02/04/2025 - 08:28

Tỉ phú cá đồng vùng đất phèn 

Sau 6 năm chọn vùng đất phèn, chua làm nơi gầy dựng sự nghiệp, anh Nguyễn Tuấn Em (44 tuổi) thu về hàng tỉ đồng mỗi năm từ nghề sản xuất cá giống và nuôi cá đồng thương phẩm.

Ông Ðỗ Trần Thịnh (bên trái), Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, tham quan khu vực nuôi cá trê vàng đang được thu hoạch của anh Nguyễn Tuấn Em.

Từ xã Kiên Bình, huyện Kiên Lương (tỉnh Kiên Giang) theo chân đoàn công tác của Hội Nông dân tỉnh, chúng tôi đến trại sản xuất cá giống của anh Nguyễn Tuấn Em bằng đường ô tô. Tại đây, các kỹ sư đang thực hiện quy trình cho cá sinh sản, cung cấp con giống cá đồng các loại như cá rô, cá trê vàng, sặc rằn, cá chốt trứng… cho các vùng nuôi cá trọng điểm trong và ngoài tỉnh.

"Năm nay phía Cà Mau, TP Cần Thơ tiêu thụ mạnh cá giống nên trại phải nâng công suất hoạt động mới đáp ứng đủ đơn hàng. Riêng cá chốt trứng là năm đầu tiên tôi nuôi lấy thịt nên đang tìm đầu mối tiêu thụ số lượng lớn", anh Tuấn Em nói. Sinh ra trong gia đình nông dân nghèo, nên mới học hết lớp 8, anh Tuấn Em đành bỏ dở việc học đi làm thuê ở các trại cá giống. Cũng từ đó, những kiến thức, kinh nghiệm trong nghề cá giống được anh Tuấn Em dần tích lũy được.

Sau thời gian làm thuê chăm chỉ, anh Tuấn Em kiếm được số vốn và quyết định đến ấp Cống Tre, xã Kiên Bình mua đất để làm trại sản xuất cá giống. Vượt qua những khó khăn ban đầu trên vùng đất mới, hiện ngoài bán cá giống, anh Tuấn Em còn nuôi cá đồng bán thịt, sản lượng mỗi năm tiêu thụ từ 700-900 tấn cá các loại, trừ chi phí thu lợi nhuận hàng tỉ đồng/năm. Theo anh Tuấn Em, cá đồng được nuôi ở vùng đất phèn của vùng tứ giác Long Xuyên giúp thịt cá thơm ngon, chắc thịt, không bị tanh và không bị tuột nhớt khi vận chuyển xa như cá nuôi một số vùng ao tù. Đây cũng chính là lý do vì sao anh chọn vùng đất này để lập nghiệp.

Anh Tuấn Em nói: "Vùng này phèn sắt nặng lắm, muốn nuôi được cá tôi phải mất hai năm đầu lỗ trắng tay. Tiếp theo là phải tìm cách trị cho được phèn thì mới tính tiếp nuôi con gì, trồng cây gì. Ao ở đây múc xong phải cho nước vô xử lý phèn đáy ao và tiến hành thả cá nuôi liền, không thả là chỉ cần vài ngày là bị xì phèn liền, phải cải tạo lại từ đầu rất tốn kém và vất vả". Để nước trong ao nuôi cá không bị xì phèn, anh Tuấn Em dùng biện pháp giữ mực nước trong ao cá luôn cao hơn bên ngoài nhằm tạo áp lực đẩy phèn ra ngoài.

Đối với nông dân, khâu tiêu thụ luôn là bài toán khó và với anh Tuấn Em cũng không ngoại lệ. Để bán được cá với số lượng lớn và được giá cao, anh Tuấn Em dùng xe tải vận chuyển cá sang Campuchia, chợ đầu mối Bình Điền (TP Hồ Chí Minh) tiêu thụ. Hàng giao xong, bạn hàng sẽ lập tức chuyển tiền thanh toán vào tài khoản ngân hàng cho anh. Dân gian có câu "muốn giàu nuôi cá, muốn khá nuôi heo", có lẽ đúng với trường hợp của anh Tuấn Em lúc này. Nhưng để có được cơ ngơi cùng khoản thu nhập như hôm nay, những gian nan mà người đàn ông 44 tuổi này đã trải qua không hề ít. Nghề nuôi cá khá trầy trật. Tùy thuộc thị trường tiêu thụ mạnh hay yếu mà người nuôi có lời hoặc lỗ. Điển hình là hai năm dịch COVID-19, mỗi tháng, anh Tuấn Em cho cá ăn 60 tấn thức ăn hết 1,4 tỉ đồng. Nhưng cá tới kỳ xuất bán không chở đi được, vậy là lỗ nặng. Nhưng anh vẫn cố cầm cự để giữ nghề, hy vọng sớm qua dịch. Lúc không ai còn giữ được sản xuất thì anh bán cá được giá cao cũng là chuyện dễ hiểu.

Sau khi dịch bệnh được kiểm soát, 1 năm sau đó anh Tuấn Em thu lợi nhuận khá cao nhờ kiên trì với nghề, vẫn luôn giữ guồng máy sản xuất hoạt động trơn tru không bị gián đoạn, trong khi nhiều nơi nông dân nuôi cá đã trắng tay vì ít vốn. Đến năm 2024, nền kinh tế các nước gặp khó khăn, giá cá trong nước và xuất khẩu giảm mạnh khiến nghề nuôi cá của gia đình anh Tuấn Em thêm lần khốn đốn. Nhưng nhờ có vốn, lại tìm cách giảm chi phí sản xuất nên từ đầu năm 2025 đến nay, khi giá cá thị trường dần tăng trở lại, anh Tuấn Em bắt đầu có lợi nhuận trở lại.

Với tổng diện tích đang sở hữu 47ha, vợ chồng anh Tuấn Em dành 12ha sản xuất lúa Nhật và lúa ST25. Diện tích còn lại, vợ chồng anh xẻ vuông nuôi cá đồng, trên liếp trồng các loại cây ăn trái như mít, khóm, mận, xoài... Khu nhà mát bằng gỗ 6 phòng đón gió mát rượi, vừa được anh Tuấn Em tự tay xẻ gỗ, sơn phết sắp hoàn thiện, phía trước khu nhà mát là ao cá đồng, hình thành khu nghỉ dưỡng sinh thái kết hợp trải nghiệm câu cá đồng phục vụ khách gần xa.

Mặc dù có của ăn, của để, nhưng anh Tuấn Em vẫn chăm chỉ lao động, hằng ngày vẫn cần mẫn tự lái kobe múc vuông, tự tay gia cố bờ bao nuôi cá như ngày mới về đặt chân lên vùng đất khó.

Bài, ảnh: AN LÂM

 

Chia sẻ bài viết