25/07/2019 - 09:47

Thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp và khởi nghiệp nông thôn 

Huyện Vĩnh Thạnh là một trong những vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của TP Cần Thơ với hơn 25.600ha đất sản xuất. Những năm qua, thực hiện đề án tái cơ cấu nền nông nghiệp, huyện Vĩnh Thạnh đã tổ chức lại sản xuất theo hướng tăng cường liên kết, hợp tác, gắn với nâng cao chất lượng, đảm bảo tiêu chuẩn sạch, an toàn, mà trọng tâm là thành lập các hợp tác xã (HTX) theo chuỗi giá trị nông sản nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập, thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp và khởi nghiệp nông thôn.

Mô hình trồng ớt xen canh với lúa của nông dân xã Thạnh Tiến mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Tính đến nay toàn huyện đã phát triển được 22 HTX nông nghiệp và 86 cánh đồng lớn với tổng diện tích hơn 14.800ha. Mỗi năm, huyện Vĩnh Thạnh sản xuất được hơn 460.000 tấn lúa hàng hóa, phát triển gần 1.500ha hoa màu, vườn cây ăn trái và hơn 725ha diện tích nuôi thủy sản. Lĩnh vực chăn nuôi tiếp tục duy trì và phát triển ổn định với gần 30.000 con gia súc và 335.000 con gia cầm… nâng tổng giá trị toàn ngành nông nghiệp ước đạt hơn 3.640 tỉ đồng/năm. Theo đánh giá của ngành nông nghiệp huyện, các HTX hoạt động ổn định, nhiều HTX bước đầu triển khai các hoạt động sản xuất kinh doanh và có lợi nhuận, điển hình như HTX Nhân Lợi ở xã Thạnh Lộc được thành lập năm 2017, đến nay đã phát triển được 55 thành viên, tổng vốn điều lệ 2,2 tỉ đồng. Mỗi năm, HTX cung ứng vật tư, phân bón cho khoảng 620ha, sản xuất 220 tấn lúa giống chất lượng cao, cùng các hoạt động làm đất, thu hoạch, thu gom lúa hàng hóa tạm trữ,… đem lại doanh thu cho HTX hơn 4 tỉ đồng, hay HTX Khiết Tâm, xã Thạnh Lợi thu lợi nhuận mỗi năm đạt hơn 700 triệu đồng, HTX Hiếu Bình, xã Thạnh An chia lợi nhuận từ 10-15%/năm trên tổng vốn điều lệ của các thành viên… Đây chính là những đầu tàu trong phát triển kinh tế nông nghiệp và khởi nghiệp nông thôn. Cùng với đó, nhiều mô hình sản xuất hiệu quả được các nông hộ áp dụng cho thu nhập khá như: mô hình trồng cây ăn trái, nuôi tôm càng xanh toàn đực ở xã Thạnh Mỹ, mô hình nuôi ếch, nuôi lươn, trồng bầu, bí, ớt, dưa leo, củ cải trắng, bằng hình thức chuyên canh hoặc xen canh trên đất lúa ở các xã Vĩnh Bình, Thạnh Lộc, Vĩnh Trinh, Thạnh Quới, Thạnh Tiến… góp phần nâng cao thu nhập và đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi.

Bên cạnh những kết quả đạt được, huyện Vĩnh Thạnh vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn do thị trường biến động, đầu ra sản phẩm gặp nhiều bất lợi, mối liên kết "4 nhà" chưa chặt chẽ, nhất là sự liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp… Bà Nguyễn Kim Tuyết, Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Thắng, nói: "Việc vận động nông dân tham gia cánh đồng lớn, tổ hợp tác, HTX được nông dân rất đồng tình, liên kết sản xuất hiệu quả trong các khâu tổ chức sản xuất từ làm đất, vệ sinh đồng ruộng, bơm rút nước, thu hoạch bằng cơ giới… Thế nhưng liên kết trong khâu tiêu thụ còn gặp nhiều trở ngại, diện tích tiêu thụ lúa thông qua hợp đồng chưa nhiều, hợp đồng dễ bị phá vỡ do chưa có sự ràng buộc về tính pháp lý giữa doanh nghiệp và nông dân".

