20/11/2016 - 09:46

Thương mùa cá linh

Truyện ngắn: Nhật Hồng

Anh Tám điểm sơ có trên hai chục xuồng lưới các nơi họp lại. Những người cùng nghề hạ bạc này gần như không chỉ sinh sống nhờ sông nước, mà còn làm nghề rất thành thạo và gặp nhau ở cái sự mê cá mỗi mùa nước về. Cứ bước qua tháng tám âm lịch, màu nước đục ngầu từ thượng nguồn đổ về là họ nhớ cá vô cùng, nhất là cá linh. Ngày thường, mỗi người một công việc. Người làm vườn, người thợ hồ hay thợ mộc, kẻ mua bán, nhưng đến lúc, họ gác lại công việc cho người nhà, vội vàng đi sắm giàn lưới. Anh Tám nhớ hôm vừa tính đi mua lưới, vợ anh ngăn: "Năm nay mới vừa hạn xong, nghe đài báo nước nhỏ, cá mắm đâu mà đi mua lưới anh? Ở nhà phụ với sắp nhỏ thu mua trái cây ra chợ tỉnh bán ngày cũng lời được vài trăm ngàn, anh đi giăng lưới chi cho cực, bỏ nhà bỏ cửa".

Trước lời nỉ non có tình có lý của vợ, anh Tám cười hiền chống chế: "Thì làm thêm kiếm học phí đại học cho thằng út". Vợ Tám liếc chồng cười cười: "Anh mê con cá linh thì có".

 

Nghe vợ đoán trúng nên anh Tám hạ giọng: "Em nhớ đi, từ ngày về với tui, năm nào cũng nhờ có con cá linh giúp mình vượt khó mấy tháng nước nổi. Nghề nào làm lâu cũng có tình cảm và thành một phần gắn bó. Nhờ vậy mới chịu thức khuya sớm, chịu nắng sương. Em biết mà, vào mùa này các anh em trôi nổi trên những cánh đồng đầy nước, có người ở Đồng Tháp, Chợ Mới, Tri Tôn tụ họp về theo con cá linh. Sau khi bủa lưới xong neo đậu lại dùng cơm, vài ngụm đưa cay kể nhau nghe những chuyện đời vụn vặt. Chuyện vụn vặt mà thắm thía tình nghĩa, thân nhau như ruột thịt. Gặp nhau trên đồng, có khi hò hẹn kết sui gia, đám tiệc gọi nhau. Thương nhau tới già".

Anh Tám nói tới đó, vợ anh cũng không khỏi bồi hồi nhớ cảnh những chiếc xuồng có mui che mưa nắng, có bếp có củi, có nồi niêu, chiều chiều vợ chồng nổi lửa nấu cơm, bên cạnh nồi canh chua đậm hương đồng nội. Đó là những năm tháng mới về nhà chồng, chị cùng anh giong ruổi suốt mùa cá trên đồng. Nước về, cá linh theo nước băng đồng, người theo cá xuống xuồng ghe. Cực nhọc nắng mưa nhưng căng đầy hạnh phúc. Nghề hạ bạc này nghĩ cũng lạ, đã theo là bỏ không được. Giờ cá tôm thưa thớt, ai cũng có công ăn việc làm, nhưng tới mùa nước nổi lại nhớ xuồng ghe, đồng nước đến mức không thể ngồi nhà.

Vợ anh Tám biết không ngăn chồng được. Vừa sắp xếp đồ đạc cho chồng theo bạn ra đồng, vừa dặn: Anh nay có tuổi rồi, đi đồng ban đêm hôm coi chừng đau bịnh, đừng hứng gió nhiều quá... Anh Tám cười: "Tui còn khỏe lắm, không sao đâu"!

***

Như mọi năm, dân nghề sắm giàn dớn và giàn lưới kèm theo. Năm nay anh Tám chọn mua lưới hai phân, những năm trước anh chọn thưa hai phân hai, hai phân rưỡi. Anh nghĩ bụng "Giờ nước không lớn như xưa, cá linh lớn trễ". Thế nhưng, trái với mọi dự đoán, con nước năm nay tuy không lớn như những năm đỉnh lũ, nhưng về đúng hạn và ít nhiều cao hơn mực nước năm ngoái.

