14/08/2019 - 14:17

Thử thách quan hệ Trung Quốc-Philippines 

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte dự kiến sẽ thăm Trung Quốc vào cuối tháng này trong bối cảnh dư luận Philippines đang hết sức bất bình về các vấn đề liên quan đến Trung Quốc, bao gồm các hoạt động phi pháp của Bắc Kinh trên Biển Ðông.

Tuy đây là lần thứ 5 ông Duterte công du Trung Quốc, nhưng chuyến đi này nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Đáng chú ý nhất là nhân chuyến thăm Bắc Kinh lần này, ông Duterte cam kết sẽ chính thức đề cập đến phán quyết tháng 7-2016 của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) có trụ sở tại The Hague (Hà Lan) bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò” nuốt trọn 80% diện tích Biển Đông của Trung Quốc. Cam kết của Tổng thống Duterte bước đầu đã nhận được sự ủng hộ của dư luận Philippines, sau khi Trung Quốc có hàng loạt động thái gây phẫn nộ và quan ngại chủ quyền cho Manila.

Hồi tháng 6, một tàu cá Philippines cùng 21 ngư dân trên Biển Đông bị tàu Trung Quốc đâm chìm và bị bỏ mặc trong lúc trời tối trước khi được tàu cá Việt Nam cứu giúp. Mới đây nhất, các tàu chiến và khảo sát hàng hải Trung Quốc đi qua vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines mà không xin phép. Người phát ngôn quân đội Philippines Edgard Arevalo cáo buộc Bắc Kinh hành xử như kẻ “lừa bịp”, “lá mặt lá trái”, còn Bộ trưởng Quốc phòng  Delfin Lorenzana mô tả hành vi của Bắc Kinh là “bắt nạt”. Hiện Philippines đã cấm tàu khảo sát Trung Quốc vào vùng biển của mình. Trước đó, dư luận cũng từng “nổi sóng” khi Tổng thống Duterte thừa nhận ông đã bí mật cho phép tàu cá Trung Quốc hoạt động trong EEZ của Philippines vì “tình hữu nghị giữa hai nước” cũng như tránh xảy ra xung đột.

Tàu cá Philippines bị tàu Trung Quốc đâm chìm hồi tháng 6-2019. Ảnh: EPA

Trong bối cảnh như vậy, việc ông Duterte lần đầu nêu quan điểm về phán quyết của PCA trên Biển Đông là nhằm trấn an dư luận trước khi nhà lãnh đạo này có thể đạt được một thỏa thuận  mới gây tranh cãi với Trung Quốc. Cụ thể, ông Duterte sẽ thảo luận với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sáng kiến thành lập liên doanh thăm dò dầu khí trong EEZ của Philippines tại Biển Đông với tỷ lệ 60-40 có lợi cho Manila. Tuy nhiên, những người phản đối cho rằng đề xuất này là vi hiến trừ khi Trung Quốc thừa nhận chủ quyền của Philippines tại vùng biển mà hai nước hợp tác thăm dò và khai thác dầu khí.

Tổng thống Duterte rõ ràng cho thấy ông không có lựa chọn cứng rắn hơn với Trung Quốc về vấn đề chủ quyền Biển Đông. Tuy nhiên, sức ép chính trị đối với ông Duterte ngày càng lớn khi những lợi ích kinh tế trong quan hệ với Trung Quốc không đạt được kỳ vọng. Trong chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên năm 2016, ông Duterte bỏ qua phán quyết của PCA để nhận được hàng loạt thỏa thuận thương mại, đầu tư, viện trợ và cho vay trị giá 27 tỉ USD, nhưng kết quả không như ý. Trong số 9 tỉ USD vốn vay ODA cam kết từ Trung Quốc, đến nay Philippines mới được giải ngân 1 dự án 62 triệu USD. Trong thỏa thuận 15 tỉ USD vốn FDI và thương mại, Ngân hàng Trung ương Philippines mới ghi nhận 693 triệu USD trong giai đoạn 2017-2018. Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Philippines năm 2017, nhưng cán cân mậu dịch nghiêng hẳn về Bắc Kinh. Năm ngoái, Philippines xuất khẩu 8,8 tỉ USD nhưng nhập khẩu 22 tỉ USD từ Trung Quốc. Đau đầu nữa của Philippines là tình trạng lao động Trung Quốc tràn lan đe dọa đến an ninh quốc gia.

Lần gần nhất ông Duterte đến Bắc Kinh vào tháng 4-2019 và ký kết 19 thỏa thuận đầu tư trị giá hơn 12 tỉ USD. Nhưng các thỏa thuận mới này lại gây bão khi nó chỉ tập trung vào 3 đảo chiến lược phía Bắc Philippines gồm Fuga, Grande và Chiquita.

Xem ra, chiến lược xích lại gần với Trung Quốc trong 3 năm qua đang khiến Philippines gặp nhiều rắc rối và chuyến thăm Bắc Kinh của Tổng thống Duterte sẽ thử thách quan hệ giữa hai nước.

ÐỨC TRUNG (Theo SCMP, Philstar, Atimes)

Chia sẻ bài viết