02/01/2012 - 17:51

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình:

Thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại các tổ chức tín dụng

 

Năm 2011, trước nhiều khó khăn thách thức từ diễn biến bất lợi của kinh tế thế giới cũng như những thiệt hại do hậu quả của thiên tai, nhưng với sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, đất nước ta đã đạt được những thành tựu đáng trân trọng trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng hợp lý, đảm bảo an sinh xã hội...Trong đó, tăng trưởng GDP đạt khoảng 6%, chỉ số giá tiêu dùng cả năm là 18,13% là một cố gắng vượt bậc. Có được kết quả này, điều hành chính sách tiền tệ đóng vai trò quan trọng và đây là công cụ trọng tâm để Nhà nước điều hành nhằm thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội. Nhân dịp này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình có cuộc trả lời báo chí về công tác điều hành chính sách tiền tệ cũng như tiến trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn của đời sống kinh tế đang vận động và phát triển nhanh.

* Những đánh giá của Thống đốc về hệ thống các TCTD Việt Nam hiện nay?

- Trong những năm qua , các tổ chức tín dụng (TCTD) Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng góp phần thúc đẩy tiến trình đổi mới và phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Sự an toàn, ổn định của hệ thống các TCTD đóng vai trò quyết định đối với sự ổn định hệ thống tài chính và là một trong những yếu tố quan trọng ổn định kinh tế vĩ mô. Các TCTD động viên và cung cấp một khối lượng vốn tín dụng to lớn cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thúc đẩy đầu tư, tăng trưởng kinh tế nhanh, tạo công ăn việc làm và góp phần xóa đói, giảm nghèo, thực hiện các chính sách xã hội của Nhà nước. Đồng thời, ngân hàng cũng là một trong những ngành đi tiên phong về mở cửa thị trường và hội nhập quốc tế.

Hệ thống ngân hàng 2 cấp với sự đa dạng về quy mô, sở hữu, loại hình TCTD đã được hình thành và vận hành tốt theo cơ chế thị trường trong khuôn khổ pháp lý ngày càng được hoàn thiện hơn. Số lượng các TCTD tăng lên nhanh chóng và đến nay hệ thống các TCTD bao gồm: 1 ngân hàng phát triển, 1 ngân hàng chính sách xã hội, 5 NHTM Nhà nước sở hữu 100% vốn hoặc cổ phần chi phối (sau đây gọi là NHTMNN), 37 ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP), 54 chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 5 ngân hàng 100% vốn nước ngoài, 4 ngân hàng liên doanh, 17 công ty tài chính, 12 công ty cho thuê tài chính, 1 QTDND Trung ương, 1.085 QTDND cơ sở và 1 tổ chức tài chính vi mô. Sự tồn tại của nhiều loại hình TCTD với các quy mô khác nhau đã tạo điều kiện đáp ứng nhu cầu đa dạng của nền kinh tế về dịch vụ ngân hàng.

Năng lực tài chính và quy mô hoạt động của các TCTD tăng nhanh; Tín dụng ngân hàng trở thành nguồn vốn quan trọng cho hệ thống doanh nghiệp và nền kinh tế. Tổng dư nợ tín dụng của các TCTD cho nền kinh tế tăng trưởng bình quân 29,4%/năm trong giai đoạn 2000-2010 và đến cuối năm 2010 tương đương khoảng 116% GDP. Năng lực cạnh tranh và cung ứng dịch vụ ngân hàng ngày càng được cải thiện, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của nền kinh tế.

* Vì sao đến nay phải quyết liệt đặt ra vấn đề tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng?

- Cùng với sự phát triển nhanh về quy mô, các TCTD hiện nay đang tiềm ẩn những yếu kém, rủi ro nhất định. Hệ thống các TCTD tiềm ẩn rủi ro tín dụng và rủi ro thanh khoản khá cao, tính ổn định, hiệu quả hoạt động và khả năng cạnh tranh chưa cao.

