27/05/2019 - 20:05

Thông điệp cho EU 

Cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) như dự đoán đã tạo thêm thế lực cho làn sóng dân túy và chủ nghĩa dân tộc. Dù vậy, giới phân tích đánh giá “sự trỗi dậy” của lực lượng này không mang tính “uy hiếp” như quan ngại của phe truyền thống.

Phe cực hữu Pháp ăn mừng sau khi kết quả sơ bộ được công bố. Ảnh: AP

Theo kết quả sơ bộ được công bố tối 26-5, khối ủng hộ Liên minh châu Âu (EU) gồm đảng Nhân dân châu Âu (EPP) cùng Liên minh Xã hội và Dân chủ (S&D) vẫn là hai đảng mạnh nhất với tổng cộng 44% số ghế tại EP. Tuy vậy, số ghế EPP đã giảm từ 221 xuống còn 179 trong khi S&D từ 191 còn 150. Ngược lại, đảng Xanh cùng Liên minh Tự do và Dân chủ cho châu Âu (ALDE) theo đường lối trung dung có kết quả đột phá với số ghế lần lượt là 67 và 108.

Trước thềm bầu cử, các cuộc thăm dò cho thấy phe dân túy và cực hữu phản đối nhập cư có thể giành số lượng lớn phiếu ủng hộ. Tuy nhiên, đến thời điểm này, phe dân túy dự kiến chỉ chiếm 25% trong số 751 ghế. Trong đó, khối cực hữu Các nước châu Âu và Tự do (ENF) được dự đoán giành 57 ghế, tăng 30 ghế so với trước đây. Đóng góp lớn cho kết quả này là nhờ chiến thắng vang dội của Liên minh phương Bắc ở Ý. Còn tại Pháp, Tổng thống Emmanuel Macron dự đoán sẽ có khoảng thời gian khó khăn khi liên minh của ông thất bại trước đảng cực hữu Đại hội Dân tộc của bà Marine Le Pen. Trong khi đó, đảng Brexit mới thành lập của ông Nigel Farage có lập trường ủng hộ Anh rời EU mà không cần thỏa thuận giành nhiều ghế nhất trong số các đảng của Anh.

Cuộc bầu cử lần này được kỳ vọng gắn kết của các đảng phái ủng hộ châu Âu, qua đó tạo đà cho hành động tập thể trong việc triển khai và thực hiện chính sách kinh tế-đối ngoại của khối. Sau bầu cử, mặc dù phe trung hữu và trung tả vẫn tiếp tục dẫn đầu nhưng lại để mất thế đa số vốn duy trì trong 40 năm qua. Điều này đồng nghĩa các nhóm chính trị vốn thống trị Brussels sẽ không thể lập “đại liên minh” trong EP mà không cần sự hỗ trợ. Thay vào đó, những người tự do ALDE và đảng Xanh với vị trí thứ 3 và thứ 4 có thể đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành liên minh đa số mới. Ngoài ra, với việc có thêm nhiều đại diện trong EP, phe dân túy và dân tộc được dự đoán sẽ đẩy mạnh các vấn đề như kiểm soát nhập cư và ngân sách, tập trung quyền lực vào mỗi quốc gia hơn là thể chế mà họ cho là chỉ nằm trong tay giới tinh hoa.

Theo nhà kinh tế học của Holger Schmieding, tuy khối thân EU​​ vẫn chiếm đa số nhưng sự suy giảm của các đảng chính thống trái ngược sự gia tăng hiện diện của phe cánh hữu cho thấy chính trị châu Âu đang bị phân mảnh nghiêm trọng. Trong đó, cuộc bầu cử không chỉ là thước đo đánh giá mức độ ủng hộ dành cho các đảng bài nhập cư, chống đường lối của giới tinh hoa và hoài nghi châu Âu, mà nó còn phản ánh sự chia rẽ giữa 28 nước EU. Đây cũng là cơ hội để người dân ở mỗi quốc gia bày tỏ bất bình, thậm chí trừng phạt các đảng cầm quyền. AP ước tính tỷ lệ người dân đi bỏ phiếu đạt mức kỷ lục trong 25 năm qua khi chạm mốc 50,5%. Lần cuối cùng bầu cử EP thu hút trên 50% cử tri là năm 1994.

Giới phân tích cho rằng tỷ lệ cử tri đi bầu cao một phần do sự gia tăng của các đảng dân túy và nhận thức của người dân về biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, quan ngại làn sóng cực hữu trở thành thế lực mạnh mẽ tại EP cũng góp phần không nhỏ thúc đẩy cử tri hành động qua việc có hàng triệu người bỏ phiếu ủng hộ các đảng tự do và thân EU. Nhưng rõ ràng, theo CNN, châu Âu đang mắc kẹt và thông điệp duy nhất cho Brussels là phải cải tổ nếu muốn tồn tại.

MAI QUYÊN (Theo NYT, BBC)

Chia sẻ bài viết