Còn ở xã Thạnh Mỹ vài năm gần đây phát triển mạnh mô hình làm vườn, địa phương khuyến khích nông dân, thanh niên khởi nghiệp  cải tạo vườn tạp hoặc chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái, đến nay phát triển được hơn 45ha. Ông Phạm Minh Trí, Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Mỹ, cho biết: "Vùng đất Thạnh Mỹ rất thích hợp trồng cây ăn trái, tuy nhiên, hệ thống hạ tầng về điện, đê bao chưa hoàn chỉnh, giá cả đầu ra không ổn định đã ảnh hưởng đến quá trình phát triển".

Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, giai đoạn 2016-2020, định hướng 2025, huyện Vĩnh Thạnh xác định nhiệm vụ trọng tâm là phát triển kinh tế nông nghiệp và khởi nghiệp nông thôn. Trong đó, khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của các vùng sinh thái trên địa bàn để phát triển nông nghiệp, nông thôn, đạt mức tăng trưởng cao và bền vững; hình thành các tiểu vùng nông nghiệp đặc trưng gắn với thị trường thông qua doanh nghiệp, bao gồm: Vùng lúa giống chất lượng cao, vùng sản xuất lương thực, thực phẩm ứng dụng công nghệ cao, vùng cây ăn trái gắn với du lịch sinh thái, vùng phát triển chăn nuôi an toàn sinh học và nuôi trồng thủy sản tập trung… Đến năm 2025, phát triển diện tích trồng hoa màu đạt 2.770ha và 450ha vườn cây ăn trái, phát triển diện tích nuôi thủy sản khoảng 1.500ha, nâng mức thu nhập trung bình 1ha đạt 130 triệu đồng/năm. Theo đó, phát triển vùng sản xuất 2 lúa-1 màu tại các vùng đất gò cao ven sông, rạch và có đê bao đủ cao độ ở các xã Vĩnh Trinh, Vĩnh Bình, Thạnh Mỹ, Thạnh Lộc, vùng 2 vụ lúa-1 vụ thủy sản vào mùa lũ, vùng 1 vụ lúa-1 vụ tôm ở các xã Thạnh Quới, Thạnh Mỹ, Vĩnh Trinh, thị trấn Vĩnh Thạnh, vùng sản xuất 3 vụ lúa tập trung ở các xã phía Bắc Cái Sắn, gồm: Thạnh An, Thạnh Thắng, Thạnh Lợi và 1 số xã bờ Nam thích hợp…

Ông Phan Văn Năm, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Thạnh đề xuất giải pháp: "Cùng với tăng cường đầu tư hoàn chỉnh hệ thống cơ sở hạ tầng về điện, đê bao, thủy lợi, củng cố nâng cao chất lượng hoạt động các mô hình liên kết, cánh đồng lớn, tổ hợp tác, HTX, chú trọng phát triển các mô hình kinh tế gia trại, trang trại, liên kết theo chuỗi giá trị… Ngành nông nghiệp tiếp tục phối hợp chuyển giao các quy trình sản xuất tiến bộ, phù hợp với từng loại cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao chất lượng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP,… từng bước hình thành vùng nguyên liệu chất lượng cao thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư, thực hiện liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm".

Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Văn Phoal, Trưởng Phòng Kinh tế-Hạ tầng, cho rằng: "Khó khăn lớn nhất hiện nay là thị trường tiêu thụ và giá cả không ổn định, người nông dân còn nhiều thiệt thòi. Vì vậy, phải đẩy mạnh tổ chức sản xuất, tăng cường liên kết giữa nông dân với nông dân, nông dân với doanh nghiệp, cần tăng cường quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ, có cơ chế hỗ trợ các tổ hợp tác, HTX, tạo điều kiện cho các tổ chức này có đủ khả năng làm cầu nối, đối tác trong tham gia vào chuỗi giá trị".

Ông Đỗ Sĩ Nhường, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, khẳng định: "Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi được xem là nhiệm vụ lâu dài trong chiến lược phát triển kinh tế địa phương, gắn với thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của thành phố và hoàn thiện, nâng chất các tiêu chí nông thôn mới. UBND huyện đã chỉ đạo ngành nông nghiệp tăng cường phối hợp với các ngành có liên quan và các xã, thị trấn tăng cường công tác nghiên cứu, quy hoạch vùng sản xuất phù hợp, ưu tiên phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện gắn với Đề án mỗi xã một sản phẩm (OCOP) để xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý. Đồng thời, tận dụng hiệu quả các cơ chế chính sách và tranh thủ sự hỗ trợ của các sở, ban ngành thành phố, phát huy nội lực thực hiện thắng lợi Đề án trên, góp phần nâng cao đời sống nhân dân".

Bài, ảnh: Minh Hải

Chia sẻ bài viết