Nguyên nhân của những yếu kém này xuất phát từ những yếu tố khách quan (kinh tế vĩ mô trong nước, ngoài nước kém ổn định, hệ thống doanh nghiệp nhiều yếu kém, khuôn khổ thể chế còn bất cập,...) và yếu tố chủ quan (năng lực quản trị, điều hành, tài chính, trình độ cán bộ và công nghệ nhiều hạn chế,...). Trong suốt thời gian dài vừa qua, Đảng và Chính phủ đã tạo điều kiện thuận lợi cho các TCTD ra đời và phát triển nhanh nhưng chất lượng, hiệu quả hoạt động của các TCTD chậm được cải thiện, nhiều yếu kém không được xử lý kịp thời, triệt để. Các TCTD hoạt động thiếu công khai, minh bạch. Nguyên tắc thị trường trong hoạt động ngân hàng không được đề cao. Khuôn khổ pháp lý chậm được đổi mới và hoàn thiện theo yêu cầu thực tiễn. Những yếu kém hiện nay của một bộ phận các TCTD không được xử lý kịp thời có thể tác động bất lợi đến ổn định kinh tế vĩ mô và hệ thống tài chính quốc gia. Để thực hiện mục tiêu Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015, Việt Nam cần phát triển một hệ thống các TCTD có quy mô lớn hơn, chất lượng và hiệu quả hoạt động tốt hơn. Đồng thời, trong bối cảnh Việt Nam đang ngày mở cửa thị trường và hội nhập quốc tế sâu sắc thì hệ thống các TCTD cũng cần phải được củng cố và phát triển để có đủ khả năng tận dụng cơ hội phát triển mới và đối phó với những thách thức, cú sốc từ bên ngoài, chẳng hạn khủng hoảng, biến động bất lợi của thị trường tài chính – tiền tệ quốc tế. Chủ trương cơ cấu lại hệ thống các TCTD đặt ra hiện nay do yêu cầu cần khắc phục những tồn tại, yếu kém và đòi hỏi của nền kinh tế trong giai đoạn phát triển mới.

* Đề nghị Thống đốc cho biết mục tiêu tái cơ cấu hệ thống các TCTD lần này là gì?

- Mục tiêu tái cơ cấu hệ thống các TCTD lần này nhằm hướng tới đến năm 2020 phát triển được hệ thống các TCTD đa năng theo hướng hiện đại, hoạt động an toàn, hiệu quả vững chắc với cấu trúc đa dạng về sở hữu, quy mô, loại hình có khả năng cạnh tranh lớn hơn và dựa trên nền tảng công nghệ, quản trị ngân hàng tiên tiến phù hợp với thông lệ, chuẩn mực quốc tế về hoạt động ngân hàng nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu về dịch vụ tài chính, ngân hàng của nền kinh tế. Trong giai đoạn 2011-2015, tập trung lành mạnh hóa tình trạng tài chính và củng cố năng lực hoạt động của các TCTD; Cải thiện mức độ an toàn và hiệu quả hoạt động của các TCTD; Nâng cao trật tự, kỷ cương và nguyên tắc thị trường trong hoạt động ngân hàng. Phấn đấu đến cuối năm 2015 hình thành được ít nhất 1-2 NHTM có quy mô và trình độ tương đương với các ngân hàng trong khu vực.

Theo đó, các TCTD Việt Nam sẽ được cơ cấu lại toàn diện về tài chính, hoạt động, quản trị và sở hữu bằng các hình thức, biện pháp và lộ trình thích hợp. Chính phủ kiên quyết không để xảy ra đổ vỡ và mất an toàn hoạt động ngân hàng ngoài tầm kiểm soát trong quá trình cơ cấu lại hệ thống các TCTD.

* Thuận lợi và khó khăn của việc cơ cấu lại hệ thống các TCTD Việt Nam trong thời điểm hiện nay?

- Về thuận lợi, cơ cấu lại hệ thống các TCTD được đặt trong chương trình tổng thể tái cơ cấu đầu tư và tái cơ cấu doanh nghiệp để thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế. Mục đích cơ cấu lại các TCTD là vì lợi ích quốc gia, dân tộc chứ không vì lợi ích nhóm cục bộ. Do đó, cơ cấu lại hệ thống các TCTD nhận được sự quyết tâm và đồng thuận cao về mặt chính trị - xã hội. Các TCTD ý thức rõ ràng về sự cần thiết phải cơ cấu lại để hoạt động an toàn và hiệu quả hơn. Trong vài năm tới, Việt Nam không bị quá câu thúc bởi mục tiêu tăng trưởng kinh tế để tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, do đó áp lực tăng trưởng tín dụng của hệ thống các TCTD giảm bớt là phù hợp với đặc điểm của hệ thống ngân hàng thường có tốc độ tăng trưởng tín dụng chậm lại trong thời kỳ tái cấu trúc.

Về khó khăn, nền kinh tế đang chịu áp lực lạm phát cao và còn tồn tại những yếu tố có thể gây bất ổn vĩ mô. Nguồn lực của Chính phủ hạn chế do thâm hụt ngân sách lớn, nợ công đã ở mức cao và đang tăng nhanh. Các chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ tập trung kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Khuôn khổ pháp lý cho việc cơ cấu lại doanh nghiệp, tài chính, ngân hàng chưa hoàn chỉnh và đồng bộ, đặc biệt là vấn đề phá sản, quyền sở hữu tài sản và nghĩa vụ tài chính. Kinh tế, tài chính thế giới diễn biến không thuận lợi. Cuộc khủng hoảng nợ công ở Châu Âu có nguy cơ trở thành cuộc khủng hoảng tài chính tác động bất lợi đến hệ thống ngân hàng trong nước. Ngoài ra, tâm lý người dân không ổn định dễ phản ứng thái quá nếu không được định hướng đúng đắn và tuyên truyền đầy đủ về các chủ trương, chính sách cơ cấu lại ngân hàng.

