24/11/2021 - 08:30

Tiêm vaccine hay là chết! 

Trong bối cảnh dân chúng biểu tình phản đối vaccine, các quốc gia châu Âu rục rịch áp đặt những quy định mới cũng như gây sức ép để người dân tiêm ngừa.

Điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Đức. Ảnh: AFP

“Cựu lục địa” lại trở thành tâm dịch khi chiếm hơn phân nửa số ca nhiễm trên toàn cầu trong tháng 11 này. Chính phủ các nước châu Âu đang siết quy định chống COVID-19 giữa lúc số ca nhiễm tăng cao với hơn 2 triệu ca mắc mới/tuần, cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát. Tuy nhiên, cuối tuần rồi, hàng chục ngàn người ở Áo, Hà Lan, Bỉ, Ðan Mạch, Ý, Thụy Sĩ và Croatia đã xuống đường phản đối yêu cầu tiêm vaccine. Cảnh sát buộc phải sử dụng hơi cay, vòi rồng để đẩy lùi những người biểu tình quá khích.

Trong ngày Áo bước vào đợt phong tỏa toàn quốc nhằm ngăn chặn làn sóng COVID-19 thứ tư, Bộ trưởng Y tế Ðức Jens Spahn cảnh báo vào cuối mùa đông sắp tới người dân nước này có thể “sẽ tiêm vaccine, bình phục hoặc chết”. “Miễn dịch sẽ đạt được nhưng bằng cách thông qua tiêm chủng hay lây nhiễm là một câu hỏi. Chúng tôi khuyến cáo nên chọn con đường tiêm chủng”, Bộ trưởng Spahn nói tại cuộc họp báo hôm 22-11. Ông nhấn mạnh với biến chủng dễ lây lan Delta, những người chưa tiêm vaccine nhiều khả năng sẽ mắc bệnh trong những tháng tới và một phần trong số đó sẽ tử vong. Ðức hôm 22-11 ghi nhận hơn 30.000 ca nhiễm mới và 309 người chết, nâng tổng số ca mắc và tử vong lên lần lượt là 5,4 triệu và 100.000 (vùng dịch lớn thứ 9 thế giới). Tỷ lệ mắc COVID-19 trong 7 ngày qua tại nước này là 386,5/100.000 dân, mức cao mới trong ngày thứ 15 liên tiếp.

Với tỷ lệ chủng ngừa thấp và mùa đông đang cận kề, ngày càng nhiều nước gióng hồi chuông báo động. Thủ tướng sắp mãn nhiệm của Ðức Angela Merkel cho rằng tình hình đang “rất nghiêm trọng” khi nước này hứng chịu làn sóng lây nhiễm tồi tệ nhất từ trước đến nay. Bà Merkel cảnh báo các bệnh viện sẽ sớm quá tải trừ phi đợt dịch thứ tư bị phá vỡ, đồng thời kêu gọi 16 bang của Ðức ban hành những hạn chế khắt khe hơn ngay trong tuần này để chặn đứng đà lây nhiễm bởi những biện pháp hiện hành là chưa đủ. Bộ trưởng Spahn khẳng định Chính phủ Ðức không loại trừ bất cứ biện pháp nào, kể cả tái áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc.

Ðẩy mạnh tiêm chủng

Khoảng 68% dân số Ðức và 66% dân số Áo đã được tiêm đủ liều vaccine, trong khi các bệnh viện hiện nay đầy rẫy những người chưa tiêm mũi nào. Ở giai đoạn đầu đại dịch, giới khoa học tin rằng 70-80% dân số được chủng ngừa có thể đủ để đạt “miễn dịch cộng đồng”. Tuy nhiên, virus lan rộng đến mức các chuyên gia cho rằng khó có thể chạm tới miễn dịch cộng đồng. Các biến thể mới đang trỗi dậy và một số người đã tiêm vaccine vẫn bị nhiễm bệnh, được gọi là những ca nhiễm đột phá.

Lothar Wieler, người đứng đầu Viện Robert Koch của Ðức, cho rằng bắt buộc tiêm vaccine là “biện pháp cuối cùng” nhưng cũng không loại trừ khả năng sử dụng giải pháp này. Nếu vậy, Ðức sẽ nối gót Áo bởi gần đây quốc gia láng giềng này thông báo sẽ chính thức thi hành luật bắt buộc tiêm vaccine cho toàn dân kể từ ngày 1-2-2022, trở thành nước đầu tiên ở phương Tây đặt ra quy định như thế.

Giống như nhiều nước châu Âu khác, Ðức cũng đang thúc giục công dân tiêm mũi tăng cường. Ðến nay, chỉ 7,5% người trưởng thành tại nền kinh tế lớn nhất châu Âu này nhận được mũi
bổ sung.

Thủ tướng Pháp mắc COVID-19

Thủ tướng Pháp Jean Castex (56 tuổi) đã có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 sau khi trở về từ chuyến công du đến Bỉ. Trong chuyến công du này, ông Castex đã gặp Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo và các bộ trưởng khác.

Ông Castex thông báo mình mắc COVID-19 ngày 22-11. Thủ tướng Pháp đã tiêm đủ 2 mũi vaccine và sẽ cách ly trong 10 ngày. Tuy vậy, ông vẫn tiếp tục làm việc từ xa, văn phòng Thủ tướng Pháp cho biết.

 

HẠNH NGUYÊN (Theo NY Times, DW)

Chia sẻ bài viết