07/08/2019 - 07:17

Thương chiến Mỹ-Trung có nguy cơ vượt tầm kiểm soát 

Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 6-8 thông báo các doanh nghiệp nước này đã ngừng mua nông sản của Mỹ, đồng thời cho biết Bắc Kinh không loại trừ khả năng áp thuế nhập khẩu bổ sung đối với nông sản của Washington được đặt mua sau ngày 3-8. Đây được coi là đòn trả đũa việc Tổng thống Donald Trump tuyên bố từ ngày 1-9 sẽ áp mức thuế 10% đối với số hàng hóa mới trị giá 300 tỉ USD từ Trung Quốc, đồng nghĩa gần như tất cả hàng hóa của nước này xuất khẩu vào Mỹ đều bị đánh thuế.

Tuy nhiên, cuộc chiến thuế quan giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có khả năng vượt tầm kiểm soát sau khi Bộ Tài chính Mỹ chính thức liệt Trung Quốc vào danh sách “nước thao túng tiền tệ” với cáo buộc Bắc Kinh phá giá đồng nhân dân tệ (NDT). Quyết định này được Mỹ đưa ra chỉ vài giờ sau khi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cho phép đồng NDT mất giá 2%, xuống ngưỡng trên 7 NDT đổi 1 USD, mức yếu nhất của đồng nội tệ Trung Quốc trong 10 năm trở lại đây. Cơ quan quản lý tiền tệ Trung Quốc thẳng thắn cho rằng việc NDT mất giá mạnh chủ yếu do thị trường quan ngại về “chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch và chính sách thuế mới nhằm vào Trung Quốc”. Theo giới phân tích, việc đồng tiền Trung Quốc rơi xuống ngưỡng trên 7 NDT/1 USD có tính biểu tượng tâm lý như là “lằn ranh đỏ” đối với Mỹ. Trên tài khoản mạng xã hội Twitter, Tổng thống Trump nêu rõ: “Điều đó được gọi là sự thao túng tiền tệ. Đây là một sự vi phạm nghiêm trọng”.

Đồng nhân dân tệ trong cuộc chiến thương mại với Mỹ. Ảnh: AP

Lần gần nhất đồng nội tệ Trung Quốc đạt ngưỡng 7 NDT/1 USD là năm 2008, khi châu Á lâm vào cuộc khủng hoàng tài chính tồi tệ. Năm 2015, Trung Quốc từng bị Mỹ cáo buộc khơi mào chiến tranh tiền tệ khi phá giá NDT để hỗ trợ hàng hóa xuất khẩu. Trong chiến dịch vận động tranh cử năm 2016 và thời gian qua, Tổng thống Trump cũng cáo buộc Bắc Kinh thao túng tiền tệ. Có điều, ông Trump cho biết Nhà Trắng không có ý định can thiệp làm đồng đô-la Mỹ suy yếu mà sẽ có thể phải làm gì đó để đương đầu với thách thức tiền tệ từ Trung Quốc.  Trước mắt, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin sẽ tham vấn Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để thảo luận về sự cạnh tranh thương mại không công bằng của Trung Quốc thông qua hành động phá giá đồng nội tệ. Theo các nhà phân tích, dù IMF có đồng thuận hay không, với “dán nhãn” thao túng tiền tệ, hàng hóa của Trung Quốc sẽ bị Mỹ nâng mức thuế lớn hơn 25%, có thể lên 45% như ông Trump cam kết trong chiến dịch tái tranh cử. Ngoài ra, Bộ Tài chính Mỹ có thể ngăn các doanh nghiệp Trung Quốc tham gia đấu thầu các hợp đồng mua sắm của Chính phủ Mỹ. 

Phản ứng trước quyết định mới nhất của Mỹ, Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc có bài xã luận cho rằng Mỹ đã “cố ý hủy hoại trật tự quốc tế”. Riêng người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Xuân Oánh kêu gọi Mỹ tôn trọng lời hứa và nghiêm túc thực thi những đồng thuận đạt được tại cuộc gặp thượng đỉnh giữa lãnh đạo hai nước tại Osaka (Nhật Bản) hồi cuối tháng 6. Giới phân tích cho rằng Bắc Kinh cũng có khả năng phải dùng nguồn dự trữ ngoại tệ dồi dào của mình để can thiệp bình ổn NDT trước nguy cơ bị trừng phạt từ Mỹ. Hơn nữa, sự mất giá của NDT năm 2015 đã từng khiến 680 tỉ USD tiền vốn chảy khỏi Trung Quốc.

ÐỨC TRUNG

Chia sẻ bài viết