* NHNN sẽ đề xuất với Chính phủ các gói giải pháp đồng bộ nào để cơ cấu lại các TCTD?

- Để thực hiện được các mục tiêu, định hướng nêu trên, NHNN đã nghiên cứu và đề xuất gói giải pháp đồng bộ cơ cấu lại các TCTD như sau:

Thứ nhất, khuyến khích việc sáp nhập, hợp nhất, mua lại ngân hàng theo nguyên tắc tự nguyện, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và các quyền, nghĩa vụ kinh tế của các bên có liên quan theo quy định của pháp luật. Để bảo đảm an toàn, ổn định của hệ thống, một số TCTD có mức độ rủi ro, nguy cơ mất an toàn cao sẽ được áp dụng các biện pháp xử lý đặc biệt theo quy định của pháp luật. Về phương diện các TCTD, cơ cấu lại TCTD cũng là cơ hội thuận lợi để các TCTD tăng nhanh hơn về quy mô và nâng cao khả năng cạnh tranh.

Thứ hai, các TCTD cần được đánh giá, phân loại thành TCTD lành mạnh, TCTD thiếu thanh khoản tạm thời và TCTD yếu kém. Các TCTD lành mạnh được tạo điều kiện phát triển về quy mô và năng lực cạnh tranh trong nước, quốc tế. Các TCTD yếu kém, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn hệ thống cần được ưu tiên tái cơ cấu để trở lại thị trường hoạt động theo các chuẩn mực, quy định của pháp luật. Nếu TCTD yếu kém không thể phục hồi được thì phải được kiên quyết đưa ra khỏi thị trường một cách có trật tự để bảo đảm kỷ luật thị trường và sự lành mạnh, an toàn của hệ thống các TCTD. TCTD tạm thời thiếu thanh khoản sẽ được NHNN hỗ trợ để phục hồi, đồng thời phải chấn chỉnh, củng cố để hoạt động lành mạnh, an toàn hơn.

Thứ ba, trong quá trình cơ cấu lại hệ thống các TCTD, đặc biệt là xử lý những TCTD yếu kém, các NHTMNN và các NHTMCP lành mạnh sẽ là lực lượng chủ lực tham gia tích cực với sự hỗ trợ thích hợp của Chính phủ và NHNN về cơ chế, chính sách và nguồn lực để thực hiện. Đây cũng là đặc trưng riêng phản ánh tính hệ thống chặt chẽ của các TCTD. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa Chính phủ và NHNN “bao cấp” toàn bộ cho việc cơ cấu lại TCTD. Tổn thất và chi phí trong quá trình xử lý yếu kém của hệ thống các TCTD cần phải được chia sẻ hợp lý giữa các bên có liên quan theo quy định của pháp luật (Nhà nước, chủ sở hữu, nhà đầu tư và người gửi tiền). Trong đó, chủ sở hữu ngân hàng phải chịu trách nhiệm đầu tiên và cuối cùng về những tổn thất xảy ra đối với TCTD và lợi ích của Nhà nước, tài sản của nhân dân phải được bảo vệ tốt nhất.

Thứ tư, thực hiện lành mạnh hóa tài chính với trọng tâm là xử lý nợ xấu, bảo đảm mức độ đủ vốn theo quy định của pháp luật và thay đổi cấu trúc của bảng cân đối kế toán theo hướng lành mạnh, bền vững hơn.

Thứ năm, củng cố, phát triển các hoạt động kinh doanh chính và giảm các lĩnh vực kinh doanh nhiều rủi ro, kém hiệu quả của TCTD. Tập trung tín dụng ngân hàng vào các ngành, lĩnh vực thuộc 3 khâu đột phá chiến lược trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020 và phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ, sản xuất – chế biến, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Từng bước chuyển dịch mô hình kinh doanh của các NHTM theo hướng giảm bớt sự phụ thuộc vào hoạt động tín dụng và tăng nguồn thu nhập từ hoạt động dịch vụ phi tín dụng. Đa dạng hóa và nâng cao chất lượng dịch vụ ngân hàng.

Thứ sáu, đổi mới hệ thống quản trị ngân hàng phù hợp hơn các thông lệ chuẩn mực quốc tế với trọng tâm là triển khai các hệ thống quản trị rủi ro phù hợp với các nguyên tắc, chuẩn mực của Ủy ban Basel . Tăng tính minh bạch hóa hoạt động ngân hàng và tính đại chúng của các TCTD.

* Trân trọng cảm ơn Thống đốc.

MINH THƯ - TTXVN (thực hiện)

Chia sẻ bài viết