28/11/2013 - 08:44

Thủ tướng Thái Lan đề nghị đối thoại chấm dứt bất ổn

Người biểu tình tiến về trụ sở Bộ Công nghiệp ngày 27-11. Ảnh: AP

* Biểu tình lan rộng ra ngoài Thủ đô Bangkok

Tân Hoa Xã đưa tin, Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra ngày 27-11 tuyên bố chính phủ sẵn sàng đối thoại với những người biểu tình nhằm tìm ra giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng chính trị đang diễn ra tại nước này.

Tuyên bố trên được bà Yingluck đưa ra trong cuộc trả lời phỏng vấn báo giới trước khi tham dự ngày thứ hai của cuộc tranh luận bất tín nhiệm tại Hạ viện.Tại đây, bà hối thúc tất cả các bên cùng ngồi vào bàn đàm phán để chấm dứt tình trạng bất ổn chính trị mà bà cho rằng đang làm phương hại nền kinh tế Thái Lan.Hãng Thông tấn Thái dẫn lời bà Yingluck nêu rõ: "Chính phủ Thái Lan để ngỏ cánh cửa đối thoại. Bất cứ điều gì tốt cho đa số, chúng tôi sẵn sàng hợp tác".

Thủ tướng Yingluck cho biết thêm bất chấp việc thực thi Luật An ninh Nội địa (ISA) tại tất cả các quận ở Thủ đô Bangkok và các tỉnh lân cận, chính phủ Thái Lan vẫn ủng hộ các biện pháp hòa bình không sử dụng vũ lực chống lại những người biểu tình đang bao vây hoặc chiếm giữ các trụ sở chính quyền. Tuy nhiên, bà kiên quyết cho rằng cái gọi là "chính quyền Thaksin" chưa từng tồn tại, đồng thời khẳng định: "Chỉ tồn tại duy nhất một chế độ. Đó là chế độ dân chủ".

Ngày biểu tình thứ 4 ở Thủ đô Bangkok của Thái Lan tiếp diễn bằng hoạt động bao vây cô lập thêm các tòa nhà chính phủ. Sau khi từng nhóm người phong tỏa một phần Bộ Tài chính, Ngoại giao, Nội vụ, Giao thông, Nông nghiệp và Du lịch ở trung tâm thủ đô, ngày 27-11, người dẫn đầu cuộc biểu tình Suthep Thaugsuban kéo khoảng 4.000 người đến án ngữ tại khu phức hợp ở phía Bắc Bangkok, nơi đặt trụ sở của Cục Điều tra Đặc biệt (tương đương Cục Điều tra Liên bang Mỹ, FBI), các tổng cục thuế, quản lý thu nhập, nhập cư và đất đai, trong đó toàn bộ nhân viên Cục Điều tra Đặc biệt đã phải sơ tán. Một số nhóm nhỏ khác có nhiệm vụ cô lập thêm Bộ Lao động, Năng lượng, Y tế và Thương mại.

Hãng tin Reuters cho biết cuộc biểu tình ngày 27-11 đã lan sang 19 tỉnh xung quanh Bangkok và khu vực phía Nam, chủ yếu tập trung tại các cơ quan chính quyền địa phương.

Bất chấp tình trạng giới nghiêm được ban bố, ông Suthep thúc giục những người ủng hộ chiếm giữ tất cả các cơ quan chính phủ trên khắp Thái Lan cho đến khi nào lật đổ được Thủ tướng Yingluck Shinawatra mà ông dự kiến sẽ thành hiện thực "trong ít ngày nữa". Phát biểu trước đám đông người biểu tình, ông Suthep đã đưa ra sáu điểm cải cách "sau khi chế độ hiện nay bị lật đổ", đó là: Bầu cử tự do và công bằng, bài trừ nạn tham nhũng, thật sự tôn trọng quyền lực của người dân, xây dựng lại lực lượng cảnh sát, thiết lập luật lệ và quy định mới cho các quan chức chính quyền, xây dựng một chương trình quốc gia cho giáo dục, giao thông và y tế.

Trong một phản ứng đầu tiên, Bộ Quốc phòng Thái Lan đã lên án hành động chiếm giữ trụ sở cơ quan công quyền của người biểu tình và cho đó là những hành động phạm pháp, ảnh hưởng tới an ninh và hình ảnh của đất nước. Trong khi đó, lực lượng cảnh sát khẳng định có đủ thẩm quyền để bắt giữ cựu Phó Thủ tướng Suthep sau khi đã có sự phê chuẩn của Tòa án Hình sự nước này.

V.P (Theo AFP, Reuters, AP, TTXVN)

 

Chia sẻ bài viết