tiền Trung Quốc phủ bóng bầu cử Malaysia 

Trong suốt 22 năm trong vai trò Thủ tướng Malaysia, thủ lĩnh đối lập Mahathir Mohamad đã đón chào hàng loạt khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ các nền kinh tế khu vực Đông Á như Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc, nhưng vì sao ông lại tỏ ra lo lắng về số tiền hàng tỉ USD mà Trung Quốc đang đổ vào nước này? Đó là câu hỏi mà đương kim Thủ tướng Najib Razak cùng những người ủng hộ đặt ra khi họ đang nỗ lực đánh bại đối thủ 92 tuổi trong cuộc tổng tuyển cử diễn ra vào ngày mai 9-5.

Thủ lĩnh đối lập Mahathir (trái) cùng những người ủng hộ. Ảnh: Xinhua
Thủ lĩnh đối lập Mahathir (trái) cùng những người ủng hộ. Ảnh: Xinhua

Thủ tướng Najib nhấn mạnh, việc hủy bỏ bất kỳ thỏa thuận nào liên quan đến Trung Quốc đều sẽ mang lại những tác động “sâu rộng” đối với nền kinh tế lớn thứ 3 Đông Nam Á. “Trung Quốc có thể trả đũa và ngừng mua dầu cọ, tổ yến của chúng ta cũng như ngưng đưa khách du lịch đến Sabah. Chúng ta phải duy trì quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc, Mỹ và các nước khác có lợi đối với chúng ta. Điều gì xảy ra nếu họ trở nên thù địch với chúng ta. Ai sẽ mang lại lợi ích cho chúng ta” - Thủ tướng Najib nói với những người ủng hộ.

Tuy nhiên, những người trong nhóm tranh cử của ông Mahathir nói rằng tuyên bố của Thủ tướng Najib là một sự ngụy biện, đồng thời chỉ rõ mối lo ngại của lãnh đạo của họ chỉ gói gọn trong một số dự án do Trung Quốc hậu thuẫn, trong đó có dự án phát triển thành phố rừng trị giá 100 tỉ USD ở bang Johor và dự án xây dựng đường sắt trị giá 13 tỉ USD nhằm kết nối bờ biển phía Đông Malaysia với Thủ đô Kuala Lumpur.

Ông Mahathir cho rằng thành phố rừng không có lợi cho người dân Malaysia. Theo ông, các căn hộ tại đây sẽ có giá ít nhất là 1 triệu ringgit (khoảng 250.000 USD), vượt quá tầm với của hầu hết người dân tại một đất nước nơi mà một nửa lực lượng lao động kiếm chưa được 2.000 ringgit/tháng. Trong khi đó, ông Mahathir tố mức đầu tư vào tuyến đường sắt dài 688km nói trên đã được thổi phồng và nó được trao cho Công ty xây dựng công trình giao thông Trung Quốc (CCCC) mà không thông qua đấu thầu.

Dẫn các rắc rối nợ nần hiện tại của Sri Lanka, nhóm tranh cử của ông Mahathir đặt ra nghi vấn liệu Malaysia có thể chịu được gánh nặng từ các khoản vay của Trung Quốc nếu các dự án trên thất bại hay không. Ông Mahathir cũng bày tỏ sự bất bình đối với các dự án bất động sản hạng sang do Bắc Kinh tài trợ mà ông cho rằng chủ yếu nhằm thu hút các nhà đầu tư bất động sản nước ngoài hơn là nhằm thúc đẩy nhu cầu nhà ở tại địa phương. Trong một tuyên bố với giới truyền thông quốc tế gần đây, vị thủ lĩnh đối lập này tuyên bố sẽ rà soát lại các dự án liên quan tới Trung Quốc nếu ông lên nắm quyền.

Dưới thời của Thủ tướng Najib, đầu tư của Trung Quốc vào Malaysia tăng vọt. Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Phát triển Singapore (DBS) mới đây, Singapore là nước có FDI vào Malaysia nhiều nhất trong năm 2017, tiếp theo là Hà Lan, Nhật Bản, Mỹ và Hồng Công. Trung Quốc xếp thứ 6 với 2,36 tỉ USD, chiếm 7,1% tổng FDI vào quốc gia Đông Nam Á này. Sự gia tăng FDI từ Trung Quốc cũng như các quốc gia khác vào Malaysia diễn ra trong bối cảnh ông Najib đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế từng phụ thuộc chủ yếu vào nguồn thu từ dầu mỏ, vốn chiếm tới 41% tổng thu nhập của chính phủ khi ông lên nắm quyền năm 2009 và hiện chỉ còn 14%.

TRÍ VĂN

Chia sẻ bài viết