14/08/2022 - 12:10

Tiềm lực xuất khẩu vũ khí của Hàn Quốc 

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Mặc dù vẫn phụ thuộc vào "chiếc ô an ninh" của Mỹ trước mối đe dọa ngày càng tăng từ Triều Tiên, nhưng Hàn Quốc lại là một trong những quốc gia xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới và đang đạt mức tăng trưởng nhanh nhất hành tinh.

Xe tăng chiến đấu chủ lực “Báo đen” K2 của Hàn Quốc. Ảnh: Sina.com 

Thương vụ "khủng" chưa từng có

Trong thương vụ xuất khẩu vũ khí lớn nhất lịch sử ngày 28-7, Hàn Quốc sẽ bán 980 xe tăng chiến đấu chủ lực "Black Panther" (Báo đen) K2, 648 pháo tự hành "Thunder" (Thần sấm) K9 cùng với 48 máy bay chiến đấu FA-50 cho Ba Lan trị giá khoảng 15,3 tỉ USD.

Mariusz Blaszczak, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan, nhận định thỏa thuận quân sự với Hàn Quốc không chỉ đơn thuần là nhằm tăng cường sức mạnh cho quân đội Ba Lan, mà còn thể hiện cách "tiếp cận chiến lược", bao gồm chuyển giao công nghệ giúp Ba Lan chế tạo nhiều vũ khí của Hàn Quốc và hợp tác lâu dài với Seoul trong tương lai.

Ðây không phải là thỏa thuận vũ khí "khủng" đầu tiên mà Hàn Quốc từng ký với một khách hàng nước ngoài. Hồi tháng 1 năm nay, Hàn Quốc đã ký một trong những thỏa thuận xuất khẩu quốc phòng lớn nhất của nước này với Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) trị giá lên tới 3,5 tỉ USD. Theo đó, Seoul sẽ cung cấp cho Abu Dhabi một lượng không được tiết lộ hệ thống phòng không tầm trung Cheongung Block-2. Trước đó, Hàn Quốc từng bán "Thunder" K9 cho Estonia, Na Uy, Ba Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Phần Lan, Úc và Ấn Ðộ. Nước này còn bán nhiều máy bay cánh cố định cũng như trực thăng cho Philippines, Iraq, Indonesia, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Senegal và Peru.

Trong khi đó, tàu chiến và tàu ngầm do Hàn Quốc đóng rất được hải quân Thái Lan, Philippines và New Zealand "chuộng", còn quân đội Anh và Na Uy thì tin dùng tàu chở dầu của xứ kim chi. Ðáng chú ý, cả Na Uy và Ai Cập hiện đang xem xét mua xe tăng "Black Panther" K2 của Hàn Quốc. Ðầu năm nay, Cairo còn ký thỏa thuận mua hàng trăm pháo tự hành K9 và nhiều phương tiện hỗ trợ khác với công ty Hanwha Defense trị giá 1,7 tỉ USD. Ðặc biệt, Úc đang tìm cách mua không dưới 450 chiếc K2 để thay thế đội xe tăng bọc thép cũ kỹ của nước này, trong khi Argentina, Malaysia, Colombia và Ấn Ðộ bày tỏ sự quan tâm đối với một số hệ thống vũ khí do Hàn Quốc phát triển.

Tăng nhanh nhất thế giới

Theo dữ liệu do Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) cung cấp, Hàn Quốc chỉ chiếm khoảng 1% giá trị xuất khẩu quốc phòng toàn cầu giai đoạn 2012-2016 nhưng con số này đã tăng vọt lên 2,8% trong giai đoạn 5 năm tiếp theo, khi giá trị vũ khí mà Hàn Quốc xuất khẩu tăng 177%, qua đó giúp Seoul trở thành nhà xuất khẩu quốc phòng lớn thứ 8 thế giới và thứ 2 châu Á (chỉ sau Trung Quốc). Theo Siemon Wezeman, chuyên gia nghiên cứu cấp cao của SIPRI, đây là mức tăng lớn nhất về thị phần đối với bất kỳ nhà xuất khẩu vũ khí nào trong số 25 nhà xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới.

Còn theo một báo cáo được công bố gần đây của Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc, giá trị xuất khẩu vũ khí của nước này đạt mức kỷ lục 7 tỉ USD trong năm 2021, tăng mạnh so với con số khoảng 3 tỉ USD hồi năm 2020, và dự kiến sẽ đạt 10 tỉ USD trong năm nay. Trong đó, Philippines và Indonesia là 2 quốc gia nhập khẩu vũ khí lớn nhất của Hàn Quốc, chiếm lần lượt 16% và 14% tổng lượng xuất khẩu.

Giới phân tích cho rằng xuất khẩu thiết bị quân sự của Hàn Quốc được thúc đẩy bởi nhiều yếu tố. Một là, chính phủ và các nhà sản xuất quốc phòng nước này mong muốn tăng doanh số bán thiết bị quân sự ở nước ngoài để có thêm doanh thu, từ đó có thể sản xuất ra các loại vũ khí tiên tiến hơn, đồng thời củng cố vị thế của Seoul như là một trong những nhà sản xuất vũ khí hàng đầu thế giới. Hai là, các chính phủ nước ngoài coi thiết bị quân sự của Hàn Quốc là đáng tin cậy và có công nghệ sản xuất tiên tiến nhưng lại gần như không đắt bằng các hệ thống do các nước khác như Mỹ sản xuất. Ví dụ, một chiếc chiến đấu cơ FA-50 có giá tầm 30 triệu USD, rẻ hơn đáng kẻ so với một chiếc F-35 do Mỹ sản xuất, vốn có giá ít nhất 77 triệu USD. "Chất lượng và khả năng cạnh tranh về giá của các công ty quốc phòng Hàn Quốc là điều không có gì phải bàn cãi và Chính phủ Ba Lan rõ ràng đã công nhận điều đó" - Park Jung-won, giáo sư luật tại Ðại học Dankook, cho biết.

Nhà sản xuất Korea Aerospace Industries (KAI) của Hàn Quốc ngày 19-7 đã lần đầu tiên cho bay thử nghiệm nguyên mẫu chiến đấu cơ bán tàng hình KF-21 Boramae (Diều hâu non). Theo Ðài Sputnik (Nga), KF-21 Boramae dù là máy bay nội địa nhưng được thiết kế dựa theo hình dáng của chiến đấu cơ F-35 do Tập đoàn Lockheed Martin (Mỹ) chế tạo. Do không sánh được khả năng tàng hình của tiêm kích Mỹ, chiến đấu cơ của Hàn Quốc được xếp loại thế hệ 4.5. Không quân Hàn Quốc dự kiến mua 40 chiếc KF-21 Boramae vào năm 2026 và tăng lên 120 chiếc vào năm 2032 nhằm thay thế các phi đội già cỗi F-4 và F-5, thậm chí phi đội F-16 và F-15K thuộc thế hệ thứ 4.

Giới chuyên gia nhận định KF-21 Boramae có thể sánh ngang với F/A-18 Super Hornet của Mỹ, Eurofighter Typhoon của châu Âu, Su-35 của Nga và tiêm kích tàng hình thế hệ thứ 5 J20 của Trung Quốc, đồng thời có thể trở thành đối thủ cạnh tranh của các chiến đấu cơ Trung Quốc như J10, FC31 trên thị trường châu Á, Trung Ðông và nhất là châu Phi. Chi phí cho dự án chiến đấu cơ kéo dài 6 năm rưỡi này lên tới 6,7 tỉ USD.

 

Chia sẻ bài viết