04/02/2024 - 13:05

Tỉ phú lúa giống Trần Công Danh 

Với tinh thần say mê lao động, nghị lực vượt khó, cộng với sự nhạy bén trong kinh doanh, ông Trần Công Danh (xã Tân Thạnh, huyện Thới Lai) đã đưa kinh tế gia đình từ hộ chỉ đủ ăn, trở thành tỉ phú với thu nhập ngót nghét 2 tỉ đồng/năm. Không chỉ vậy, ông Danh còn được nhiều người dân địa phương quý mến, tin cậy bởi ông sẵn sàng giúp đỡ, hướng dẫn để bà con cùng vượt khó, vươn lên khấm khá; ông cũng có nhiều đóng góp tích cực trong công tác từ thiện, xã hội. 

Niềm vui của ông Trần Công Danh khi thăm đồng, nhìn thấy lúa giống phát triển tốt. 

Ông Trần Công Danh tâm sự, ông sinh ra và lớn lên trong gia đình thuần nông, chứng kiến hoàn cảnh cha mẹ khó khăn, không đất sản xuất, phải làm thuê mưu sinh. Năm 1991, ông Danh lập gia đình, cha mẹ tích lũy mua được 5 công đất và chiếc máy xới. Ông Danh đi xới đất thuê cho bà con trong xóm, hết mùa lúa thì chất nấm rơm, làm lụng không nghỉ tay để tích lũy vốn. Ðến năm 1993, ông mua thêm được 5 công đất. Tuy nhiên, thời điểm đó ông và nhiều nông dân khác trên địa bàn vẫn canh tác theo tập quán cũ là trồng 3 vụ lúa/năm, hiệu quả kinh tế không cao. Trong hoàn cảnh như vậy, là lao động chính của gia đình, ông Danh đã nhiều đêm suy nghĩ, tìm hướng đi mới để vươn lên làm giàu bằng sức lao động trên mảnh đất quê hương.

Ông nghĩ, muốn vươn lên không có cách nào khác là phải đổi mới cách làm ăn. Cơ duyên để thay đổi nhận thức, thói quen trong sản xuất nông nghiệp đã đến với ông Danh khi ông tham gia buổi tập huấn tuyên truyền về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Ðặc biệt là truyền thông, tập huấn về phong trào đưa màu xuống ruộng. Với niềm đam mê cày cuốc, lại được sự hỗ trợ của Hội Nông dân xã, ông Danh tham gia Tổ hợp tác (THT) 2 lúa, 1 màu vào năm 2014 và được tín nhiệm bầu làm Tổ trưởng. Ông Danh chia sẻ: “Khi trồng 2 vụ lúa, 1 vụ màu, vừa tăng năng suất, sản lượng lúa mà vụ màu lại cho thu nhập cao gấp 7-8 lần so với vụ lúa. Tôi có cơ hội dự nhiều buổi hội thảo, tập huấn, có điều kiện học hỏi trao đổi kinh nghiệm với các chuyên gia, các nông dân giỏi. Từ đó, tôi áp dụng rất thành công mô hình 2 lúa 1 màu”.

Thành công với mô hình giúp ông tích lũy dần và mua thêm đất. Từ năm 2018, ông Danh lại mạnh dạn chuyển hướng làm ăn. Ðúng lúc này, Viện Lúa ÐBSCL có chương trình kết nối với địa phương sản xuất lúa giống chất lượng cao, Hội Nông dân thành lập THT sản xuất lúa giống xã Tân Thạnh và ông Danh tham gia, trở thành thành viên năng nổ, chịu trách nhiệm điều hành hoạt động của THT. Ðến năm 2022, Hội Nông dân thành lập Tổ hội nghề nghiệp sản xuất lúa giống xã Tân Thạnh với 16 thành viên, diện tích canh tác 45ha. Hiện tại riêng ông Danh có 100 công ruộng và thuê thêm 60 công để sản xuất lúa giống.

Từ khi chuyển đổi sang sản xuất lúa giống, được quan tâm, hỗ trợ của các ngành, đoàn thể cùng với niềm đam mê của mình, ông Danh cùng các thành viên THT đã quyết tâm thực hiện mô hình sản xuất lúa giống chất lượng cao (giống OM34). Ông Danh tâm đắc: “Hiện tại, anh em sản xuất mỗi năm 2-3 vụ lúa giống. Trung bình 1 công lúa giống năng suất cao hơn 100-150kg so với lúa thường, giá lúa giống cao hơn lúa thịt 800 đồng/kg. Vui nhất là toàn bộ lúa sản xuất ra đều được bao tiêu, nên anh em không phải lo tìm đầu ra. Riêng tôi thuê toàn bộ nhân công thực hiện các công đoạn trong sản xuất lúa. Do đó, trừ chi phí sản xuất, mỗi công lãi chỉ 3 triệu đồng/vụ. Tính chung, tổng thu nhập của gia đình từ 1,8-2 tỉ đồng năm”.

Không chỉ giỏi việc đồng áng, ông Trần Công Danh còn mở cửa hàng kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, phân bón các loại. Công việc vừa giúp tăng thu nhập vừa tạo điều kiện để bà con, anh em trong THT tiếp cận các sản phẩm chất lượng, đảm bảo nguồn gốc, đặc biệt là giá phải chăng và “gối đầu”, khi nào thu hoạch mùa vụ xong mới trả tiền.

Ông Trần Công Danh còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội do địa phương phát động. Ông cùng các thành viên trong THT đóng góp nhiều ngày công lao động cùng với địa phương nâng cấp sửa chữa các công trình cầu đường giao thông, lắp đèn chiếu sáng các tuyến đường… góp phần xây dựng xã Tân Thạnh trở thành xã nông thôn mới nâng cao, tiến tới nông thôn mới kiểu mẫu.

Bên cạnh đó, ông Danh sẵn sàng chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật sản xuất cho những nông dân ấp có nhu cầu phát triển kinh tế gia đình. Anh Trần Văn Phong ở ấp Thới Phước 1, trước kia từng là hộ nghèo, không đất đai sản xuất, chủ yếu làm thuê kiếm sống. Ông Danh đứng ra thuê đất, thanh toán tiền thuê cho chủ đất rồi đầu tư vốn, “bán chịu” phân thuốc để anh Phong sản xuất. Cảm kích tấm lòng của ông Danh, cộng với nỗ lực sau nhiều năm, anh Phong đã thoát nghèo, xây dựng cơ ngơi khang trang. Còn nhiều trường hợp khác trong ấp trước kia vì nghèo khó, nợ nần, nhờ ông Danh tới lui giúp đỡ, hướng dẫn cách làm ăn mà vươn lên khấm khá.

Cần cù, chịu khó và say mê lao động, giờ đây ông Trần Công Danh trở thành một trong những tỉ phú nông dân của huyện Thới Lai. Nhiều năm qua, ông Trần Công Danh đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp thành phố, Trung ương. Riêng năm 2022, ông Danh vinh dự được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thới Lai, nhận xét: Anh Trần Công Danh là nông dân có ý chí, sáng tạo trong lao động, sản xuất, kinh doanh. Từ cuộc sống khó khăn, gia đình anh Danh đã xây dựng được cơ ngơi khang trang, 2 con đều học hành đến nơi đến chốn. Anh Danh thật sự là tấm gương sáng trong phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, qua đó, góp phần xây dựng nông thôn mới, xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

Tin, ảnh: TÂM KHOA

Chia sẻ bài viết