 |
Cảnh sát dùng vòi rồng đối phó người biểu tình chống chính phủ tại Istanbul hôm 22-12. |
Hôm 22-12, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã cảnh cáo những người chống đối rằng sẽ "đập vỡ tay" nếu như họ dám dùng vụ điều tra tham nhũng đang mở rộng tại quốc gia này để hủy hoại chính phủ của ông, bất chấp việc hàng ngàn người biểu tình đang giận dữ kêu gọi chính phủ từ chức.
"Mọi người sẽ biết vị trí của họ. Những ai dám làm hại, khuấy động hoặc gài bẫy tại đất nước này, chúng tôi sẽ tới đập vỡ tay họ" - ông Erdogan tuyên bố trước những người ủng hộ đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền. Phát biểu mạnh mẽ trên được Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra giữa lúc cảnh sát chống bạo động nước này bắn hơi cay và xịt vòi rồng để giải tán hàng ngàn người biểu tình tụ họp tại Istanbul kêu gọi chính phủ do AKP lãnh đạo từ chức.
Cũng trong hôm 22-12, Bộ trưởng Nội vụ Muammer Guler đã đệ đơn từ chức lên Thủ tướng Erdogan sau khi cuộc điều tra tham nhũng quy mô lớn dẫn tới việc bắt giữ 24 nghi can, trong đó có con trai ông Guller, con trai Bộ trưởng Kinh tế Zafer Caglayan và Giám đốc điều hành ngân hàng quốc doanh Halkbank - ông Suleyman Aslan. Những người này bị nghi ngờ phạm phải nhiều tội, trong đó có hành vi nhận hối lộ để thông qua các dự án phát triển và đảm bảo cấp phép xây dựng tại các khu vực vốn được bảo vệ. Cảnh sát cũng đã thu giữ 4,5 triệu USD tiền mặt giấu trong các hộp đựng giày ở căn hộ của ông Aslan.
Tuy nhiên, Thủ tướng Erdogan vẫn một mực khẳng định vụ điều tra tham nhũng này là một "chiến dịch bẩn" nhằm chống lại ông - vốn nắm giữ quyền lực kể từ năm 2002. Để đáp trả, ông Erdogan đã ra lệnh sa thải hoặc chuyển vị trí công tác đối với khoảng 70 cảnh sát cao cấp (bao gồm cả cảnh sát trưởng Istanbul) do đã tham gia các vụ bắt giữ mà không được sự cho phép. Nhiều nhà phân tích nhận định rằng các quyết định sa thải là nỗ lực của chính phủ nhằm "thanh trừng" lực lượng cảnh sát vốn là những người theo phe giáo sĩ Hồi giáo Fethullah Gulen, một cựu đồng minh của Thủ tướng. Trong khi đó, các đảng đối lập cáo buộc hành động đó của ông Erdogan là nhằm cố gắng "minh oan" cho vụ bê bối trên. Theo hãng tin Reuters, cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay tại Thổ Nhĩ Kỳ là kết quả của mối quan hệ rạn nứt ngày càng lớn giữa Thủ tướng Erdogan và ông Gulen, người hiện sống lưu vong ở Mỹ nhưng có ảnh hưởng rất lớn đối với giới cảnh sát, lực lượng mật vụ và tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ.
Đây là lần thứ 2 Thủ tướng Erdogan bị "ngáng đường" trong năm nay, sau làn sóng biểu tình lớn chống chính phủ hồi tháng 6 mà nguyên do xuất phát từ cuộc trấn áp của cảnh sát đối với những người biểu tình "ngồi" để phản đối kế hoạch phát triển công viên Istanbul. Trước mắt, vị trí của ông Erdogan vẫn chưa bị đe dọa, nhưng vụ xì-xăng-đan tham nhũng này có thể sẽ quyết định kết quả các cuộc bầu cử quan trọng diễn ra trong năm tới, bắt đầu bằng cuộc bầu cử địa phương vào tháng 3.
NGUYỆT CÁT (Theo AFP,AP, Reuters)