11/05/2012 - 14:53

Tiện lợi và an toàn với "nhà thông minh"

Giao diện máy điều khiển các thiết bị trong nhà (trái) và bảng điều khiển hệ thống
đèn chiếu sáng.

Trong thời đại công nghệ tiên tiến hiện nay, việc sở hữu một ngôi nhà thông minh, mọi thứ đều được tự động hóa là điều hoàn toàn có thể. Hệ thống tự động hóa cho phép chúng ta điều khiển và kiểm soát ngôi nhà chỉ với một nút bấm, một câu lệnh hoặc một cái chạm nhẹ vào màn hình cảm ứng.

Tim Shriver rất thích nói về ngôi nhà của mình. “Bật đèn hành lang vào lúc 3 giờ chiều”, anh nói vào máy liên lạc nội bộ của ngôi nhà và lập tức nhận được phản hồi, trong đó, một giọng nữ xác nhận cô ta sẽ làm đúng như hướng dẫn. “Mở danh sách mua hàng của tôi và bổ sung táo, chuối và bánh mì”, Shriver tiếp tục và giọng nữ kia lại xác nhận cô sẽ cập nhật vào danh mục mua hàng. Là Tổng giám đốc điều hành của Home Automated Living – công ty chuyên cung cấp giải pháp về ngôi nhà và văn phòng thông minh có trụ sở ở bang Maryland (Mỹ), nên Shriver cũng sở hữu một ngôi nhà hoàn toàn tự động, nghĩa là hệ thống chiếu sáng, an ninh, điều nhiệt, dàn âm thanh và các chức năng gia đình khác đều được điều khiển bằng giọng nói hoặc chữ viết thông qua rất nhiều giao diện, bao gồm máy liên lạc nội bộ, các ứng dụng và phần mềm máy tính.

Trong một ngôi nhà thông minh, hệ thống tự động đóng một vai trò rất quan trọng. Nó đồng bộ hóa hàng loạt chức năng của ngôi nhà và kết nối chúng với một bộ điều khiển. Nhờ kết hợp chương trình máy tính với đường điện trong nhà, hệ thống tự động trở nên phức tạp hơn nhưng lại dễ dàng sử dụng và lắp đặt. Ngày nay, hệ thống tự động hóa có thể được lắp đặt quanh UPB – công nghệ truyền thông 2 chiều có tính ổn định cao, chi phí thấp cho phép điều khiển các thiết bị điện trong nhà thông qua các đường dây điện. Chúng cũng có thể được điều khiển không dây nhờ sử dụng tần số vô tuyến (RF) hoặc hồng ngoại (IF), hoặc có thể kết hợp cả hệ thống có dây và không dây.

Gia chủ có thể lắp đặt toàn bộ hệ thống hoặc mua từng thiết bị và kết nối chúng với các thiết bị điện như đèn chiếu sáng, hệ thống an ninh, máy điều nhiệt, hệ thống giải trí và mạng Internet, nhờ đó họ có thể kiểm soát tất cả hệ thống này từ một giao diện duy nhất. Sự thật là một khi người ta chấp nhận sử dụng một thiết bị điều khiển đơn giản, như với hệ thống chiếu sáng và cảnh báo, họ sẽ nhanh chóng bị hấp dẫn và nhận ra là cần thêm nhiều thiết bị thông minh khác.

Theo các chuyên gia, một ngôi nhà thông minh mang lại rất nhiều lợi ích, bao gồm:

- Tiết kiệm năng lượng đáng kể nhờ giúp gia chủ kiểm soát được hệ thống chiếu sáng và điều hòa không khí của ngôi nhà. Theo Shriver, CEO của Home Automated Living, các bảng điều khiển năng lượng sẽ hiển thị mức độ tiêu thụ điện năng và hướng dẫn họ cách thay đổi thói quen nhằm tiết kiệm điện.

- Tiện lợi hơn. Chỉ cần ấn nhẹ một cái nút, bạn có thể thực hiện một loạt động tác như tưới cây, thay đổi thời gian bơm nước hồ bơi hoặc điều chỉnh nhiệt độ của máy điều hòa. Các tùy chọn này có thể thực hiện một cách dễ dàng bằng bất kỳ chiếc máy tính nào có kết nối Internet.

- An ninh và an toàn. Ngôi nhà này sẽ bảo vệ an toàn cho cả gia đình bạn. Chẳng hạn, khi hệ thống cảnh báo khói (có cháy) bị hỏng, đèn trong nhà sẽ bật lên để mọi người biết và thoát ra ngoài. Bạn cũng có thể quan sát hoàn cảnh xung quanh nhà hoặc ở cửa trước từ bất kỳ chiếc tivi nào.

- Hệ thống giải trí thông minh cho phép bạn thưởng thức âm nhạc hoặc xem phim ở bất cứ nơi nào mà bạn thích.

- “Thân thiện” với người khuyết tật. Đối với những người bị hạn chế trong việc đi lại, họ có thể điều khiển mọi thứ từ màn cửa, đèn chiếu sáng, cửa ra vào, cửa sổ đến các thiết bị khác bằng một nút bấm hoặc câu lệnh.

Không còn là chuyện khoa học viễn tưởng, một ngôi nhà thông minh hoàn toàn tự động đã trở thành hiện thực đang ngày càng thu hút sự quan tâm của những gia chủ quá bận rộn, hay làm tăng ca hoặc đi công tác xa – những người muốn có một cách nào đó thật tiện lợi để họ giám sát mọi hoạt động của ngôi nhà mà không cần có mặt ở đó.

QUỐC NGHĨA (Theo TechNewsWorld)

Chia sẻ bài viết