31/10/2009 - 21:38

Thủ phủ chia buồn!

Giữa trưa 29-10, hồi chuông nhà thờ ở thành phố Wootton Basett thuộc tỉnh Wiltshire (miền Nam nước Anh) rung lên và con đường chính dẫn đến nhà thờ với hàng trăm người đứng hai bên đường bỗng im bặt. Đó là lễ mặc niệm của thân nhân, cựu chiến binh Hoàng gia Anh và những người dân sống và buôn bán trên đường dành cho đoàn xe chở linh cữu của binh nhì James Oakland. Cư dân Manchester 26 tuổi thuộc Cảnh sát Hoàng gia Anh này bị thiệt mạng cách đây một tuần tại chiến trường Afghanistan. Sau vài phút mặc niệm, linh cữu được đoàn xe hộ tống chở đến đặt tại Bệnh viện Oxford trước khi chuyển lại cho gia đình an táng.

Lễ đón linh cữu binh nhì James Oakland. Ảnh: Reuters  

Cảnh chia buồn như vậy đã trở thành chuyện thường nhật ở Wootton Basett đến nỗi người ta đặt cho nó biệt danh “thủ phủ chia buồn” chuyên vinh danh nạn nhân chiến tranh. Tính ra, thành phố 12.000 dân này đã tổ chức 96 lễ mặc niệm cho cả thảy 200 linh cữu trong số hơn 400 lính Anh bỏ mạng ở Iraq và Afghanistan. Tuần nào cũng có 1 hoặc 2 nghi lễ như thế diễn ra. Thỉnh thoảng có một nghi lễ lớn như hồi tháng 7-2009 thu hút khoảng 2.000 người ra đón thi thể của 8 binh sĩ lọt vào ổ phục kích của Taliban.

Chứng kiến “ngày về” của nhiều binh sĩ trẻ, Thị trưởng Steve Bucknell thừa nhận cái giá nhân mạng của hai cuộc chiến trên quá lớn. Tony Lake, cựu binh Không lực Hoàng gia Anh, cho rằng nước này đã và đang “lãng phí nhiều sinh mạng”. Nhiều người dân ở đây trước đây ủng hộ chiến tranh, nhưng khi nhìn thấy nhiều binh sĩ “ra đi không trở lại”, họ nghĩ chiến tranh không nên bùng nổ. Các tổ chức phản chiến thể hiện sự phản đối bằng tuyên bố sẽ không đời nào đặt chân đến Wootton Basett cho đến khi chính phủ rút lại sự hậu thuẫn chiến tranh do Mỹ phát động.

Nghĩ đến tương lai của chiến tranh, cựu binh Peter Storry và bạn chí cốt Brian Fairhurst đến từ tỉnh Lancashire cách Wootton Basett 300 km cho rằng nước Anh sẽ thất bại tại chiến trường Afghanistan và tình hình ở Iraq không tốt đẹp hơn thời Saddam Hussein. Vậy nên Fairhurst cho rằng Luân Đôn nên từ bỏ cuộc chiến và điều này sẽ giúp kẻ chủ chiến Mỹ suy nghĩ lại. Fairhurst bác bỏ luận điệu của Thủ tướng Gordon Brown nói rằng nếu người Anh không tiêu diệt quân khủng bố tại Afghanistan thì chúng sẽ đến Anh gây chết chóc. “Người Afghanistan không phải là mối đe dọa đối với chúng ta, họ khác với quân phát xít Đức trong Thế chiến thứ hai”, Fairhurst khẳng định.

Tuy vậy, nhiều tướng lĩnh cấp cao của Anh vẫn tiếp tục ủng hộ cuộc chiến chưa có hồi kết tại Afghanistan và thúc giục chính phủ nên tăng viện binh và phương tiện tác chiến. Họ muốn tăng thêm 2.000 binh sĩ, chứ không phải 500 như chính phủ dự tính, để hỗ trợ cho hơn 9.000 binh sĩ đang đóng ở Afghanistan. Chính sức ép trái ngược giữa những người ủng hộ và phản chiến nên đến nay Thủ tướng Brown và không một bộ trưởng nào dám đặt chân đến Wootton Basett để cúi đầu đáp tạ những công dân hy sinh dưới ngọn cờ tổ quốc.

PHÚC GIA AN (Theo Le Monde)

PHÚC GIA AN (Theo Le Monde)

Chia sẻ bài viết