Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Trung dù diễn ra bằng hình thức trực tuyến vẫn được dư luận chờ đợi nhằm có thể đoán trước tương lai quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới dưới thời Tổng thống Joe Biden.
Nhà Trắng thông báo Tổng thống Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh trực tuyến vào tối 15-11 theo giờ Mỹ, tức sáng 16-11 giờ Trung Quốc. Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Trung được ông Biden đề xuất trong cuộc điện đàm lần thứ 2 với ông Tập hồi tháng 9. Tuy nhiên, kế hoạch gặp trực tuyến đã được nhất trí về mặt nguyên tắc trong các cuộc hội đàm hồi tháng 10 ở Zurich (Thụy Sĩ) giữa Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan và Ủy viên Bộ Chính trị Ðảng Cộng sản Trung Quốc Dương Khiết Trì. Trước đó, Tổng thống Biden hy vọng gặp Chủ tịch Tập tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Ý cuối tháng 10, song nhà lãnh đạo Trung Quốc tới nay chưa có chuyến công du nước ngoài nào kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát tại nước này.

Tổng thống Joe Biden (trái) và Chủ tịch Tập Cận Bình được kỳ vọng sẽ giải quyết các xung đột lợi ích giữa hai nền kinh tế
hàng đầu thế giới. Ảnh: AP
Hợp tác và đối đầu
Trước khi công bố kế hoạch thượng đỉnh trực tuyến, ông chủ Nhà Trắng hôm 11-11 đã ký dự luật ngăn chặn cấp phép thiết bị mới do các công ty có tên trong danh sách “đe dọa an ninh quốc gia” như Huawei và ZTE của Trung Quốc sản xuất. Ðây là nỗ lực mới nhất của Mỹ nhằm trấn áp các công ty công nghệ và viễn thông Trung Quốc. Chính quyền Biden gần như vẫn duy trì cách tiếp cận cứng rắn với Bắc Kinh có từ thời chính quyền Donald Trump, bởi cả hai đều xem sự lớn mạnh của Trung Quốc là thách thức hàng đầu của Mỹ trong thế kỷ 21.
Trong khi đó ngày 10-11, bên lề Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) tại Glasgow (Vương quốc Anh), hai nước đã công bố thỏa thuận khung mang tính đột phá nhằm tăng cường hợp tác chống biến đổi khí hậu.
Hai sự kiện trên là thí dụ điển hình cho mối quan hệ vừa hợp tác vừa đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc. Tổng thống Biden lâu nay chỉ trích Trung Quốc về vấn đề nhân quyền tại Tân Cương; dân chủ tại Hong Kong; về cuộc điều tra nguồn gốc gây đại dịch COVID-19; về mối đe dọa quân sự đối với Ðài Loan; sự “cưỡng bức” trong các mối quan hệ quốc tế, trong đó có Biển Ðông... Ông Biden cũng vận động các đồng minh và đồi tác tăng cường các nỗ lực phối hợp cắt giảm sự phụ thuộc vào các chuỗi cung ứng toàn cầu từ Trung Quốc vốn bị đứt gãy trong đại dịch COVID-19.
Ðáp lại các hành động của Mỹ thời gian qua, tại hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp thuộc Hội nghị cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) hôm 11-11, ông Tập cảnh báo rằng khu vực này không nên tái diễn sự đối đầu và chia rẽ như thời kỳ Chiến tranh lạnh.
Sự kỳ vọng của hai bên
Trong tuyên bố hôm 12-11, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaky cho biết: “Hai nhà lãnh đạo sẽ thảo luận các biện pháp để quản lý có trách nhiệm cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc, cũng như các cách thức phối hợp trong các vấn đề hai bên cùng chia sẻ lợi ích chung. Tổng thống Biden sẽ nêu rõ các ý định và ưu tiên của Mỹ cũng như rõ ràng và thẳng thắn về các mối quan tâm của chúng tôi với Trung Quốc”.
Cũng theo bà Psaki, Tổng thống Biden “chắc chắn sẽ không ngần ngại đề cập đến những vấn đề mà ông ấy quan tâm”, đồng thời nhấn mạnh “sự cạnh tranh dữ dội” trong mối quan hệ song phương Mỹ - Trung đòi hỏi “phương pháp ngoại giao dữ dội”.
Thư ký báo chí Nhà Trắng nhận định hai nhà lãnh đạo khó có thể đạt được kết quả cụ thể chỉ qua cuộc họp trực tuyến. Thay vào đó, Washington coi đây là dịp để “thiết lập các điều kiện theo quan điểm của Mỹ về một cuộc cạnh tranh hiệu quả trên lập trường bảo vệ các giá trị”.
Phát biểu hôm 12-11, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng nói rằng trong hơn 10 tháng qua, mối quan hệ với Trung Quốc là một trong những mối quan hệ có hậu quả nhất và cũng phức tạp nhất mà nước Mỹ đang có. “Có các yếu tố khác biệt trong mối quan hệ này, có những hợp tác, có những cạnh tranh và có những đối đầu. Chúng ta sẽ quản lý tất cả 3 khía cạnh này cùng một thời điểm”, ông Blinken tuyên bố.
Giới chức Nhà Trắng quả thật tin rằng hội nghị thượng đỉnh dù dưới hình thức trực tuyến cũng là cách thức tốt nhất hiện nay để lãnh đạo hai nền kinh tế lớn nhất và nhì thế giới có cuộc thảo luận thực chất về một số vấn đề gây cản trở quan hệ Mỹ - Trung.
Bắc Kinh cũng được cho muốn tránh đối đầu với Washington trong bối cảnh Trung Quốc đang chuẩn bị bước vào năm 2022 có nhiều sự kiện lớn, như Thế vận hội mùa đông, Ðại hội Ðảng lần thứ 20. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân hôm 12-11 cũng tuyên bố: “Chúng tôi hy vọng Mỹ sẽ cùng làm việc với Trung Quốc để cùng cố gắng làm cho hội nghị thượng đỉnh thành công và đưa quan hệ Trung - Mỹ trở lại đúng hướng phát triển lành mạnh và ổn định”.
Ông Daniel Russel, cựu quan chức ngoại giao hàng đầu của Mỹ tại châu Á dưới thời chính quyền Barack Obama, cho rằng cả ông Biden và ông Tập đều lo lắng nguy cơ xảy ra một sự cố quân sự leo thang giữa hai nước. “Ông Biden biết rằng các công cụ ngăn ngừa và quản lý khủng hoảng hiện nay đang lỗi thời, vì vậy chúng ta nên mong đợi ông ấy thúc đẩy đưa ra các biện pháp bảo vệ hoặc “chế ngự” giảm thiểu rủi ro. Mối quan hệ cá nhân mà ông Biden xây dựng với ông Tập cách đây một thập kỷ vẫn còn bền chặt và mỗi cuộc trò chuyện có thể tạo thêm sự ổn định trước các nguy cơ”, ông Russel bình luận. Hai ông từng nhiều lần gặp nhau khi ông Biden làm phó tổng thống Mỹ dưới thời ông Barack Obama, còn ông Tập làm phó chủ tịch Trung Quốc dưới thời ông Hồ Cẩm Đào.
KIẾN HÒA (Theo Reuters, AP, AFP)