26/05/2021 - 20:37

Thương vụ bán tiêm kích F-35 cho UAE lâm nguy 

Hợp đồng bán máy bay chiến đấu F-35 cho Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) khiến các quan chức Mỹ lo ngại nguy cơ bí mật tiêm kích tàng hình này rơi vào tay Trung Quốc. Washington nói rõ với Abu Dhabi rằng cho phép Bắc Kinh thiết lập căn cứ quân sự tại nước này chắc chắn sẽ kết liễu thương vụ F-35.

Tiêm kích F-35 được cho là “viên ngọc quý nhất” trong kho vũ khí Mỹ. Ảnh: AP

Trong những tuần gần đây, tình báo Mỹ đã theo dõi sát sao sau khi hai máy bay quân sự Trung Quốc hạ cánh xuống sân bay ở UAE và bốc dỡ những thùng hàng chưa được xác định. Theo các nguồn thạo tin, những chuyến bay vận tải này cùng với những dấu hiệu về sự hợp tác giữa Bắc Kinh và Abu Dhabi - đồng minh quan trọng của Washington tại vùng Vịnh - đã khiến giới chức xứ cờ hoa giật mình, đồng thời tạo ra bất định mới đối với thương vụ bán chiến đấu cơ tối tân trị giá 23 tỉ USD cho UAE.

Hồi giữa tháng rồi, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết sẽ xúc tiến thương vụ vốn được thông qua dưới thời người tiền nhiệm Donald Trump này, bao gồm 50 tiêm kích F-35. Ðây là chiến đấu cơ do Hãng Lockheed Martin chế tạo, thường được sử dụng trong các nhiệm vụ do thám, không kích và chiến đấu trên không. Với thương vụ trên, UAE sẽ còn sở hữu 18 máy bay không người lái (UAV) vũ trang MQ-9B cùng với lượng đạn dược trị giá 10 tỉ USD. Quyết định của chính quyền ông Biden giúp UAE trở thành quốc gia Arab đầu tiên và nước Trung Ðông thứ hai sở hữu F-35 sau Israel.

Tuy nhiên, việc UAE và Trung Quốc mở rộng quan hệ hợp tác đã phủ bóng đen lên tương lai của thỏa thuận trên. Báo cáo về tham vọng quân sự của Trung Quốc được Lầu Năm Góc công bố năm ngoái nhận định UAE là một trong những quốc gia mà Bắc Kinh “nhiều khả năng xem xét xây dựng thêm các cơ sở hậu cần quân sự ở nước ngoài”. Một số quan chức quốc phòng tin rằng Trung Quốc muốn thiết lập một căn cứ hải quân tại UAE, trong khi thông tin tình báo khẳng định Bắc Kinh đã thảo luận kế hoạch triển khai hàng trăm quân nhân tới quốc gia vùng Vịnh này. Lo ngại về quan hệ hợp tác giữa UAE - Trung Quốc đã trở thành chủ đề chính trong chương trình nghị sự của phái đoàn Mỹ khi họ thăm UAE gần đây.

Ðáp lại, phía UAE viện dẫn sự hợp tác an ninh lâu nay với Mỹ để trấn an Washington. Ðại sứ UAE tại Mỹ Yousef Otaiba nhấn mạnh nước này luôn bảo vệ công nghệ quân sự Mỹ. Dự kiến Mỹ sẽ không giao hàng cho UAE trước năm 2027. Nguồn tin giấu tên cho biết giới chức Mỹ đã yêu cầu UAE bảo đảm  bên thứ ba, đặc biệt là Trung Quốc, không được phép tiếp cận công nghệ trên F-35 và MQ-9B, cũng như những vũ khí này không được sử dụng tại Yemen và Libya.

UAE “bắt cá hai tay”?

Phía Mỹ xem UAE là đối tác an ninh có giá trị. Abu Dhabi sát cánh với Washington và các đồng minh khác trong cuộc chiến chống các nhóm khủng bố al-Qaeda, tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) và triển khai binh sĩ đến Afghanistan. UAE cũng nằm trong số những quốc gia ký kết Hiệp định Abraham về bình thường hóa quan hệ với Israel.

Trong khi đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng sang thăm UAE vào năm 2018. Tập đoàn công nghệ viễn thông Huawei của Trung Quốc thì mở rộng đầu tư tại vùng Vịnh trong nỗ lực trở thành nhà cung cấp thiết bị 5G hàng đầu và Chính phủ UAE cũng đã hợp tác với Hãng dược phẩm quốc doanh Sinopharm để phân phối vaccine COVID-19.

Việc UAE và Trung Quốc tăng cường quan hệ hợp tác trong lĩnh vực thương mại, công nghệ và đầu tư diễn ra ở thời điểm Mỹ thay đổi cách bố trí lực lượng quân sự. Chính quyền ông Biden gần đây đã chỉ thị cho Lầu Năm Góc rút bớt một số khí tài và lực lượng khỏi vùng Vịnh, trong bối cảnh Washington muốn giảm sự hiện diện quân sự tại Trung Ðông. “Không chắc chắn về Mỹ, Abu Dhabi dường như muốn bắt tay với cả Washington lẫn Bắc Kinh và xem họ như những đối tác an ninh”, David Schenker, chuyên gia tại Viện Chính sách Cận Ðông ở Washington, nhận định.

HẠNH NGUYÊN (Theo WSJ)

Chia sẻ bài viết