Anh Tám nhìn cánh đồng, nhìn mặt nước thầm bụng: Thiệt mừng nước về đủ lớn, giờ hầu hết cánh đồng nước sâu cỡ 2 mét. Người đi đồng ai cũng có sợi dây, đầu này buộc vào tay- đầu kia cột vào khoang xuồng, lỡ khi mưa giông té xuống nước, tay còn phăng được chiếc xuồng. Người đi đồng mắt luôn quan sát hướng gió để nhận định những cơn mưa giông, rồi định cách né tránh, trốn núp. Nguy hiểm là vậy, như bù lại, nước lên càng cao, càng đem theo về đủ loại cá, mặc tình mà giăng bắt. Nước sâu cọng bông súng cũng dễ thương, mỗi cọng cả nhà ăn không hết. Từ đồng Nhơn Hội, Khánh Bình, Quốc Thái, An Phú- An Giang qua Tứ giác Long Xuyên, nơi nào cá gì nhiều, cá nào ít, anh Tám rõ như lòng bàn tay. Mỗi nơi, mỗi cánh đồng đã ghi lại với anh nhiều kỷ niệm vui buồn trong nghề hạ bạc. Mấy năm nay nước ít, lòng anh Tám không mấy vui. Năm nay lại được về với đồng ruộng đầy nước. Ngày đầu vô đồng, anh em ai nấy cũng hăm hở ra mặt, mỗi người tự chọn hướng bủa dớn, định hướng phân luồng lưới cho mình. Cuối luồng là điểm gặp nhau tụ họp cho thuận lợi. Nếu có chuyện đau ốm thì truyền tin, để tiếp cứu cho dễ.

Vui nhứt của nghề hạ bạc là được hít thở không khí trong lành của trời đất, được ăn cơm giữa lòng trời nước. Còn cảm giác nào sướng hơn khi tay vừa chạm vào dớn, cá run rộ lên rất êm tay. Còn giăng lưới thì mỗi khi cá ghim đầu vào lưới, tay nắm giềng lưới cảm nhận được từng động tác cựa quậy của cá. Niềm hạnh phúc này chỉ có người trong nghề mới hiểu. Sau những ngày đêm mệt mỏi, được bù đắp bằng khoang xuồng có cá có tôm, dù nhiều hay ít lòng cũng vui không gì bằng.

Đêm về khuya, bốn bề càng tĩnh lặng, tiếng khua xuồng thật khẽ cũng lan xa, tai nghe được con cá đớp mồi, quẩy đuôi, anh Tám nhẹ đưa tay nắm lấy giềng lưới thăm chừng. Những năm rất lâu về trước, vừa thò tay vào lưới đã nghe cá mắc lưới đều tay thấy ham, giờ êm ru. Anh Tám biết được số cá chui qua lọt lưới rất nhiều, bởi cá hãy còn nhỏ. Thi thoảng một vài con mắc lưới cựa quậy, tay anh biết rất rõ. Anh nghĩ bụng: "Cá không mắc lưới thì còn đó, dành cho người sau". Tự dưng anh Tám thấy thương đời con cá linh từ còn trong trứng bị các loài khác ức hiếp, cho đến lớn thì bị người dùng đủ loại phương tiện đánh bắt. Vậy mà cá linh vẫn tồn tại hàng trăm năm nay, giúp người lao động nghèo có bữa ăn, có tiền học cho con qua mùa nước nổi.

Anh Tám thăm giàn dớn và giàn lưới lúc trời vừa hửng sáng. Nhìn trong khoang xuồng, cá tôm số lượng khiêm nhường, chừng non hai mươi ký, phần nhiều là cá linh. Số cá này ra chợ bán trên trăm ngàn đồng, nhưng cũng đủ làm anh Tám thấy vui. Bởi anh tưởng mùa nước nổi đã thành ký ức. Năm nay, cá ít nhưng báo hiệu nước không bỏ đồng và cá linh vẫn theo con nước về với dân quê.

Anh Tám khom người sát mặt nước, hơi nước phả lên mát rượi, thoảng thơm mùi phù sa gần gũi của quê hương. Chợt nghe thương quá mùa cá linh 

Chia sẻ bài viết