11/11/2019 - 09:57

Thới Lai: Để sản xuất thắng lợi vụ lúa đông xuân 

Thới Lai là một trong những huyện ngoại thành sản xuất lúa chủ lực của TP Cần Thơ. Vụ đông xuân 2019-2020, huyện dự kiến gieo trồng 18.788,57ha lúa. Để sản xuất thắng lợi vụ lúa quan trọng này, các cấp chính quyền huyện đã đồng hành cùng nông dân tổ chức tốt sản xuất, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, giảm chi phí, tăng chất lượng sản phẩm và kết nối để có đầu ra ổn định.

Xuống giống tập trung, né rầy

Nông dân huyện Thới Lai sử dụng máy phun hạt sạ lúa rất nhanh, lại tiết kiệm lúa giống so với sạ tay, với thời gian gieo sạ mỗi công lúa chỉ mất 15-20 phút.

Vụ này, 12 công ruộng của ông Võ Văn Dũng, ngụ ấp Thới Bình A3, xã Thới Thạnh đều sạ giống lúa thơm Jasmine 85, lúa đã được gần 10 ngày tuổi và đang phát triển khá tốt. Ông Dũng cho biết: “Để phòng tránh rầy nâu và các đối tượng dịch hại nguy hiểm khác, cũng như chủ động ứng phó với thời tiết bất lợi và thiên tai, nông dân tại địa phương tuân thủ lịch thời vụ xuống giống do ngành chức năng khuyến cáo và thực hiện nghiêm việc xuống giống tập trung, đồng loạt trên từng cánh đồng. Bà con cũng quan tâm sử dụng giống tốt từ cấp xác nhận trở lên và chọn sạ các loại giống lúa thơm, chất lượng cao để bán được giá ”. Ông Nguyễn Văn Hải ở ấp Định Mỹ, xã Định Môn, cho biết: “Vụ đông xuân này ông và nhiều hộ dân tại xã Định Môn không còn chọn sạ lúa IR50404 như năm trước mà chuyển sang trồng lúa Đài thơm 8 để bán được giá cao. Hiện 10 công lúa của ông dù mới gieo sạ nhưng đã có doanh nghiệp đến ngỏ ý đặt tiền cọc mua lúa tươi ngay từ đầu vụ với giá 5.500 đồng/kg”.

Theo ông Phan Văn Kiệt, ngụ ấp Trường Phú B, xã Thới Tân, vụ này ông dự kiến gieo sạ lúa Jasmine 85 trên 3ha lúa và ngay từ đầu vụ đã mua lúa giống cấp xác nhận, tiến hành vệ sinh đồng ruộng để sẵn sàng gieo sạ lúa. Năm nay nước lũ ít và rút sớm nông dân đỡ chi phí bơm tát nước, thuận lợi gieo sạ lúa...

Vụ đông xuân 2019-2020, huyện Thới Lai phấn đấu gieo trồng lúa đạt diện tích 18.788,57ha, sản lượng dự kiến hơn 129.000 tấn, trong đó diện tích lúa chất lượng cao đạt 15.031ha, chiếm tỷ lệ khoảng 80% diện tích lúa trong vụ. Diện tích lúa của nông dân tham gia mô hình “cánh đồng lớn” (CĐL) dự kiến đạt 13.000ha, với 12.500 hộ dân thuộc toàn bộ 13 xã, thị trấn trên địa bàn huyện tham gia. Thới Lai cũng có kế hoạch phát triển mô hình “cánh đồng lúa sạch” gắn với hợp đồng bao tiêu của doanh nghiệp, với diện tích dự kiến khoảng 2.086ha tại các xã Trường Xuân, Định Môn và Thới Tân, với sự tham gia của 1.900 hộ dân. Tổ chức nhân lúa giống trong vụ đông xuân để phục vụ cho vụ hè thu 2020, dự kiến mỗi xã từ 10-15ha.

Căn cứ vào lịch thời vụ thành phố khuyến cáo và tình hình rầy nâu di trú, chế độ thủy văn nhằm đảm bảo an toàn cho các đợt xuống giống tập trung, đồng loạt và né rầy, huyện Thới Lai đã xây dựng kế hoạch xuống giống vụ đông xuân 2018-2019 gồm 2 đợt. Đợt 1: từ ngày 2 đến 8-11-2019 (nhằm ngày mùng 6 đến 12-10 âm lịch). Đợt 2: từ ngày 21 đến 27-11-2019 (nhằm ngày 25-10 đến 2-11 âm lịch).

