11/10/2018 - 21:39

Thủ lĩnh phe đối lập Peru bị bắt 

Hôm 10-10, cảnh sát Peru bắt giam lãnh đạo phe đối lập Keiko Fujimori (ảnh, phải) để điều tra cáo buộc tham nhũng và rửa tiền.

Mang động cơ chính trị?

 Keiko, chủ tịch đảng Lực lượng Nhân dân (PF) lớn nhất tại Quốc hội, tra tay vào còng sau khi trình diện tại văn phòng công tố để cung cấp bằng chứng về cuộc điều tra nghi vấn tổ chức của bà nhận các khoản đóng góp tài chính từ tập đoàn xây dựng Obebrecht của Brazil hồi thời chính khách 43 tuổi này chạy đua vào ghế tổng thống năm 2011. Keiko bị giam 10 ngày, cùng với 19 người khác, bao gồm nhiều nhân vật cấp cao trong PF. 

 Ảnh: DW

Kể từ tháng 6, các công tố viên Peru đã tiến hành điều tra những cáo buộc cho rằng 3 cựu tổng thống nước này nhận tiền hối lộ dưới “vỏ bọc” là tiền ủng hộ tranh cử từ Obebrecht - tâm điểm của những bê bối chính trị trên khắp Mỹ Latinh. Theo các công tố viên, các cựu lãnh đạo Pedro Pablo Kuczynski, Alan Garcia và Alejandro Toledo đều đã nhận những khoản đóng góp tài chính nhưng không khai báo, đổi lại là hứa giúp Obebrecht đánh bại các nhà thầu địa phương. Cách đây 2 năm, ông Kuczynski từng giành chiến thắng sít sao trước bà Keiko trong cuộc bầu cử tổng thống. Nhưng đầu năm nay, Kuczynski buộc phải từ chức sau khi không xua tan được những nghi ngờ về số tiền hàng triệu USD mà Odebrecht trả cho các công ty của ông trước khi nhậm chức. Cựu Tổng thống Ollanta Humala cũng đang là mục tiêu điều tra do bị nghi nhận 3 triệu USD “bôi trơn” từ Obebrecht.

Cuộc điều tra trên bắt nguồn từ lời khai của Jorge Barata, cựu giám đốc chi nhánh Obebrecht tại Peru. Ông này khai đã chuyển hàng triệu USD cho các ứng viên tổng thống Peru trong giai đoạn 2001-2016. Trong năm 2011, tập đoàn Brazil chuyển tiền cho 4 ứng viên, trong đó Keiko nhận 1,2 triệu USD, Toledo 700.000 USD và Kuczynski 300.000 USD. Barata sau đó còn “biếu” thêm 200.000 USD cho Keiko thông qua liên đoàn doanh nghiệp Peru CONFIEP. Công tố viên Jose Domingo Perez tố bà Keiko điều hành “một tổ chức tội phạm” bên trong PF nhằm mục đích nhận tiền trái phép.

Đáp lại, PF gọi việc bắt giam thủ lĩnh của họ là “cuộc đảo chính” hòng tiếm quyền tại Quốc hội. Theo giới phân tích, Keiko bị bắt có thể tạo lợi thế cho Tổng thống đương nhiệm Martin Vizcarra trong việc bắt tay với Quốc hội hiện do PF kiểm soát. Tuy vậy, bước leo thang căng thẳng tại một trong những nền kinh tế ổn định nhất Mỹ Latinh cũng có thể dẫn đến các cuộc phản công từ những đồng minh của bà Keiko. Thật ra, trước khi bị bắt, bà Keiko không thuộc diện điều tra, bởi phần lớn sự chú ý của giới công tố đều hướng về hai trong số các phụ tá cấp cao trong chiến dịch tranh cử của bà năm 2011. Giữa lúc Keiko tranh cử tổng thống năm 2016, Peru mở cuộc điều tra, nên nhiều người theo phe bà cho là mang động cơ chính trị.  

“Tuần lễ đen tối” của gia đình Fujimori

Mặt khác, điều tra mở rộng cũng đã khiến bà Keiko không thể giải quyết “mối thù” với em trai Kenji, trong bối cảnh cả hai đang giành quyền kiểm soát “đế chế” chính trị của thân phụ là Alberto Fujimori, Tổng thống Peru giai đoạn 1990-2000. Diễn biến gây sốc trên xảy ra một tuần sau khi lệnh ân xá ông Alberto bị tòa án hủy bỏ và buộc ông phải trở lại nhà giam. 

Keiko lãnh đạo phong trào bảo thủ của cha từ khi ông trốn khỏi Peru năm 2000 trước khi từ chức tổng thống. Trong lần ra tranh cử tổng thống năm 2011, ái nữ của ông Alberto cũng từng thất bại trước ông Humala. 

THANH BÌNH (Theo AFP, Reuters)

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
Peru