25/04/2014 - 21:56

Thức thời

Israel vừa một lần nữa hoãn đàm phán với chính quyền Palestine, sau khi phong trào chính trị Fatah tại khu Bờ Tây và cánh vũ trang Hamas ở Dải Gaza đạt được thỏa thuận thành lập chính phủ đoàn kết dân tộc nhằm chuẩn bị cho cuộc bầu cử sắp tới. Thủ tướng Benjamin Netanyahu nói rằng thỏa thuận này “đang giết chết” và “gần như đã chôn vùi” tiến trình hòa đàm Trung Đông do Mỹ làm trung gian.

Quyết định của Tel Aviv chắc chắn khiến thời hạn đàm phán cuối cùng (ngày 29-4) do Washington ấn định hồi tháng 7 năm ngoái phá sản. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry thừa nhận tiến trình đàm phán giữa Israel-Palestine đã đến “giai đoạn khó khăn”, nhưng trấn an rằng “vẫn luôn có con đường tiến lên phía trước” và điều này đòi hỏi đôi bên phải sẵn sàng thỏa hiệp ở mức cần thiết. Vì thể diện và uy tín của nước Mỹ, Ngoại trưởng Kerry không thể chấp nhận lãng phí công sức trên dưới 10 lần đến Trung Đông để thuyết phục và xem giới lãnh đạo Israel-Palestine đàm phán. Theo báo Guardian, sự thỏa hiệp mới mà ông Kerry đang trông chờ vào Israel và Palestine là kéo dài thời hạn đàm phán thêm 9 tháng.

Đây không phải là lần đầu tiên Israel thông báo ngưng đàm phán với Palestine. Tel Aviv cũng đã hành động tương tự khi Tổng thống Mahmoud Abbas ký 15 hiệp ước quốc tế, khẳng định vai trò của lãnh đạo “nhà nước quan sát viên” trực thuộc Liên Hiệp Quốc. Dù Tổng thống Abbas tuyên bố không chấp nhận kéo dài thời hạn đàm phán, nhưng những bước đi mới của ông đều bị Mỹ và Israel coi là làm chệch hướng tiến trình này.

Trên thực tế, Israel cũng đâu có tuân thủ điều kiện đàm phán khi không ngừng mở rộng các khu định cư Do Thái tại Bờ Tây và thành phố Đông Jerusalem chiếm đóng trái phép của người Palestine. Đây là lý do Hamas phản đối chính quyền Fatah ngồi vào bàn thương lượng với Tel Aviv.

Tuy nhiên, sự đối đầu giữa Hamas và Fatah suốt 7 năm qua đã khiến Palestine bị lép vế trước Israel. Hai bên đã vài lần đồng ý thành lập chính phủ chia sẻ quyền lực với sự bảo trợ của khối A-rập nhưng đều thất bại dưới tác động đe dọa của Mỹ và Israel. Lần này, hai bên thống nhất thành lập chính phủ trong vòng 5 tuần và tổ chức tổng tuyển cử khoảng 6 tháng sau.

Tinh thần đoàn kết giữa chính trị và vũ trang sẽ tạo nên sức nặng của thực thể Palestine trên bàn đàm phán trước Israel. Do Hamas bị Mỹ, Israel và Liên minh châu Âu dán nhãn là một tổ chức khủng bố (vì đòi hủy diệt nhà nước Do Thái), thủ lĩnh phong trào này, ông Ismail Haniya đã tỏ ra thức thời với cam kết chính quyền đoàn kết dân tộc sẽ “có nghĩa vụ duy trì chính sách của Tổng thống Abbas”.

KIẾN HÒA

Chia sẻ bài viết