Hỗ trợ nông dân

Thời gian qua, có nhiều đơn vị, doanh nghiệp như: Viện Lúa ĐBSCL, Công ty Hoàng Minh Nhật, Công ty Cổ phần Gentraco, Công ty Vinacam, Công ty Chế biến gạo xuất khẩu Thới Thạnh, Công ty Lương thực Sông Hậu,  Công ty Thạnh Thắng, Công ty Phước Hưng... tham gia liên kết sản xuất và bao tiêu lúa cho nông dân tại huyện Thới Lai.

Với sự quan tâm chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện Thới Lai, các địa phương trên địa bàn đang tích cực vào cuộc để hỗ trợ nông dân sản xuất lúa đông xuân.

Ông Huỳnh Thanh Sang, Phó Chủ tịch UBND xã Thới Thạnh, cho biết: “Đến ngày 7-11, nông dân tại xã gieo sạ lúa đông xuân được 412ha/835,57ha theo kế hoạch. Hiện xã đang theo dõi sát tình hình sản xuất lúa của nông dân để có các khuyến cáo và hỗ trợ kịp thời. Vụ này, xã vận động được nông dân tham gia mô hình CĐL 350ha”.

Ông Lê Văn Nhớ, Phó Chủ tịch UBND xã Thới Tân, cho biết: “Xã đã chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất cụ thể tại địa phương, tổ chức tập huấn kỹ thuật đầu vụ, vận động, hướng dẫn nông dân thực hiện tốt việc vệ sinh đồng ruộng, chọn giống, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật và tăng cường liên kết với các doanh nghiệp và đơn vị thu mua lúa.Vụ này, toàn xã dự kiến gieo trồng 1.270ha lúa, trong đó có 480ha lúa tham gia mô hình CĐL. Đến nay, xã đã xuống giống được 690ha, trong đó 81% sạ lúa Jasmine 85, 14% sạ lúa Đài Thơm 8, diện tích còn lại sạ OM 5451 và OM18”.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thới Lai, huyện đã xây dựng Kế hoạch tổ chức thực hiện sản xuất lúa vụ đông xuân 2019-2020 khá sớm và tổ chức triển khai đến các xã, thị trấn trên địa bàn để tập trung tuyên truyền, hướng dẫn nông dân ngay từ đầu vụ, tránh tư tưởng chủ quan, gieo sạ không theo lịch khuyến cáo. Tích cực vận động nông dân đảm bảo thời gian giãn cách giữa 2 vụ gieo sạ lúa tối thiểu 3 tuần và tuân thủ theo nguyên tắc “gieo tập trung, đồng loạt trên từng khu vực, từng cánh đồng”. Khuyến cáo nông dân sản xuất các giống có tính chống chịu rầy nâu, thích ứng điều kiện thổ nhưỡng, tình hình thời tiết của huyện và có phẩm chất gạo tốt theo khuyến cáo và theo nhu cầu thu mua của các đơn vị, doanh nghiệp, với các giống chủ lực như: Jamine 85, Đài Thơm 8, OM 4218, OM 5451… Hướng dẫn nông dân thực hiện vệ sinh đồng ruộng, làm đất và chuẩn bị giống tốt, sử dụng giống xác nhận, áp dụng các biện pháp sạ hàng, sạ thưa với lượng giống từ 80-100kg/ha, áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật, giúp giảm giá thành, thu hoạch bằng cơ giới, sấy sau thu hoạch nhằm giảm thất thoát và đảm bảo chất lượng sản phẩm.

Tính đến ngày 7-11, huyện Thới Lai xuống giống được 1.730ha lúa, đạt 9,21% so với kế hoạch. Trong đó, cánh đồng lớn xuống giống được 1.082ha, đạt 8,32% kế hoạch. Theo Bà Phạm Thị Ngọc Bích, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thới Lai, dự kiến nông dân tại huyện sẽ xuống giống dứt điểm lúa đông xuân 2019-2020 trong tháng 11-2019 theo như lịch thời vụ được khuyến cáo. Để sản xuất thắng lợi vụ lúa này, bên cạnh việc tiếp tục tăng cường chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và hướng dẫn nông dân chủ động bảo vệ sản xuất trước các diễn biến bất lợi thiên tai và sâu bệnh. Huyện vận động để ngày càng có thêm nhiều đơn vị, doanh nghiệp tham gia bao tiêu lúa cho nông dân. Xúc tiến các giải pháp đồng bộ nhằm đảm bảo thực hiện đạt kết quả cao nhất về phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn.

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết