12/04/2020 - 10:14

Thực phẩm tăng cường hoóc-môn tích cực dopamine 

Theo nghiên cứu mới đây về dịch COVID-19, virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) có khả năng làm giảm nồng độ dopamine - một chất dẫn truyền thần kinh nuôi dưỡng cảm giác tích cực, sự lạc quan và hạnh phúc - trong não. Một nghiên cứu trước đó cho thấy virus gây hội chứng suy hô hấp cấp tính nặng (SARS) làm biến đổi tế bào thần kinh và sợi thần kinh, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của não và gây ra nhiều vấn đề, chẳng hạn như viêm não. Do COVID-19 tương tự SARS, nên nó được cho cũng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến chức năng não.

Cá béo và cà phê là những thực phẩm giúp tăng nồng độ dopamine. Ảnh: Boldsky

Dù vậy, các chuyên gia tin rằng tăng cường hàm lượng dopamine trong cơ thể thông qua ăn uống có thể ngăn ngừa những tác hại tiềm ẩn của bệnh COVID-19. Lý do là khi hiện diện với nồng độ cao, dopamine giúp tăng cường cảm giác vui vẻ, phấn chấn và tràn trề năng lượng, sẵn sàng đương đầu với khó khăn. Trái lại, thiếu dopamine sẽ làm giảm hứng thú, giảm tập trung, giảm ham muốn tình dục, tinh thần mệt mỏi và dễ bị trầm cảm...

Dưới đây là những thực phẩm giúp gia tăng hoóc-môn dopamine cho cơ thể:

Hạnh nhân. Đạm làm tăng nồng độ dopamine trong cơ thể. Trong khi đó, hạnh nhân rất giàu tyrosine - một axít amin cấu thành đạm, từ đó giúp sản xuất dopamine.

Chuối. Chuối chứa hàm lượng cao tyrosine cùng một loại flavonoid gọi là quercetin. Cả hai đều giữ vai trò cực kỳ quan trọng trong việc sản sinh dopamine. Ngoài ra, chuối còn chứa nhiều vitamin có lợi cho não.

Sữa. Các sản phẩm từ sữa chứa các axít amin thiết yếu như phenylalanine, tyrosine và mergenolone, giúp sản sinh dopamine cũng như các hoóc-môn thiết yếu trong cơ thể.

Cá béo. DHA hoặc axít docosahexaenoic là loại axít béo omega-3 chủ yếu có trong cá hồi, cá thu, cá mòi hay cá trích. DHA cải thiện nồng độ dopamine trong cơ thể cũng như hỗ trợ điều trị các bệnh lý như rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) và trí nhớ kém.

Cà phê. Cà phê chứa hàm lượng cao caffeine, đóng vai trò như một chất kích thích hệ thần kinh trung ương và giúp giải phóng dopamine trong não. Ngoài cà phê, trà, trà xanh và sô-cô-la đen cũng rất giàu caffeine.

Nho. Nho chứa một chất chống ôxy hóa quan trọng gọi là resveratrol, giúp gia tăng nồng độ dopamine trong não, cũng như ngăn chặn tình trạng chết tế bào nhờ có khả năng làm giảm căng thẳng ôxy hóa trong cơ thể.

Quả việt quất. Trái cây này rất giàu flavonoid, anthocyanin và các chất chống ôxy hóa giúp bảo vệ sức khỏe não bộ và thúc đẩy sản sinh dopamine. Việt quất cũng giúp ngăn ngừa Parkinson nhờ khả năng làm giảm căng thẳng ôxy hóa ở vùng chất đen (substantia nigra) và vùng vân (striatum) trong não.

Cải bó xôi. Cải bó xôi và các loại rau lá xanh đậm khác rất giàu serotonin, chất dẫn truyền thần kinh giống như dopamine. Chúng cũng rất giàu tyrosine giúp tăng cường nồng độ dopamine trong não.

Nấm. Hợp chất uridine trong nấm giúp khôi phục nồng độ dopamine trong não. Hợp chất này cũng giữ vai trò quan trọng trong việc tổng hợp các thụ thể dopamine mới cũng như cải thiện trí nhớ và tăng cường sự tỉnh táo. Ngoài ra, nấm cũng hỗ trợ điều trị các bệnh lý về tâm thần như trầm cảm.

Yến mạch. Yến mạch rất giàu tinh bột phức hợp, điều chỉnh việc sản sinh axít amin tryptophan vốn có tác dụng giúp sản sinh serotonin - “hoóc-môn hạnh phúc” giúp điều chỉnh tâm trạng, cảm xúc, sự thèm ăn…

Ngoài ra, bạn cũng có thể cải thiện nồng độ dopamine trong cơ thể bằng cách giảm tiêu thụ chất béo, bổ sung men vi sinh, có chế độ ăn giàu đạm, tập thể dục mỗi ngày; ngủ đủ giấc, nghe nhạc, nạp vitamin D qua ánh nắng, tập yoga hoặc thiền, mát-xa thư giãn; làm những việc mang tính sáng tạo…

TRÍ VĂN (Theo Boldsky)

Chia sẻ bài viết