Trước thềm cuộc gặp giữa Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Bắc Kinh khẳng định cuộc gặp sẽ định hướng cho quan hệ song phương và tạo ra “vai trò chung” về những vấn đề trong khu vực để hai quốc gia láng giềng có thể hợp tác.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Vũ Hán hồi năm ngoái. Ảnh: AP
Theo Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc La Chiếu Huy, trong hai ngày 11 và 12-10, Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Modi sẽ thảo luận các vấn đề khu vực và thế giới. Cuộc gặp cấp cao tại thành phố Chennai thuộc miền Nam Ấn Độ này nhằm vun đắp quan hệ mà lãnh đạo hai nước đã gầy dựng khi họ gặp nhau tại thượng đỉnh không chính thức lần đầu tiên ở thành phố Vũ Hán của Trung Quốc hồi tháng 4 năm ngoái. Sự kiện đó đã góp phần bình thường hóa quan hệ Trung-Ấn sau cuộc xung đột quân sự kéo dài 73 ngày tại khu vực tranh chấp Doklam hồi năm 2017.
Tuy nhiên, thượng đỉnh lần hai lại diễn ra trong bối cảnh căng thẳng mới trong quan hệ song phương xung quanh chuyện tranh chấp ở khu vực Kashmir giữa Ấn Độ và Pakistan. Việc Thủ tướng Modi hồi tháng 8 quyết định hủy bỏ quy chế tự trị đặc biệt cho bang Kashmir và Jammu thuộc vùng Kashmir do nước này quản lý đã dẫn đến phản ứng mạnh mẽ từ Pakistan và đồng minh thân cận là Trung Quốc. Cuối tháng rồi, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã nêu vấn đề Kashmir trong bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc - động thái được cho là muốn quốc tế hóa sự việc.
Dù vậy, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng hôm 8-10 nói rằng vấn đề Kashmir phải được giải quyết bởi Paskitan và Ấn Độ. Bình luận này rõ ràng đánh dấu sự thay đổi đáng kể về lập trường của Bắc Kinh. Trong cuộc gặp với Thủ tướng Pakistan Imran Khan hôm 9-10, Chủ tịch Tập Cận Bình cũng đã nói Ấn Độ và Paskitan nên giải quyết tranh chấp thông qua đối thoại hòa bình.
Quan hệ an ninh mật thiết giữa Trung Quốc và Pakistan lâu nay là nỗi lo đối với New Delhi và trong những năm gần đây, Ấn Độ đã xích lại gần hơn với Mỹ để có thể làm đối trọng với Bắc Kinh trong khu vực. Ấn Độ gần đây tham gia sâu hơn vào bộ tứ gồm Ấn Độ, Mỹ, Úc và Nhật Bản mà Washington hy vọng sẽ có thể đối phó Trung Quốc.
Trong chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình, Thủ tướng Modi sẽ nêu các vấn đề về kinh tế, bao gồm thâm hụt thương mại của Ấn Độ với Trung Quốc tới 53 tỉ USD hồi năm ngoái. Trong số những chủ đề bàn thảo giữa hai lãnh đạo, Ấn Độ dự kiến sẽ mời công ty công nghệ Huawei của Trung Quốc tham gia vào các cuộc thử nghiệm mạng di động 5G ở nước này trong vài tháng tới. Lãnh đạo hai nước cũng sẽ trao đổi về chương trình văn hóa và đi thăm một số đền đài, tất cả đều nằm trong nỗ lực nâng cấp quan hệ song phương.
Trong thông cáo báo chí, Bộ Ngoại giao Ấn Độ nêu rõ thượng đỉnh lần hai “sẽ là cơ hội cho lãnh đạo hai nước tiếp tục thảo luận những vấn đề về tầm quan trọng của quan hệ song phương, khu vực và toàn cầu”. Đáp lại, Đại sứ Trung Quốc tại Ấn Độ Tôn Vệ Đông bày tỏ hy vọng “tình hữu nghị và định hướng chiến lược của hai lãnh đạo sẽ đưa quan hệ Trung - Ấn bước sang chương mới”.
THANH BÌNH (Theo PTI, Reuters)